Quay lại Dân trí
Dân Sinh

“Nới” điều kiện doanh nghiệp vay vốn trả lương cho lao động bị ngừng việc

Nghị quyết 154/NQ-CP có 3 điểm mới so với chính sách trước đây. Trong đó, điều kiện và thủ tục để người sử dụng lao động (NSDLĐ) vay vốn trả lương cho người lao động (NLĐ) đã thông thoáng và đơn giản hơn.

Tại Hội nghị trực tuyến Triển khai các nghiệp vụ cho vay tới NSDLĐ để trả lương ngừng việc mới đây, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh cho biết, Nghị quyết 154/NQ-CP và Quyết định 32/2020/QĐ-TTg được ban hành ngày 19/10/2020 đã bổ sung, sửa đổi 3 điểm chính so với chính sách trước.

Cụ thể, các chính sách mới đã bổ sung nhóm đối tượng cơ sở giáo dục dân lập, tư thục, cơ sở giáo dục công lập tự bảo đảm chi thường xuyên ở các cấp mầm non, mẫu giáo, tiểu học, THCS, THPT; giảm điều kiện để doanh nghiệp và NLĐ có thể tạm dừng đóng BHXH; giảm điều kiện để NSDLĐ vay tiền trả lương ngừng việc cho NLĐ gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, gói 16.000 tỷ đồng (là hợp phần của gói an sinh 62.000 tỷ đồng hỗ trợ các đối tượng gặp khó do đại dịch Covid-19) cho doanh nghiệp vay còn vướng mắc bởi các quy định của Nghị quyết 42/NQ-CP và Quyết định 15/2020/QĐ-TTg.

“Nới” điều kiện doanh nghiệp vay vốn trả lương cho lao động bị ngừng việc - Ảnh 1.

Điều kiện để doanh nghiệp vay trả lương cho người lao động bị ngừng việc đã được nới lỏng và thông thoáng hơn.

Đặc biệt, quy định mới chỉ yêu cầu doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm về việc xác nhận. Trong khi đó, quy định trước đòi hỏi doanh nghiệp có thêm sự xác nhận của các cơ quan liên quan. Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh, với quy định mới này, NSDLĐ phải chịu trách nhiệm tự kê khai mức độ thiệt hại cũng như khoản vay để trả lương, cụ thể: Mức giảm doanh thu, tỷ lệ của NLĐ bị ảnh hưởng… Quá trình này cũng đòi hỏi cán bộ ngân hàng phải bám sát yêu cầu của doanh nghiệp thật kỹ. Bên cạnh đó, cơ chế giám sát việc cho vay cần công khai thông tin. NLĐ cần được biết doanh nghiệp đã vay để trả lương cho mình và có thể giám sát việc này. Đồng thời, các tổ chức chính trị xã hội như Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam… cũng có vai trò quan trọng trong tuyên truyền, giám sát và đồng hành cùng doanh nghiệp trong quá trình vay vốn.

Theo ông Dương Quyết Thắng, Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Việt Nam, Nghị quyết 154/NQ-CP và Quyết định 32/2020/QĐ-TTg đã tạo nhiều thông thoáng hơn cho NSDLĐ trong vay vốn trả lương ngừng việc. Đặc biệt là việc xây dựng cơ chế mở hơn và hiệu quả hơn khi giao việc tự chịu trách nhiệm cho doanh nghiệp khi xác định đối tượng, phạm vi điều khiển nội dung, mục đích vay vốn.

Để triển khai các Nghị quyết, NHCSXH vừa ban hành văn bản hướng dẫn việc cho NSDLĐ vay để trả lương ngừng việc đối với NLĐ bị ảnh hưởng của Covid-19. Theo đó, NHCSXH, NSDLĐ (khách hàng) được xét duyệt cho vay khi đáp ứng đủ các điều kiện, như: Có NLĐ đang tham gia BHXH bắt buộc phải ngừng việc từ 1 tháng liên tục trở lên trong khoảng thời gian từ ngày 1/4 đến hết 31/12; doanh thu quý I/2020 giảm 20% trở lên so với quý IV/2019 hoặc doanh thu quý liền kề trước thời điểm xét hưởng giảm 20% trở lên so với cùng kỳ năm 2019; không có nợ xấu.

Mức cho vay tối đa 1 tháng của 1 khách hàng bằng 50% mức lương tối thiểu vùng (x) số NLĐ bị ngừng việc và mỗi khách hàng được vay vốn không quá 3 tháng từ ngày 1/4 đến hết 31/12. Lãi suất cho vay: 0%/năm. Lãi suất nợ quá hạn: 12%/năm.

Thời hạn cho vay do NHCSXH nơi cho vay và khách hàng thỏa thuận nhưng không quá 12 tháng, kể từ ngày giải ngân món vay đầu tiên. Khách hàng không phải thực hiện bảo đảm tiền vay. Đồng thời, NHCSXH cho vay trực tiếp đến khách hàng.

Chậm nhất ngày 5 hằng tháng, khách hàng gửi hồ sơ vay vốn đến NHCSXH nơi cho vay. Trong 5 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận đầy đủ hồ sơ vay vốn, NHCSXH phê duyệt và thông báo kết quả cho khách hàng. Trường hợp không đủ điều kiện, NHCSXH thông báo cho khách hàng nêu rõ lý do từ chối.