Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Ninh Bình: Đẩy mạnh phong trào toàn dân chăm sóc người có công

(Dân sinh) - Trong những năm qua, tỉnh Ninh Bình đã luôn nỗ lực, cố gắng chăm sóc người có công (NCC) với ý thức không chỉ là bổn phận, đạo lý, là trách nhiệm mà còn là niềm vinh dự với các cấp, ngành, tổ chức xã hội và người dân. Đẩy mạnh phong trào toàn dân chăm sóc NCC trên địa bàn toàn tỉnh.

Phát huy truyền thống cách mạng

Trong các cuộc kháng chiến trường kỳ và anh dũng của đất nước, Đảng bộ và nhân dân Ninh Bình đã tiễn đưa trên 235 nghìn người con ưu tú lên đường tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên khắp các chiến trường và làm nhiệm vụ Quốc tế. Kháng chiến thắng lợi, toàn tỉnh Ninh Bình có trên 16 nghìn liệt sỹ, trên 12 nghìn thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, gần 9 nghìn bệnh binh; trên 6,7 nghìn người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học; 863 người hoạt động khánh chiến bị địch bắt tù đày, 102 nghìn người được tặng thưởng huân, huy chương kháng chiến, 1.167 người được công nhận là cán bộ Lão thành cách mạng và Cán bộ tiền khởi nghĩa, 1.248 Bà mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu Bà mẹ VNAH.

Ninh Bình: Đẩy mạnh phong trào toàn dân chăm sóc người có công - Ảnh 1.

Đoàn công tác tỉnh Ninh Bình dâng hương các anh hùng, liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn

Hiện nay, tỉnh Ninh Bình có trên 22 nghìn người có công và thân nhân đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng. Năm 2020 kinh phí Trung ương ủy quyền chi thực hiện chính sách ưu đãi với NCC trên 659 tỷ đồng. Xác định việc thực hiện chính sách ưu đãi Người có công là một nhiệm vụ quan trọng có ý nghĩa chính trị và nhân văn sâu sắc, trong những năm qua được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ LĐ-TB&XH, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh việc thực hiện chính sách thương binh, liệt sỹ, người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Việc giải quyết chính sách, chi trả trợ cấp hàng tháng, trợ cấp 1 lần cho người có công và thân nhân đảm bảo đúng, đủ, kịp thời, không để tồn đọng, kéo dài. 6 tháng đầu năm đã xác nhận hồ sơ, giải quyết chế độ chính sách đối với trên 2.100 hồ sơ NCC. Công tác chăm sóc sức khỏe cho người có công được quan tâm, đã xây dựng kế hoạch điều dưỡng năm 2020 cho 6.263 NCC, trong đó điều dưỡng tập trung cho 1.377 NCC, 100% Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống được các cơ quan, đơn vị phụng dưỡng đến hết đời.

Đẩy mạnh phong trào toàn dân chăm sóc NCC

Phong trào " Đền ơn đáp nghĩa" đã huy động sự tham gia tích cực của cộng đồng, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp. Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa và An sinh xã hội" của tỉnh Ninh Bình đến nay đã huy động được trên 110 tỷ đồng (trong đó cấp tỉnh là 48 tỷ đồng). Hằng năm toàn tỉnh tổ chức thăm, tặng trên 170 nghìn suất quà cho người có công với cách mạng và thân nhân dịp Lễ, Tết, ngày Thương binh liệt sỹ 27/7 với trị giá trên 38 tỷ đồng. Trong đó: ngoài quà của Chủ tịch nước, Tỉnh đã trích ngân sách địa phương để tặng quà cho các đối tượng NCC và thân nhân, với mức quà 300.000đ/người).

Ninh Bình: Đẩy mạnh phong trào toàn dân chăm sóc người có công - Ảnh 2.

Các thương, bệnh binh đang điều dưỡng tại Trung tâm điều dưỡng thương binh Nho Quan dâng hương các anh hùng, liệt sĩ tại Thành cổ Quảng Trị

Đến nay, tỉnh Ninh Bình đã hoàn thành hỗ trợ nhà ở cho 2.096 hộ Người có công theo Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ với tổng kinh phí 62,3 tỷ đồng, trong đó tỉnh đã trích 15,4 tỷ đồng từ Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa, an sinh xã hội". Việc xóa nghèo cho hộ nghèo có thành viên người có công, ngành LĐ-TB&XH Ninh Bình đã tích cực tham mưu giúp Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Ninh Bình ban hành Nghị quyết số 03 về đổi mới, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác NCC, giảm nghèo bền vững, trong đó chú trọng giảm nghèo cho hộ nghèo có thành viên người có công (với các giải pháp như huy động xã hội hóa, hỗ trợ vốn phát triển sản xuất, hỗ trợ dạy nghề tạo việc làm, xuất khẩu lao động, vận động ghép hộ, rà soát chấm điểm lại đưa ra khỏi hộ nghèo đối với những hộ không đủ điều kiện…

Sau 1 năm triển khai thực hiện Nghị quyết đã giúp 395 hộ thoát nghèo. Đến đầu năm 2020, toàn tỉnh còn 194 hộ nghèo có thành viên NCC. Để xóa nghèo cho nhóm đối tượng này, ngành đã chủ động tham mưu giúp UBND tỉnh Ninh Bình trình HĐND ban hành Nghị quyết số 23 quy định chính sách hỗ trợ các đối tượng thuộc hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh, thời gian thực hiện từ 2020 - 2025, với mức hỗ trợ từ 800 nghìn đồng - 1triệu đồng/người/tháng. Đến nay, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình cơ bản không còn hộ nghèo có thành viên NCC.

Từ năm 2020, tỉnh Ninh Bình đã Tham mưu, tổ chức tốt các hoạt động thăm, tặng quà cho NCC nhân dịp Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020. Trình Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cấp lại Bằng Tổ quốc ghi công cho 34 trường hợp. Thực hiện đầy đủ, kịp thời việc xác nhận hồ sơ, giải quyết chế độ chính sách đối với 2.100 hồ sơ Người có công với cách mạng và thân nhân của họ đảm bảo đúng quy định, không để tồn đọng. Ban hành kế hoạch điều dưỡng cho 6.263 đối tượng NCC với cách mạng và thân nhân năm 2020. Kiểm tra việc sử dụng kinh phí và nhu cầu kinh phí mộ, nghĩa trang liệt sỹ năm 2020 tại các huyện, thành phố. Rà soát, thẩm định danh sách hỗ trợ người có công và thân nhân người có công gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tiến hành thanh tra toàn diện việc thực hiện chính sách đối với người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học trên địa bàn huyện Kim Sơn, Hoa Lư. Thực hiện khôi phục trợ cấp đối với người hoạt động kháng chiến và con đẻ bị nhiễm chất độc hóa học theo kết luận thanh tra cho 180 trường hợp trên địa bàn 5 huyện, thành phố.

Có thể nói phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", chăm sóc NCC đã thực sự trở thành một phong trào sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, các tổ chức xã hội, các cấp, các ngành ở Ninh Bình với nhiều hình thức phong phú, sáng tạo, trở thành nét đẹp văn hóa trong đời sống xã hội. Thực hiện tốt các phong trào, hoạt động hỗ trợ nâng cao mức sống của NCC và gia đình NCC. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có trên 98% hộ gia đình NCC có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú và 100% xã, phường, thị trấn làm tốt công tác NCC với cách mạng. Ngay từ đầu năm 2020, ngành LĐ-TB&XH Ninh Bình đã tham mưu, trình UBND tỉnh Ninh Bình ban hành kế hoạch tổ chức tốt các hoạt động tri ân đối với NCC với cách mạng nhân các dịp lễ, tết trong năm. Đồng thời thực hiện tốt công tác hậu cần phục vụ các Đoàn công tác của Lãnh đạo tỉnh đến dâng hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ của tỉnh Ninh Bình hy sinh tại các nghĩa trang liệt sĩ trong và ngoài tỉnh nhân dịp tết Nguyên đán và kỷ niệm 73 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2020).

Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Ninh Bình Lâm Xuân Phương cho biết: "Có thể khẳng định rằng, trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước, tỉnh Ninh Bình luôn dành sự quan tâm sâu sắc đến mọi mặt đời sống vật chất, tinh thần cho các gia đình có công với cách mạng. Phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" đã trở thành nét đẹp trong đời sống văn hóa của dân tộc, là hoạt động thường xuyên, phát huy được sức mạnh của cộng đồng chăm lo gia đình có công với nước. Hệ thống văn bản pháp luật, cơ chế chính sách tôn vinh, ưu đãi, chăm sóc NCC ngày càng được hoàn thiện. Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ; xây dựng tu bổ nghĩa trang Liệt sỹ được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội quan tâm. Đời sống vật chất, tinh thần của thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sỹ và người có công ngày được cải thiện. Đến nay, hầu hết NCC và thân nhân, con em NCC đã được hưởng các ưu đãi về chăm sóc sức khỏe, giáo dục, đào tạo, giải quyết việc làm, cải thiện về nhà ở, 100% mẹ VNAH còn sống đã nhận được phụng dưỡng của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Các hoạt động "Đền ơn đáp nghĩa", chăm sóc NCC đã thật sự trở thành một phong trào rộng khắp trong các tầng lớp nhân dân, các tổ chức xã hội, các cấp, các ngành, các địa phương và doanh nghiệp trên địa bàn với nhiều hình thức tổ chức, nhiều việc làm cụ thể, thiết thực, hết sức phong phú, sáng tạo, trở thành nét đẹp văn hóa trong đời sống xã hội…".

Trong thời gian tới, Ninh Bình tiếp tục đẩy mạnh vận động Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, tạo điều kiện chăm lo tốt hơn đời sống các gia đình chính sách trên địa bàn tỉnh; khai thác hiệu quả cơ sở dữ liệu đề án số hóa hồ sơ NCC. Tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện chi trả chính sách ưu đãi NCC tại địa phương, đơn vị. Phấn đấu đến hết năm 2020, 100% hộ NCC ở Ninh Bình có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú; thân nhân liệt sĩ và NCC được thụ hưởng đầy đủ, kịp thời mọi chế độ chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước, hoàn thành việc hỗ trợ cải thiện nhà ở cho NCC. Tiếp tục đẩy mạnh phong trào toàn dân chăm sóc NCC trên địa bàn toàn tỉnh.