Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Nỗ lực vượt khó vì người bệnh tâm thần

Chăm sóc bệnh nhân bình thường đã khó, chăm sóc cho người bệnh tâm thần lại càng khó khăn hơn. Nhưng với tinh thần trách nhiệm, lòng nhân ái, đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế tại Trung tâm chăm sóc, phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí khu vực miền núi Thanh Hóa đã nỗ lực hết mình, tận tình chăm sóc cho những người không may mắc phải chứng bệnh này.

Nằm ẩn mình trong một thung lũng rộng lớn của xã Minh Tiến (Ngọc Lặc, Thanh Hóa), Trung tâm Chăm sóc, phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí khu vực miền núi Thanh Hóa (gọi tắt là trung tâm) có lợi thế về sự trong lành, tĩnh lặng và rộng rãi để điều trị, phục hồi chức năng (PHCN) cho người bệnh tâm thần. Hiện nay, Trung tâm đang chăm sóc, điều trị cho gần 130 đối tượng tâm thần, rối nhiễu tâm trí của 11 huyện miền núi cùng 4 huyện lân cận là Thọ Xuân, Vĩnh Lộc, Triệu Sơn và Yên Định.

Người tâm thần, rối nhiễu tâm trí nhẹ được tạo điều kiện lao động để đẩy nhanh hồi phục.

Người tâm thần, rối nhiễu tâm trí nhẹ được tạo điều kiện lao động để đẩy nhanh hồi phục.

Ngoài các y sĩ, điều dưỡng, thì bác sĩ duy nhất của trung tâm hiện nay là anh Ngô Duy Dương  bày tỏ: “Điều trị, chăm sóc người tâm thần khó hơn nhiều những đối tượng khác. Kiến thức được đào tạo chỉ là một phần, trong quá trình làm việc phải đúc rút ra những kinh nghiệm không có trong sách vở. Nhiều lúc tôi không biết mình đang là bác sĩ hay nhà tâm lý học. Là cán bộ y tế nhưng những công việc khác ở đây cũng không thể không làm, vì thực tế yêu cầu mọi người phải đồng lòng chung tay mới hoàn thành được nhiệm vụ”. Hằng ngày, bác sĩ Dương phải liên tục chạy hết khoa này đến phòng khác, thăm khám, dự đoán diễn tiến bệnh những trường hợp lên cơn hay có biểu hiện lạ để có giải pháp điều trị, rồi kê đơn, theo dõi cả trăm bệnh nhân cùng lúc.

Không đủ điều kiện để nhận thêm nhiều người bệnh, Giám đốc Lê Ngọc Hảo, tiếc nuối: “Qua khảo sát, số đối tượng tâm thần, rối nhiễu tâm trí khu vực miền núi và 4 huyện lân cận còn nhiều, hiện vào trung tâm chưa được 10% nhu cầu. Những người bệnh này vẫn phải ở ngoài cộng đồng gây áp lực lớn về nhiều mặt cho gia đình, xã hội. Khi lên cơn, họ thường có hành vi nguy hiểm, thậm chí giết người, tự tử. Nhiều gia đình bất đắc dĩ còn phải cùm xích, đóng cũi nhốt, rất tội cho đối tượng. Chúng tôi rất mong tỉnh, các ngành có liên quan quan tâm bố trí đủ người, cơ sở vật chất để tiếp nhận thêm đối tượng về chăm sóc, phục hồi”. Trên thực tế, đã có hàng chục bệnh nhân được trung tâm chữa trị, phục hồi và được trở về với gia đình, thành người có ích.

Ông Lê Ngọc Hảo, Giám đốc Trung tâm cho biết: Theo quy định ở trung tâm chúng tôi bình quân một người chăm sóc 4 đối tượng, tuy nhiên thực tế bọn tôi đang chăm sóc 80 đối tượng mà có 11 người nên công tác còn khó khăn vì đối tượng này là đối tượng đặc thù, phải lo cho người ta từ hướng dẫn họ tắm rửa, cắt tóc, cạo râu, lo bữa ăn, trực 24/24.Khó khăn là vậy nhưng đội ngũ cán bộ nhân viên tại trung tâm chăm sóc, phục hồi chức năng cho người tâm thần miền núi Thanh Hóa vẫn hết mình với nghề, hết lòng vì bệnh nhân tâm thần. Họ luôn đặt chữ “Tâm” lên đầu, coi Trung tâm là ngôi nhà thứ 2 của mình, âm thầm lặng lẽ chăm sóc và điều trị cho người bệnh.

Ở trung tâm đặc thù này, từ giám đốc, cán bộ đến người lao động đều tất bật, mỗi người đóng nhiều “vai” mới có thể hoàn thành những nhiệm vụ được giao. Một ngày làm việc với ông Lê Đình Khánh, Trưởng Khoa Tâm thần Nam của trung tâm bắt đầu từ mờ sáng đến tối khuya. Gần 5 giờ, ông phải dậy để cùng các cán bộ đi đánh thức bệnh nhân, vận động các đối tượng ra tập thể dục, rồi “dỗ” và hướng dẫn từng người làm vệ sinh cá nhân. Việc bố trí ăn sáng hay yêu cầu uống thuốc hàng ngày cho từng bệnh nhân cũng không hề dễ, bởi chỉ một câu nói hay vấn đề “không hài lòng”, người bệnh có thể... bỏ ăn, vứt thuốc. Dù đã ở tuổi trên 60, nhưng ông Khánh vẫn cùng các cán bộ trong khoa lao động như nhau, không có chuyện “ngồi trên” chỉ đạo để mình cấp dưới làm. “40 năm ở các trung tâm, với nhiều đối tượng chăm sóc, tôi còn nắm được tâm lý, cử chỉ của các đối tượng để có phương pháp chăm sóc tốt nhất. Có đối tượng, có lúc thì cần vận động, “nịnh”, dỗ dành, nhưng có lúc phải... quát họ mới nghe. Với những người tâm thần nặng, anh em cán bộ còn phải hỗ trợ tắm gội và nhiều việc trong cuộc sống hàng ngày” - ông Khánh chia sẻ.

Phục vụ, điều trị và phục hồi chức năng cho gần 130 người bệnh thuộc đối tượng không bình thường nên mỗi người cán bộ Trung tâm đều phải “kham” nhiều công việc. Để lo đầy đủ bữa cơm cho gần 160 nhân khẩu, cả giám đốc trung tâm cùng 2 phó giám đốc cũng phải tham gia nhặt rau, nấu nướng dưới nhà bếp và những công việc liên quan. Nhiều cán bộ vừa đóng vai người chăm sóc bệnh nhân, vừa tham gia tăng gia sản xuất, thợ xây chuồng trại, hàn cửa, chăn nuôi, trồng rừng... bởi đa phần các hoạt động kinh tế ở đây đều tự cung, tự cấp.

Trong điều kiện được phân bổ tài chính có hạn, trung tâm đã thành công trong việc tăng gia sản xuất để bảo đảm bữa ăn cho bệnh nhân và người lao động. Sau 5 năm khai phá vùng đồi hoang, bàn tay lao động của các cán bộ đã biến 5 ha đất vùng núi Minh Tiến thành những vùng trồng ngô, vừng, đủ loại rau màu... Cùng với sự góp sức lao động của hàng chục bệnh nhân nhẹ còn khả năng lao động, mùa nào thức ấy, trung tâm đã chủ động được 100% rau, củ, quả cho bữa cơm hằng ngày, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Những đàn bò, đàn dê, khu nuôi lợn, gà và ngan, khu bể nuôi ếch, lươn, cá trê..., cũng mang lại nguồn thực phẩm không nhỏ cho bữa cơm người bệnh.

Ông Lại Thế Quảng, Phó Giám đốc Trung tâm, cho biết: “Khi chúng tôi lên tiếp quản, một vùng đồi bao la chỉ là hoang hóa. Các cán bộ mới bắt đầu trồng từng cây, cuốc xới từng luống đất để trồng rau, canh tác mía, ngô, sắn... Những nỗ lực không biết mệt mỏi đã biến nơi đây thành những vùng rau, vùng cây trồng trù phú gắn với chăn nuôi khá hiệu quả như hôm nay”.