Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Nỗi lo chất chồng của những công nhân thu gom rác mùa Covid - 19

(Dân sinh) - Trong lúc dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nhiều người ngại ra đường, ngại đến đám đông để phòng tránh bệnh. Tuy nhiên, có những người hằng ngày vẫn phải lao ra đường mưu sinh với công việc thu gom rác thải.

Vì tính chất công việc, các công nhân ngành môi trường luôn phải đối mặt với nhiều vấn đề nguy hiểm cho sức khỏe, nhất là những căn bệnh truyền nhiễm. Trước tình hình dịch bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của virus Corona (Covid - 19), nhiều công nhân vệ sinh không khỏi lo lắng do có khả năng tiếp cận với nguồn lây bệnh.

Hàng ngày từ 18h chiều, những người công nhân này bắt đầu ca làm việc của mình. Ngày nắng cũng như ngày mưa, họ đều phải mặc những đồ bảo hộ kín người, nhưng bây giờ đang trong mùa dịch, dù rất nóng nhưng vẫn phải hóa trang kỹ hơn thường lệ.

Mặc dù dịch bệnh Covid - 19 đang diễn biến phức tạp ở TP. Hồ Chí Minh, nhưng hàng ngày những công nhân thu gom rác vẫn xuống đường thực hiện công việc.

Chị Tạ Thị Oanh - Công nhân thu gom rác, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP. Hồ Chí Minh cho biết :"Công ty trang bị nhiều vật dụng bảo hộ, nhưng tính chất công việc thì phải chịu chứ các vật nhọn như kim tiêm hay mảnh vỡ thủy tinh đâm chảy máu hoài. Tâm trạng lúc nào cũng lo lắng nhưng hên xui vậy đó...".

Không lo làm sao được…phụ thuộc vào hên xui cũng phải thôi. Bởi với việc phải tiếp xúc với hàng trăm loại rác thải từ hàng nghìn người khác nhau thải ra thì nguy cơ là luôn hiện diện. Đáng nói hơn là ngoài các nguồn chất thải rắn sinh hoạt thường ngày của các hộ dân thì hiện nay xuất hiện rất nhiều khẩu trang y tế đã qua sử dụng... bị vứt vương vãi khắp mặt đường, bị gió thổi bay phất phơ khắp nơi khiến người đi đường ái ngại.

"Nhiều lúc người ta vứt rác bừa bãi mà mình nhắc nhở họ mà họ còn cự mình, nhiều khi còn đòi đánh mình. Mùa dịch thì mong mọi người giữ ý thức một chút,..", chị Oanh bày tỏ bức xúc.

Nỗi lo chất chồng của những công nhân thu gom rác mùa Covid - 19 - Ảnh 2.

Khẩu trang đã qua sử dụng bị người dân vứt vương vãi khắp lòng, lề đường.

Còn anh Nguyễn Hùng - Công nhân thu gom rác, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP. Hồ Chí Minh lạc quan hơn: "Nói chung thì mỗi lần làm việc xong đều dùng xà bông vệ sinh sạch sẽ. trước đây còn ăn cơm nói chuyện với vợ con nhưng mà bây giờ tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như thế thì tôi đi làm về là hạn chế tối đa tiếp xúc liền với vợ con, chỉ sau khi tắm rửa sạch sẽ mới dám vui chơi với con,..".

Mỗi ngày công nhân của đơn vị này thu gom hơn 3.500 tấn rác thải với đủ loại từ rác thải rắn đến rác thải sinh hoạt. Nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh là cực kỳ lớn. Trước tình hình dịch Covid - 19, nhiều công ty đã tăng cường trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động trực tiếp thực hiện công tác thu gom chất thải để phòng dịch.

Chia sẻ với phóng viên, ông Cao Văn Tuấn - Trưởng phòng công nghệ môi trường và kiểm tra chất lượng, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP. Hồ Chi Minh cho biết: "Từ khi có thông tin dịch bệnh tại Việt Nam nói chung và TP. Hồ Chí Minh nói riêng, công ty đã chỉ đạo anh em công nhân thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch, đảm bảo tránh lây nhiễm chéo. Ngoài ra cũng đã tăng cường trang bị đồ bảo hộ để đảm bảo an toàn cho anh em công nhân,…".

Mỗi ngày những công nhân này tiếp xúc gần với rất nhiều loại rác thải, trong đó có nhiều khẩu trang y tế đã qua sử dụng.

Theo bác sĩ bệnh viện Nhi đồng 1 TP. Hồ Chí Minh thì cách phòng tránh bệnh dịch Covid - 19 tới thời điểm này là mọi người nên đeo khẩu trang và tránh tụ tập nơi đông người để tránh lây nhiễm chéo. "Covid-19 là bệnh về hô hấp nên những người công nhân thu gom rác đó họ có nguy cơ lây nhiễm khi hít hoặc tiếp xúc với người bị nhiễm Covid - 19 hoặc là từ các loại khẩu trang y tế đã qua sử dụng mà vứt bừa bãi trên đường,…", Bác sĩ Trương Hữu Khanh- Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1, TPHCM thông tin.

Cũng theo bác sĩ Khanh, công nhân môi trường nói riêng và người dân nói chung nên chủ động ứng phó với Covid - 19 bằng cách tự rửa tay hay dùng các loại nước rửa tay kháng khuẩn. Bộ Y tế vừa ban hành văn bản đề nghị các sở ban ngành liên quan xử phạt 7 triệu đồng đối với hành vi vứt, thải bỏ khẩu trang không đúng nơi quy định; TP. Hồ Chí Minh cũng đã phải ban hành lệnh cấm các tụ điểm vui chơi, giải trí hoạt động trong bối cảnh bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona đang diễn biến phức tạp.