Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Những yếu tố tác động mạnh đến thị trường ô tô, xe máy trong năm 2020

Xe máy phải dán nhãn năng lượng, ô tô đáp ứng tiêu chuẩn khí thải mới, xe nhập khẩu từ EU được giảm thuế là những thay đổi lớn đối với thị trường ô tô, xe máy từ năm 2020.

Xe máy phải dán nhãn năng lượng như ôtô

Thông tư 59/2018/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải về hướng dẫn việc dán nhãn năng lượng đối với mô tô, xe gắn máy sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1. Theo đó, các cơ sở sản xuất, nhập khẩu xe máy sẽ in nhãn năng lượng theo mẫu quy định của Bộ Công Thương. Các đơn vị này phải dán nhãn năng lượng trên từng xe tại vị trí dễ quan sát trước khi đưa ra thị trường. Nhãn năng lượng phải được cơ sở sản xuất, nhập khẩu và kinh doanh xe máy duy trì trên xe cho tới khi xe được bàn giao đến tay người tiêu dùng.

Năm 2020: Những yếu tố tác động mạnh đến thị trường ô tô, xe máy - Ảnh 1.

Khách hàng tham khảo các thông tin của ô tô trước khi quyết định mua xe.

Trước khi thực hiện việc dán nhãn năng lượng, cơ sở sản xuất, nhập khẩu xe máy phải công khai thông tin về mức tiêu thụ nhiên liệu của kiểu loại xe. Việc này được thực hiện bằng hình thức gửi bản công khai mức tiêu thụ nhiên liệu của kiểu loại xe tới cơ quan quản lý chất lượng để công khai trên trang thông tin điện tử của cơ quan quản lý chất lượng. Cơ sở sản xuất, nhập khẩu xe máy cũng phải đăng tải mức tiêu thụ nhiên liệu trên trang thông tin điện tử của mình nếu có. Thông tin công khai phải được duy trì trong suốt thời gian cơ sở sản xuất, nhập khẩu và kinh doanh xe cung cấp kiểu loại xe máy đó ra thị trường.

Hàng năm, cơ quan quản lý chất lượng sẽ giám sát bằng cách lập kế hoạch và thực hiện kiểm tra việc tuân thủ về công khai thông tin mức tiêu thụ nhiên liệu và thực hiện dán nhãn của cơ sở sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh xe máy theo quy định. Cơ quan quản lý chất lượng cũng sẽ kiểm tra đột xuất nếu nhận được phản ánh, khiếu nại về dấu hiệu vi phạm quy định liên quan đến thực hiện dán nhãn năng lượng. Trường hợp phát hiện dấu hiệu vi phạm rõ ràng liên quan mức tiêu thụ nhiên liệu đã công khai, cơ quan này có quyền yêu cầu cơ sở sản xuất, nhập khẩu phải thử nghiệm lại mức tiêu thụ nhiên liệu.

Như vậy, sau 2 năm từ khi triển khai việc bắt buộc dán nhãn năng lượng với ôtô 9 chỗ ngồi trở xuống tại Việt Nam, quy định này đã được áp dụng với xe máy.

"Siết" tiêu chuẩn khí thải đối với xe ô tô

Kinh tế phát triển nên số lượng ô tô tại Việt Nam cũng tăng nhanh. Điều này khiến tổng lượng phát thải chất độc hại như khí oxyde nitơ, cacbon monoxit có trong khí thải ô tô tăng lên, nhất là tại các thành phố lớn. Trước thực tế này, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định 16/2019 quy định lộ trình áp dụng các mức tiêu chuẩn khí thải của xe ô tô tham gia giao thông và xe ô tô đã qua sử dụng nhập khẩu. Quyết định này quy định lộ trình áp dụng các mức tiêu chuẩn khí thải của xe ô tô tham gia giao thông và xe ô tô đã qua sử dụng nhập khẩu (không áp dụng đối với các loại xe ô tô của quân đội, công an phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh).

Lộ trình áp dụng các mức tiêu chuẩn khí thải đối với xe ô tô tham gia giao thông như sau: ô tô sản xuất trước năm 1999 được tiếp tục áp dụng mức 1; ô tô sản xuất từ năm 1999 đến hết năm 2008 áp dụng mức 2 từ ngày 1/1/2021; ô tô lắp sản xuất sau năm 2008 áp dụng mức 2 từ ngày 1/1/2020. Theo tính toán, chỉ riêng nhóm các loại xe ô tô sản xuất từ sau năm 2008 phải đáp ứng tiêu chuẩn khí thải mức 2, cao hơn 1/3 so với hiện nay (mức 1).

Thống kê của Cục Đăng kiểm Việt Nam, hiện nay, tổng số ô tô trên toàn quốc đã tăng lên hơn 3,5 triệu chiếc, trong đó có hơn 2,4 triệu ô tô sản xuất từ năm 2008 trở lại đây. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, từ ngày 1/1/2020, khoảng 2,4 triệu xe ô tô phải đáp ứng mức tiêu chuẩn khí thải mới được cấp chứng nhận đăng kiểm để tham gia giao thông.

Trên thực tế, với việc tăng nhanh số lượng ô tô và tình trạng ô nhiễm không khí diễn ra ngày càng trầm trọng, việc nâng tiêu chuẩn khí thải đối với loại phương tiện này là yêu cầu cấp thiết để bảo vệ môi trường.

Để phục vụ việc kiểm định khí thải, hiện Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng đã hoàn thiện thử nghiệm phần mềm kiểm tra khí thải theo tiêu chuẩn mới. Đồng thời tập huấn, chuyển giao cho các trung tâm đăng kiểm toàn quốc cài đặt, sử dụng. Đây được xem là yếu tố mấu chốt để đảm bảo cho chính sách được áp dụng triệt để vào thực tế.

Việc nâng cao tiêu chuẩn về khí thải đòi hỏi việc kiểm định cũng phải áp dụng những công nghệ, phương tiện mới để thực hiện. Do đó, việc cập nhật phần mềm mới nhằm đảm bảo kết quả kiểm định đạt độ chính xác cao, khách quan sẽ giúp cho chính sách mới nhanh chóng đi vào cuộc sống. Các yếu tố chính xác và khách quan cũng sẽ thúc đẩy người dân chấp hành nghiêm túc hơn quy định của Nhà nước. Về lâu dài, các cơ quan chức năng cũng cần đầu tư, chuyển đổi để thực hiện việc kiểm tra, kiểm định khí thải đối với xe ô tô khi có tải. Bởi trên thực tế, hiện nay, việc kiểm tra khí thải xe ô tô mới chỉ thực hiện theo phương pháp kiểm tra xe không có tải. Việc áp dụng phương pháp kiểm tra xe có tải sẽ giúp kiểm soát khí thải tốt hơn, phù hợp với xu hướng tiên tiến trên thế giới.

Mới đây, Bộ Tài Chính thông tin, Việt Nam sẽ mở cửa đối với thị trường xe hơi EU khi Quốc hội Việt Nam và Nghị viện châu Âu phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Theo cam kết, Việt Nam sẽ mở cửa gần 90% đối với mặt hàng từ các nước EU thông qua cơ chế cắt bỏ thuế quan có lộ trình từ 5 đến 10 năm kể từ khi Hiệp định chính thức có hiệu lực. Đặc biệt, trong nhóm mặt hàng xóa bỏ thuế quan, xe hơi sẽ có lộ trình giảm thuế nhập trong 9 năm đầu và bắt đầu xóa bỏ sau năm thứ 10 kể từ khi Hiệp định chính thức có hiệu lực thuế nhập xe hơi từ EU về Việt Nam sẽ bằng 0% như các xe nhập khẩu từ Thái Lan, Indonesia. Đối với các dòng xe dưới 2,0 lít, lộ trình cắt giảm thuế sẽ diễn ra trong 10 năm, sau 10 năm Việt Nam chính thức bỏ thuế đối với xe nhập EU có dung tích thấp.

Như vậy, nếu EVFTA được phê chuẩn chính thức có hiệu lực năm 2020, việc giảm thuế sẽ áp dụng ngay từ thời điểm này và và người tiêu dùng có thêm lựa chọn.