Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Ninh Bình: Triển khai nhiều chính sách trợ giúp người khuyết tật tiếp cận chương trình an sinh xã hội

(Dân sinh) - Chia sẻ với những khó khăn của người khuyết tật, Ninh Bình đã triển khai nhiều chính sách nhằm tạo điều kiện cho người khuyết tật được tiếp cận các chương trình an sinh xã hội và giảm nghèo.

Tỉnh Ninh Bình hiện có 25.950 người khuyết tật, chiếm 2,6% dân số, trong đó tập trung nhiều vào nhóm khuyết tật vận động chiếm 43,6%; khuyết tật thần kinh chiếm 17,4%; khuyết tật trí tuệ chiếm 14,3%; khuyết tật nghe nhìn chiếm 10,8%. Về nhóm tuổi: người khuyết tật dưới 16 tuổi chiếm 10,9%; từ 16 đến 60 tuổi chiếm 54,5%; nhóm trên 60 tuổi chiếm 34,6%.

Ninh Bình: Triển khai nhiều chính sách trợ giúp người khuyết tật tiếp cận chương trình an sinh xã hội - Ảnh 1.

Nhiều chính sách trợ giúp người khuyết tật được tỉnh Ninh Bình triển khai giúp NKT tiếp cận chương trình an sinh xã hội

Theo đánh giá của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Ninh Bình, nhìn chung, đời sống của những người khuyết tật còn gặp nhiều khó khăn, phần lớn thuộc các gia đình nghèo, ở khu vực nông thôn, thiếu vốn, thiếu tư liệu sản xuất, điều kiện đi lại khó khăn. Mặt khác, do bệnh tật, sức khỏe giảm sút, một bộ phận người khuyết tật không có khả năng lao động hoặc có khả năng nhưng khó tìm được việc làm phù hợp, thu nhập bấp bênh, đa số phải sống nhờ vào sự cưu mang của gia đình và người thân.

Chia sẻ với những khó khăn của người khuyết tật, tỉnh Ninh Bình đã triển khai nhiều chính sách nhằm tạo điều kiện cho người khuyết tật được tiếp cận các chương trình an sinh xã hội và giảm nghèo. Đồng thời, thực hiện Nghị định 136/NĐ-CPcủa Chính phủ, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Ninh Bình đã tham mưu cho UBND tỉnh cấp bổ sung gần 18 tỷ đồng để thực hiện rà soát, điều chỉnh đối tượng và mức trợ cấp thường xuyên cho đối tượng bảo trợ xã hội, trong đó có người khuyết tật;

Điều chỉnh trợ cấp nuôi dưỡng cho gần 500 đối tượng tại các cơ sở bảo trợ xã hội từ mức 750.000 lên mức 1.280.000 đồng/người/tháng cao hơn mức quy định; cấp thẻ Bảo hiểm y tế cho 21.770 người khuyết tật; khám sàng lọc khuyết tật cho 31.570 trẻ sơ sinh, trẻ dưới 6 tuổi; 11.323 người khuyết tật được lập hồ sơ theo dõi sức khỏe; 15.786 người khuyết tật được hướng dẫn phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng; Tỷ lệ công trình giao thông, công trình xây dựng đảm bảo tiếp cận đạt 50%.

Ninh Bình: Triển khai nhiều chính sách trợ giúp người khuyết tật tiếp cận chương trình an sinh xã hội - Ảnh 2.

Phục hồi chức năng cho trẻ em khuyết tật tỉnh Ninh Bình (ảnh dantri)

Thực hiện Luật Người khuyết tật và Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012 - 2020, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Ninh Bình đã tham mưu giúp UBND tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn các cấp, các ngành tổ chức quán triệt, triển khai và thực hiện.

Công tác tuyên truyền phổ biến Đề án và các văn bản hướng dẫn đã được tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả; tổ chức đào tạo tập huấn nâng cao nghiệp vụ chuyên môn cho cán bộ, công chức, viên chức về công tác trợ giúp người khuyết tật. Trung tâm trợ giúp pháp lý còn tổ chức nhiều đoàn trợ giúp pháp lý lưu động đến các xã, phường, thị trấn để trợ giúp pháp lý miễn phí cho hộ nghèo và người khuyết tật.

Ngành Y tế đã tổ chức nhiều hoạt động truyền thông về phòng ngừa và phục hồi chức năng cho người khuyết tật, xây dựng mạng lưới cán bộ chuyên trách, đầu tư máy móc, trang thiết bị và cử cán bộ tham gia các khóa đào tạo về phục hồi chức năng... Ngành Giáo dục và Đào tạo tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện tốt công tác giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật. Tổ chức tập huấn giáo dục hòa nhập cho gần 10.000 lượt cán bộ quản lý, giáo viên và cha mẹ trẻ khuyết tật.

Công tác dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật được ngành LĐ-TB&XH triển khai có hiệu quả.

Đến nay đã có 547 người khuyết tật được đào tạo nghề, trong đó 426 người khuyết tật có việc làm. Ngành Văn hóa - Thể thao và Ngành Du lịch từng bước triển khai biện pháp thực hiện miễn giảm giá vé, giá dịch vụ khi người khuyết tật sử dụng các dịch vụ văn hóa, thể thao, giải trí và du lịch;

Ngành Xây dựng, Giao thông vận tải đã bước đầu thực hiện và áp dụng các văn bản pháp quy, các tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng tiếp cận do Bộ Xây dựng ban hành đảm bảo cho người khuyết tật tiếp cận sử dụng.

Bên cạnh đó, Hội Người khuyết tật tỉnh Ninh Bình đã triển khai, thực hiện có hiệu quả Dự án " Hòa nhập xã hội cho người khuyết tật thông qua phát triển mạng lưới và tăng cường liên kết mạng lưới các tổ chức của người khuyết tật" do tổ chức CRS tài trợ; thực hiện tiếp Dự án "tăng cường năng lực và phát triển tổ chức hội người khuyết tật cấp tỉnh của Việt Nam" do Tổ chức PTU tài trợ.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, thực hiện Đề án trợ giúp người khuyết tật còn bộc lộ nhiều khó khăn, tồn tại, như cơ sở vật chất, trang thiết bị phục hồi chức năng ở nhiều cơ sở y tế còn hạn chế... Chưa huy động được nhiều trẻ khuyết tật nặng đến lớp; trẻ khuyết tật đi học ở các cấp THCS, THPT còn ít; Đội ngũ giáo viên dạy hòa nhập trẻ khuyết tật không ổn định. Một bộ phận cán bộ và nhân dân có nhận thức chưa đúng về giáo dục hòa nhập. Trang thiết bị phục vụ cho việc giảng dạy còn thiếu.

Công tác tuyển sinh học nghề thuộc đối tượng khuyết tật gặp rất nhiều khó khăn, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề cho người khuyết tật còn hạn chế, thiếu trang thiết bị dạy nghề dành riêng cho người khuyết tật. Các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao dành cho người khuyết tật chưa được quan tâm thường xuyên và đầu tư đúng mức. Việc triển khai xây dựng các công trình công cộng và giao thông chưa đồng bộ, nhận thức của cộng đồng về giao thông tiếp cận chưa đầy đủ và đúng mức.

Do đó, thời gian tới, các Sở, ban, ngành cần có những giải pháp tối ưu để Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021-2030 được thực hiện hiệu quả, đáp ứng nhu cầu trợ giúp của người khuyết tật trên địa bàn tỉnh.