Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Nơi xác nhận lý lịch vào Đảng của Trưởng phòng Quản trị - Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk được cho là "mượn" bằng cấp ba

(Dân sinh) - Ngày 9/10/2019, Đảng ủy phường 4, thành phố Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) cho biết, năm 2012, có ký xác nhận lý lịch vào Đảng của bà Trần Thị Ngọc Ái Sa theo đề nghị của Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk.

Nơi xác nhận lý lịch vào Đảng của bà Trần Thị Ngọc Ái Sa - Ảnh 1.

Sổ ghi của Bí thư Đảng ủy phường 4, thành phố Đà Lạt.

Theo Bí thư Đảng ủy phường 4, thành phố Đà Lạt - Lâm Dũ Hùng, Đảng ủy phường tiếp nhận hồ sơ đề nghị xác nhận lý lịch vào Đảng của bà Ái Sa qua đường bưu điện. Bí thư Đảng ủy phường 4 giải thích: "Khi xác minh lý lịch, nếu trong gia đình của người cần xác minh chưa có ai là đảng viên thì sẽ phối hợp công an xác minh chặt chẽ. Trường hợp có người thân là đảng viên thì chúng tôi chỉ cần xác nhận có người đó đang sinh hoạt tại chi bộ thuộc đảng ủy". Và trường hợp bà Ái Sa có chị ruột là Tr.T.N.A., thời điểm đó là đảng viên sinh hoạt tại chi bộ một trường mầm non trên địa bàn phường 4.

Dư luận đặc biệt quan tâm vụ việc nữ Trưởng phòng Quản trị - Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk được cho là "mượn" bằng cấp ba của chị gái là Trần Thị Ngọc Ái Sa để xin việc, học trung cấp rồi học liên thông lên đại học và Thạc sĩ. Theo tường trình của bà Trần Thị Ngọc Ái Sa, nhân viên Bệnh viện đa khoa Lâm Đồng, chị gái nữ trưởng phòng Quản trị - Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk: "Tên thật của em gái tôi là Trần Thị Ngọc Thêm, sinh năm 1975". Tức, không phải "tên thật" là Trần Thị Ngọc Thảo, sinh năm 1975 như nữ Trưởng phòng Quản trị - Văn phòng thừa nhận. Theo hồ sơ chúng tôi thu thập được, gia đình bà Trần Thị Ngọc Ái Sa có 12 anh chị em. Trong đó, không có ai tên Trần Thị Ngọc Thảo. Bà Ái Sa (công tác tại Bệnh viện đa khoa Lâm Đồng) là con thứ 8, bà Tr.T.N.A. (đảng viên) là thứ hai và Trần Thị Ngọc Thêm, sinh năm 1975 là thứ chín.

Tuy nhiên, trong sơ yếu lý lịch (tự thuật) khi làm việc tại Đắk Lắk, nữ Trưởng phòng Quản trị - Văn phòng "mượn" bằng cấp ba của chị gái, kê khai gia đình có 4 anh chị em. Bà Trần Thị Ngọc Ái Sa (tên thật Thảo, Thêm) được kết nạp Đảng ngày 10/3/2013, chính thức ngày 10/3/2014, tại Chi bộ Quản trị, Đảng bộ Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk.

Nơi xác nhận lý lịch vào Đảng của bà Trần Thị Ngọc Ái Sa - Ảnh 2.

Công văn số 3106-CV/VPTU

Sáng ngày 9/10/2019, một lãnh đạo Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk xác nhận có thiếu sót trong quá trình xác minh lý lịch để kết nạp Đảng đối với bà Trần Thị Ngọc Ái Sa (sinh năm 1975, tên thật là Trần Thị Ngọc Thảo), Trưởng Phòng Quản trị thuộc Văn phòng Tỉnh ủy tỉnh Đắk Lắk, trong hồ sơ Đảng, bà Trần Thị Ngọc Ái Sa (tên thật là Thảo) khai gia đình có 11 anh chị em và không khai tên của bà. Bà này cũng khai, trong 11 anh chị em có chị gái Trần Thị Ng.A. là Đảng viên công tác tại một trường mầm non trên địa bàn phường 4 (thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng). Do đó, quá trình xác minh lý lịch, Chi bộ Phòng Quản trị - Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk đã xác minh qua chi bộ của bà Ng.A. Sau đó, Chi bộ trường mầm non này và Đảng ủy phường 4 xác nhận, chị Ng.A là Đảng viên. 

"Đúng ra, Chi bộ Phòng Quản trị phải xác minh thêm lý lịch của bà Thảo tại nơi bố mẹ bà sinh sống nhưng không thực hiện nên đã dẫn đến sai sót. Hiện cơ quan chức năng đang làm rõ những cá nhân liên quan đã để ra sai sót và xử lý nghiêm theo quy định", vị lãnh đạo này cho biết thêm. 

Về vấn đề chị của nữ trưởng phòng này là bà Trần Thị Ngọc Ái Sa tường trình, cho rằng tên thật của nữ Trưởng Phòng Quản trị thuộc Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk là Trần Thị Ngọc Thêm chứ không phải tên Trần Thị Ngọc Thảo, vị lãnh đạo này giải thích: Khi làm việc với tổ chức, bà Trần Thị Ngọc Thảo thừa nhận hồi nhỏ tên thật của mình là Trần Thị Ngọc Thêm. Tuy nhiên, tên này không đẹp nên khi lớn lên bà lấy tên là Trần Thị Ngọc Thảo. "Đây cũng là một thiếu sót của Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk khi ra thông báo nhưng không nói rõ. Không có chuyện cơ quan chức năng tạo ra một người tên Trần Thị Ngọc Thảo như một số thông tin đăng tải", vị lãnh đạo này nói.