Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Ninh Bình: Nhiều kết quả sau 15 năm thi hành Luật Bình đẳng giới

Trong 15 năm qua, tỉnh Ninh Bình đã triển khai có hiệu quả Luật Bình đẳng giới (BĐG), tạo ra cơ hội tiếp cận và thụ hưởng các quyền, lợi ích của cả nam giới và phụ nữ trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Tuy nhiên, việc triển khai Luật cũng còn gặp một số khó khăn.

Góp phần nâng cao vai trò và vị thế của phụ nữ

Ông Lâm Xuân Phương, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Ninh Bình cho biết: Kể từ khi Luật BĐG đi vào cuộc sống,  công tác BĐG trên địa bàn đã đạt được những kết quả tích cực: Bộ máy làm công tác BĐG và VSTBPN từ tỉnh đến cơ sở từng bước được kiện toàn và đi vào hoạt động nền nếp; nhận thức của các cấp, các ngành, của cán bộ, đảng viên và nhân dân về BĐG ngày càng được nâng lên; các cấp ủy đảng, chính quyền đã quan tâm nhiều hơn đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện các chủ trương, chính sách pháp luật về BĐG. Công tác kiểm tra, giám sát luôn được duy trì nhằm kịp thời phát hiện các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật.

Đoàn đại biểu Phụ nữ Ninh Bình tại Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII

Đoàn đại biểu Phụ nữ Ninh Bình tại Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII

Khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế - lao động được thu hẹp, công tác đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động nữ được quan tâm. Từ năm 2007 đến nay, toàn tỉnh đã tạo việc làm mới cho 302.382 lượt lao động, trong đó có 148.137 lượt lao động nữ, chiếm 48,9%. Tổng số người đi XKLĐ trong 15 năm qua là 17.150 người, trong đó nữ 7.236 người, chiếm 42,2%. Hằng năm, đã tổ chức dạy nghề cho trên 17.000 người, trong đó có lao động nữ chiếm trên 54%; tỷ lệ lao động nữ nông thôn dưới 45 tuổi được đào tạo nghề và chuyên môn kỹ thuật hàng năm đạt từ 68% trở lên. Công tác chăm sóc sức khoẻ cho phụ nữ và trẻ em được chú trọng. Công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ năng lực cho đội ngũ cán bộ nữ được quan tâm, tỷ lệ phụ nữ tham gia lĩnh vực chính trị ngày càng tăng. Tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy đảng ở cấp tỉnh đã tăng từ 15,68% (nhiệm kỳ 2015-2020) lên 16,67% (nhiệm kỳ 2020-2025); cấp huyện từ 19% lên 26,9%; cấp xã từ 20,1% lên 25,72%. Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội của tỉnh cũng tăng từ 16,67% (nhiệm kỳ 2016-2021) lên 50% (nhiệm kỳ 2021-2026); tỷ lệ nữ đại biểu HĐND cấp tỉnh tăng tương ứng từ 20% lên 24%; nữ HĐND cấp huyện từ 30,51% lên 30,77%; nữ HĐND cấp xã từ 24,92% lên 28,46%. Nhờ đó, vị thế, vai trò của phụ nữ trong gia đình và xã hội ngày càng được khẳng định đã giúp cho phụ nữ phát huy tiềm năng, sức sáng tạo của mình.

Vẫn còn những vướng mắc

Cũng theo ông Lâm Xuân Phương, bên cạnh thành tựu đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện Luật BĐG ở Ninh Bình cũng còn một số vướng mắc, hạn chế: Các quy định trong Luật BĐG còn chung chung, mang tính định hướng như: quy định tỷ lệ thích đáng nữ đại biểu Quốc hội, tỷ lệ nữ thích đáng trong bổ nhiệm các chức danh trong cơ quan nhà nước; tại khoản 3 (Điều 10), Luật BĐG quy định bạo lực giới là hành vi bị nghiêm cấm nhưng hiện nay chưa có định nghĩa hoặc mô tả cụ thể hành vi nào là hành vi bạo lực trên cơ sở giới; tại khoản 4 (Điều 10), cũng chỉ quy định chung chung gây khó khăn trong việc xác định các hành vi vi phạm trong lĩnh vực BĐG...

 Một số quy định của Luật còn khó triển khai trên thực tế như quy định “các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ được ưu đãi về thuế và tài chính theo quy định của pháp luật” (điểm a, khoản 2, Điều 12), do quy trình, thủ tục để hưởng các chính sách ưu đãi về thuế đối với doanh nghiệp khá phức tạp, số tiền được giảm thuế chưa bù đắp được các chi phí khi áp dụng các ưu đãi dành cho lao động nữ, vì vậy các doanh nghiệp thường ngại hoặc không muốn tiếp cận với chính sách ưu đãi này.

Thêm vào đó, khung pháp lý cơ bản về các chính sách phòng ngừa bạo lực giới, đặc biệt là bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái mặc dù tương đối toàn diện nhưng vẫn còn những khoảng trống, nhất là trong phòng, chống bạo lực giới đối với nhóm phụ nữ yếu thế như phụ nữ khuyết tật, phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Ngoài ra, việc tổ chức việc triển khai các biện pháp, cơ chế chính sách nhằm thúc đẩy BĐG và lồng ghép các mục tiêu BĐG trong việc xây dựng, triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn cũng còn hạn chế. Công tác thu thập, xử lý thông tin, thống kê số liệu có tách biệt về giới; công tác tổng hợp báo cáo đảm bảo chất lượng và thời gian của một số đơn vị, địa phương còn thiếu sót. Một trong những nguyên nhân là do đội ngũ cán bộ làm công tác BĐG từ tỉnh đến cơ sở chủ yếu kiêm nhiệm nhiều lĩnh vực; chưa được đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu về kiến thức giới, kỹ năng lồng ghép giới; thường xuyên thay đổi, nhất là ở cơ sở nên ảnh hưởng tới hiệu quả công tác tham mưu, tổ chức thực hiện. Hoạt động Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ các cấp chưa thực sự hiệu quả; việc triển khai thực hiện BĐG ở một số nơi còn mang tính hình thức.

 Để khắc phục những hạn chế nêu trên, Sở LĐ-TB&XH Ninh Bình nêu kiến nghị cần rà soát hệ thống pháp luật thuộc các lĩnh vực của đời sống xã hội để sửa đổi, bổ sung đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ giữa Luật BĐG và các luật, bộ luật khác. Nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật và chính sách gây bất lợi đối với phụ nữ trong các lĩnh vực; bảo đảm lồng ghép vấn đề BĐG trong xây dựng và thực thi văn bản quy phạm pháp luật; khắc phục những khoảng trống, quy định chung chung mang tính định hướng (như vấn đề bạo lực trên cơ sở giới), khó định lượng (tỷ lệ thích đáng nữ đại biểu Quốc hội; tỷ lệ thích đáng trong bổ nhiệm các chức danh trong cơ quan nhà nước); đồng thời, tăng các chính sách bù đắp dành riêng cho phụ nữ theo từng nhóm cụ thể như: Đối với nữ cán bộ, công chức, viên chức: chính sách, quy định pháp luật về tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bố trí, sử dụng, đề bạt ở các vị trí lãnh đạo, quản lý. Đặc biệt, cần quy định rõ cơ quan, đơn vị chủ trì, phối hợp trong thực hiện phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em gái để tránh sự trùng lặp, chồng chéo.