Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Những người mẹ của các "thiên thần nhỏ"

(Dân sinh) - Hằng ngày tại Bệnh viện phụ sản Hùng Vương (quận 5, TP.HCM), nhiều trẻ được sinh ra khi mẹ đang điều trị Covid-19, gia đình không đến đón được vì đang thực hiện giãn cách xã hội. Trung tâm H.O.P.E là nơi chăm sóc cho các bé ngay từ những ngày đầu chào đời.

Bên cạnh Bệnh viện Hùng Vương là Trường mầm non Họa Mi 2. Từ ngày 25/8, trường mang một cái tên mới: Trung tâm H.O.P.E, có với nhiệm vụ nuôi dưỡng trẻ sơ sinh có mẹ đang điều trị Covid-19, với 25 tình nguyện viên thay nhau làm việc không ngơi tay suốt ngày đêm.

Nguyễn Thị Thu Hằng, 26 tuổi là một trong những tình nguyện viên làm việc ở đây ngay từ đầu. Cô vốn là tiếp viên hàng không nhưng công việc gián đoạn suốt mấy tháng nay. Mặc dù còn độc thân, chưa có kinh nghiệm chăm sóc em bé nhưng cô cùng nhiều tình nguyện viên trẻ khác đã tiếp nhận công việc một cách đầy nhiệt huyết. "Mỗi ca trực 14 tiếng. Như ca trực này sẽ từ 5h tối tới 7h sáng hôm sau. Các bé còn nhỏ nên luôn phải có người cho bú, thay tã liên tục", Hằng cho biết.

TS, BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương cho biết, từ tháng 4/2021 đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận 1.000 thai phụ, trong đó nhiều trường hợp dương tính với Covid-19. Trong 500 trẻ được sinh ra từ những bà mẹ mắc Covid-19, may mắn là tỷ lệ trẻ mắc Covid-19 rất thấp, chỉ dưới 1%.

 Những người mẹ của các "thiên thần nhỏ" - Ảnh 1.

Một tình nguyện viên của Trung tâm H.O.P.E bên em bé mới chào đời.

Do những người mẹ này đang phải cách ly tập trung, thành phố áp dụng Chỉ thị 16 và 16+ nên nhiều gia đình không thể đến chăm sóc và đón trẻ được sinh ra bình thường, khỏe mạnh. Những ngày mới thành lập, Trung tâm H.O.P.E tiếp nhận 30 bé. "Các bé được bệnh viện chuyển sang đây nuôi dưỡng đều đã được xét nghiệm âm tính với Covid-19 nhiều lần. Các bé sẽ được nuôi dưỡng, chăm sóc bởi các bạn tình nguyện viện trong khi chờ mẹ khỏe lại và gia đình tới đón về", chị Võ Trần Thanh Phương (33 tuổi), đội phó đội tình nguyện cho biết.

Với số lượng bé "gia nhập" Trung tâm ngày một tăng, mỗi tình nguyện viên phải chăm sóc nhiều bé. Họ phải luôn tay làm đủ việc: Thay tã, pha sữa cho bú, tắm rửa, dọn dẹp vệ sinh... Được biết, 25.000 tình nguyện viên làm việc ở đây hầu hết đều còn trẻ, nhiều người chưa có gia đình, trước đây làm nhiều công việc khác nhau. Các tình nguyện viên đều ăn ở tại trường, không tiếp xúc với bên ngoài để đảm bảo an toàn cho các bé trong khoảng thời gian suốt 5 tuần.

Cô Nguyễn Thị Hồng Quế, Hiệu trưởng Trường mầm non Họa Mi 2 cho biết, ngoài 25 tình nguyện viên, các cán bộ công nhân viên của trường cũng làm công tác hỗ trợ vòng ngoài, vệ sinh chung trong thời gian nuôi dưỡng các bé.

 Những người mẹ của các "thiên thần nhỏ" - Ảnh 2.

Các tình nguyện viên tận tình chăm sóc những em bé sơ sinh tại trung tâm.

Bệnh viện Hùng Vương với vai trò chủ quản cung cấp các quy trình chuyên môn, tổ chức tập huấn cho các cô bảo mẫu là những tình nguyện viên về kiến thức và kỹ năng tốt nhất trong chăm sóc trẻ sơ sinh; tổ chức thăm khám hằng ngày, chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện cấp cứu khi cần. Công tác giao nhận trẻ cho người thân cũng đã được xây dựng quy trình chặt chẽ để đảm bảo tránh nhầm lẫn và an toàn cho trẻ.

Quỳnh Hoa, một tình nguyện viên tâm sự: Nhìn các bé chưa được đặt tên, chân vẫn còn đeo thẻ nhận diện được bệnh viện gắn từ lúc mới sinh với thông tin của mẹ, ai cũng thấy thương ghê lắm. Sau vài ngày "làm quen", các "mẹ" căn cứ theo hình thức và tính nết của mỗi bé để đặt các "biệt danh" dễ nhận diện và cũng dựa vào đó có cách thức, chế độ chăm sóc phù hợp.

Những ngày này, tiếng ru êm ái luôn cất lên trong ngôi trường mầm non để ru các bé thơ chìm vào giấc ngủ bình yên. Những tình nguyện viên ở đây cho biết, trong số những bé mà họ đang chăm sóc, có bé không còn được nhìn thấy mặt mẹ, bé thì mất liên lạc với gia đình, gần đầy tháng mà chưa có người nhà đến nhận... Bệnh viện cho biết đến cuối tháng 8, 30 bé đã bị mất hoàn toàn liên lạc với gia đình. Nhiều lúc nhìn các con nằm ngủ, nghĩ về tương lai của con mà nước mắt các mẹ cứ tuôn trào.

Hàng ngày, hàng chục "bà mẹ nuôi con cho người dưng" tại Trung tâm H.O.P.E vẫn luôn miệt mài với công việc. Dự kiến, Trung tâm sẽ tiếp nhận khoảng 100 trẻ, khi ấy công việc và trách nhiệm chắc chắn sẽ còn nặng nề hơn. Nhưng mọi người đều đã sẵn sàng đối mặt với tình huống khó khăn, gian khổ hơn gấp bội vì những em bé mới chào đời ấy luôn cần có mẹ ở bên.

Giữa tâm dịch khốc liệt, những đứa trẻ đang được cưu mang ở một nơi an toàn, với những người mẹ dẫu không mang nặng đẻ đau nhưng có trái tim nhân hậu và tấm lòng chan chứa yêu thương, luôn sẵn sàng sẻ chia. Những đứa trẻ ấy đang lớn lên từng ngày ở H.O.P.E - nơi thắp lên Hy vọng.