Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Nơi những dòng sông chảy vào đất Việt

Nhiều người đã “phải lòng” những dòng sông đẹp diệu vợi. Nhiều người miên man khám phá nơi các dòng sông chảy vào đất Việt với hành trình thật dài. Bởi từ đó, thiên nhiên đã trao gửi cho chúng ta những kho tàng. Con sông được ấp iu trong lòng đất Mẹ, luồn qua khe núi, vạt rừng để lại đổ về đồng bằng, nuôi dưỡng các cánh đồng trước khi ra biển lớn. Ở đó, vẻ đẹp tự nhiên, từng nắm đất quê hương được cảm nhận sâu sắc nhất trong tâm hồn người con yêu quê hương.

Thân thương những dòng sông

Chỉ đi và khám phá mới nhận ra vẻ đẹp và tầm quan trọng của mỗi con sông chưa bao giờ được khám phá hết. Gần 400 con sông có tên, có tuổi trên đất nước ta, dù hiền hòa hay hung dữ thì trong vô vàn câu hát, câu thơ, giá trị đều được khẳng định vô cùng lớn lao đối với mỗi người con nước Việt. Điều đó càng được khẳng định khi đặt chân đến bản Lốc, xã Thông Thụ (Quế Phong, Nghệ An), nơi con sông Chu chảy vào đất Việt. Anh Hồ Quang Ánh, người dân bản Lốc đã nhiều năm làm nghề chài lưới trên sông Chu tâm sự: “Nơi sông Chu từ bản Nậm Tảy, xã Viêng Phăn (Hủa Phăn, Lào) đổ vào Việt Nam là vùng nước lau sậy thấp thoáng. Người dân tuy thưa thớt nhưng nhờ có sông mà sống rất tốt bằng nghề chài lưới. Sông cho cá, cho nước như mẹ cho sữa. Cũng vì thế, cuộc sống hiền hòa. Dân chúng tôi và nước bạn Lào cùng bảo nhau gìn giữ rừng nguyên sinh và dòng sông thân yêu”.

Vẻ đẹp của sông, sự hồn hậu của tình người bản Lốc đã níu hồn những người say mê khám phá và chụp hình. Ở ghềnh đá nhỏ, người thiếu nữ cất lên câu hò xứ Nghệ. Điệu hò ngân vang lênh loáng mặt nước, trên cả những vạt rừng biên cương, như gửi cả bao ân tình cho núi, cho sông đã tôn bồi và chở che cho cuộc sống bình dị. Bà con xã Thông Thụ bao thế hệ uống nước thượng nguồn sông Chu, tưới tắm mùa màng của mình bằng nước sông và mùa no ấm đến. Họ cảm ơn sông bằng cách khai thác an toàn, mùa xuân đến thì ngân lên tiếng hát, khách đến thăm thì đón tiếp nồng hậu. Trong hành trình hồ hởi men theo dòng sông, chẳng ít người đã tìm thấy những điểm nhấn đó là biết bao khúc uốn lượn vô cùng đẹp mắt của sông Chu đi qua xã Đồng Văn (huyện Quế Phong) rồi chảy qua huyện Thường Xuân, Thọ Xuân của tỉnh Thanh Hóa, sau đó hợp lưu với dòng sông Mã ở ngã ba Giành.

Empty

Qua thời gian, sông Mã đã đi vào huyền thoại trong thơ, trong quá trình chinh phục thiên nhiên khắc nghiệt của người dân miền Tây Thanh Hóa. Dân “phượt” vẫn cho rằng, sông Mã là con sông có tính rong chơi và lãng mạn. Tìm hiểu thì biết, sông có thượng nguồn chính là vùng rừng núi hoang vu của huyện Tuần Giáo (Điện Biên), len lỏi dưới những tán rừng của huyện Sông Mã (Sơn La). Sông không chịu chảy yên mà rẽ về Lào, “kết duyên” với sông Nậm Ết, Nậm Kản của nước bạn rồi mới về lại Việt Nam ở xã Tén Tằn (huyện Mường Lát, Thanh Hóa). Có người ví sông Mã có số phận long đong, vất vả như con người nhưng đầy nghĩa tình thủy chung. Trên dòng sông ấy, biết bao câu chuyện vừa có thật, vừa liêu trai được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Như chuyện người mẹ trẻ làm nghề lái bè để lạc mất con thơ, đã đi tìm con suốt mấy chục mùa hoa lau trắng, đến bạc cả đầu cũng không tìm thấy. Cuối đời, bà tựa lưng vào một tảng đá ven sông và chỗ đó đã biến thành ghềnh thác.

Sông Mã hung dữ đấy, lắm thác nhiều ghềnh, nhưng dòng sông cũng mang nước về nuôi dưỡng rừng luồng bạt ngàn, xanh mướt. Người dân sống bằng cây luồng, sông cùng với con người chở luồng từ Mường Lát về xuôi cũng bằng lực đẩy của dòng nước siết.

Đất nước ta còn có những dòng sông nào bắt nước từ nước bạn để về Việt Nam thì bắt lên câu hát, theo ý thơ của Nguyễn Khoa Điềm? Chúng ta khó lòng đi hết. Nhưng từ phía Bắc có sông Nho Quế, sông Chảy, sông Lô, sông Đà; rồi đến sông Hồng, sông Sêrêpốc, sông Vàm Cỏ… đều rất đặc biệt và trữ tình. Ở đó là biên cương, những con sông đổ vào đất Việt đều ngân lên những tiếng hát thiết tha và có những người lính coi “đồn là nhà, biên giới là quê hương” vững vàng bảo vệ chủ quyền Tổ quốc và vẻ đẹp ấy.

Empty

Dòng thương dòng nhớ

Có một con sông rất lãng mạn, mùa xuân hoa lục bình tím biếc, đó là dòng Vàm Cỏ Đông, đã trở thành niềm cảm hứng cho biết bao nghệ sĩ sáng tác, tạo nên nhiều tác phẩm nghệ thuật chất lượng. Không ít nhóm khách đã kỳ công, vượt qua rừng Lò Gò (xã Biên Giới, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh) để được ngắm nơi dòng sông trở mình. Họ đã phải thốt lên vì vẻ nguyên sơ của nó. Có những người đến đây chỉ để cất lời hát những ca khúc về sông Vàm Cỏ Đông. Ở đầu nguồn sông mà nhớ sông, lạ thế, một cảm giác mênh mang có lẽ chỉ thấy nơi những con người hồn hậu. Trong một hành trình đầy ắp niềm vui và nỗi nhớ, nhiều người tranh thủ vẽ bức tranh phong cảnh của thượng nguồn Vàm Cỏ Đông. Những cánh đồng lúa đang gặt hiện lên. Biết bao ánh mắt thiếu nữ Chăm mải mê với công việc đồng áng nhưng vẫn lấp lánh vẻ đẹp thôn nữ. Những bức tranh không hề giới hạn vẻ đẹp mà nâng lên bằng những gam màu đậm chất dân dã và nồng hậu.

Thế nhưng, phải đến khi được miên man xuôi theo dòng Vàm Cỏ Đông nhè nhẹ để trôi về bến Trí Bình, chúng tôi phần nào lý giải được lý do nhạc sĩ Nguyễn Nam sáng tác bài hát hay đến thế về sông Vàm Cỏ Đông: “Đi trên sông Vàm một đêm trăng rằm/ Mái chèo khua nhẹ tựa sóng vỗ lòng anh/ Mê say em hát mắt sáng long lanh/ Mà cả dòng sông là hương lúa ngọt lành”. Chúng tôi không nhớ thương sao mà hằn in trong đó là một dáng dấp người con gái đẹp như trăng rằm. Có phải dòng sông đã chắt chiu để không chỉ làm nên mùa màng mà còn là mùa bội thu của người nghệ sĩ?

Chắc để lại nhiều nỗi nhớ nhất với nhiều người là nơi sông Hồng chảy vào đất Việt - bản Lũng Pô, xã A Mú Sung (Bát Xát, Lào Cai). Đây không chỉ là điểm đầu của sông Hồng bắt nguồn từ Trung Quốc mà còn là nơi nhà thơ Dương Soái đã viết thơ và nhạc sĩ Thuận Yến phổ nhạc bài “Gửi em ở cuối sông Hồng”. Suốt bao năm, bài hát đã ăn sâu vào tiềm thức người dân và con sông đã mang lại những giá trị tinh thần, vật chất to lớn không thể đong đếm. Tôi còn nhớ từ năm 2005, muốn đến Lũng Pô phải trải qua nhiều chặng nhọc nhằn. Trong hành trình, từ thành phố Lào Cai đi Dền Thàng, Y Tý, A Lù và ngược lên Lũng Pô, đèo dốc quanh co luôn khiến cả những người có tay lái tốt nhất cũng phải e dè đôi phần. Nay tuyến đường tuần tra biên giới đã được kéo về tận A Mú Sung, những chiến sĩ biên phòng đứng cùng chúng tôi từ cột mốc 92 để ngắm dòng sông Hồng ngày đó đã luân chuyển công tác. Nhưng bao giờ cũng thế, dù là chiến sĩ mới thì sự nồng hậu của họ cùng với hoa rừng luôn thắp ấm cả một vùng biên.

Khách phương xa đến không chỉ được hòa vào núi rừng hoang sơ, những bản làng nho nhỏ nép dưới tán rừng nguyên sinh hay những ngôi nhà trình tường tuyệt đẹp mà còn được đắm chìm trong biết bao câu chuyện giữ đất giữ rừng, làm ăn của bà con. Ở biên cương, đời sống bà con dân tộc thiểu số A Mú Sung còn khó khăn nhưng họ luôn tự hào là những người đang gìn giữ biên cương. Ở đó, nhiều tấm gương làm ăn giỏi, giáo viên cắm bản đã cống hiến tuổi thanh xuân của mình trong việc thắp sáng tri thức vùng cao.

Theo tiếng địa phương, Lũng Pô là đầu rồng. Từ đây, suối Lũng Pô đã hòa dòng sông Hồng để làm làm thành ngã ba sông tuyệt đẹp. Sông Hồng còn được gọi là sông Mẹ. Từ đầu rồng Lũng Pô, dòng sông như được phun ra từ miệng rồng để bao đời dòng nước cứ thao thiết chảy như lời hát trữ tình trùng điệp, bồi đắp phù sa cho lúa thơm trên rẫy, cho hoa nở trên đồi, cho mùa màng dưới vùng châu thổ thêm nặng hạt. Từ Lũng Pô, sông uốn lượn hướng về Đất Tổ, nơi sinh ra dân tộc Việt là con Lạc, cháu Hồng.Đón xuân, trải nghiệm nơi thượng nguồn các dòng sông luôn cho một cảm giác mới lạ, hấp dẫn, đồng thời khiến mỗi con người khao khát vẻ đẹp hoang sơ tìm được sự đồng điệu với thiên nhiên. Họ lên đường như là cách để hát những bài ca về đất nước tươi đẹp và thấy cuộc sống này ý nghĩa biết bao.