Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Nỗi sợ hãi của người... hướng thiện

(Dân sinh) - "Làm người tốt có khó không?", câu hỏi đó sẽ luôn ám ảnh những người có tâm hướng thiện, một khi xã hội vẫn chưa có đủ niềm tin vào con người, vào lòng tốt...

Một người đàn ông ở xã Vĩnh Hòa, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương tự ngã khi đang đi xe trên đường vào đêm khuya. Anh ngã ra đường bất tỉnh. Lúc đó có 4 người đi xe máy ngang qua, thấy rõ sự việc nhưng không ai dừng lại để cứu giúp. Cuối cùng, người đàn ông nói trên đã tử vong.

Nỗi sợ hãi của người... hướng thiện - Ảnh 1.

Đoạn camera ghi lại cảnh này được tung lên mạng xã hội, nhiều người thi nhau lên án sự vô cảm của những người đã bỏ mặc nạn nhân đến chết. Thế nhưng, nhiều người khác lại cho rằng, sự "vô cảm" ở đây là có lý do của nó. Bởi nếu không, rất có thể chính người có lòng tốt, có ý định cứu giúp người bị nạn, sẽ trở thành nạn nhân trong một vụ án "tình ngay lý gian"!

Ví dụ như ngay với vụ tai nạn ấy, người hô hoán kêu gọi cứu giúp, hay tốt hơn là chở nạn nhân đến bệnh viện, sẽ khó lòng tránh được việc phải tường trình với cơ quan chức năng về bối cảnh người này tiếp cận với nạn nhân. Và rất có thể chính người này sẽ bị quy là "thủ phạm" gây nên vụ tai nạn...

Cách đây 8 năm, một nam sinh ở Đắk Lắk đã nhận án tù một cách oan ức sau khi đưa một cụ ông bị đột quỵ vào bệnh viện.

Trong nhiều vụ việc khác, khi thấy một người bị cướp, bị hành hung giữa đường, đã từng có những "Lục Vân Tiên" ra tay cứu giúp nạn nhân, nhưng sau đó lại bị chính những kẻ thủ ác hành hung, gây thương tích. Những câu chuyện đó khiến nhiều người cảm thấy... rùng mình khi muốn ra tay cứu giúp một người nào đó bị mắc nạn mà họ vô tình bắt gặp trên đường.

Chuyện "làm ơn mắc oán", hay thậm chí "làm ơn mắc... án" đã từng xảy ra trong thực tế, chính là lý do khiến không ít người buộc phải... "làm ngơ" khi gặp những vụ tai nạn hay những "chuyện bất bằng" - vốn không hiếm trong cuộc sống. Họ thà mang tiếng "vô cảm" còn hơn là tự đẩy bản thân vào thế gặp rủi ro, có nguy cơ bị thiệt hại nghiêm trọng!

Nếu xét trên góc độ luật pháp, thì sự vô cảm trong những trường hợp này là vi phạm pháp luật - đối chiếu theo quy định tại Nghị định 100 năm 2019 và Điều 132 Bộ luật Hình sự năm 2015. Theo đó, "tội vô cảm" chẳng những bị phạt tiền mà còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nhưng rồi, chính quy định nghiêm khắc của luật pháp cũng không "chữa" được "căn bệnh vô cảm", khi những người có "tâm hướng thiện" vẫn không thể vượt qua được những nỗi sợ hãi về hậu quả mà họ có thể sẽ phải gánh chịu nếu "ra tay nghĩa hiệp" nhưng lại không được cả cộng đồng và cơ quan chức năng bảo vệ đúng mức.

"Làm người tốt có khó không?", câu hỏi đó sẽ luôn ám ảnh những người có tâm hướng thiện, một khi xã hội vẫn chưa có đủ niềm tin vào con người, vào lòng tốt...