Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Nuôi dạy trẻ có hoàn cảnh đặc biệt bằng tất cả thương yêu

Bằng tấm lòng, tình thương yêu và sự kiên trì, bền bỉ, cán bộ giáo viên Cơ sở Bảo trợ xã hội tổng hợp Bắc Giang (BTXHTH BG) đã không ngừng học hỏi, tìm tòi và có những sáng kiến hiệu quả, giúp các trẻ em mồ côi, khuyết tật, nhiễm HIV/AIDS nhanh chóng hòa nhập, tiến bộ.

Gia đình thứ 2

Anh em Lê Văn Đồi (sinh năm 2005) và Lê Thị Gái (sinh năm 2010) có mẹ bị bệnh tâm thần, không biết bố là ai, được phát hiện sống trong căn nhà trong khu rừng hẻo lánh tại xã Lục Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang. Các em được tiếp nhận vào Cơ sở BTXHTH BG năm 2012 và được các cô chăm sóc, yêu thương, dạy dỗ chu đáo. Đến nay em Đồi đã học lớp 10, em Gái đã học lớp 7, thành tích học tập rất tốt.

Tiết học của trẻ có hoàn cảnh đặc biệt tại Cơ sở Bảo trợ xã hội tổng hợp Bắc Giang

Tiết học của trẻ có hoàn cảnh đặc biệt tại Cơ sở Bảo trợ xã hội tổng hợp Bắc Giang

Là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở LĐ-TB&XH Bắc Giang, Cơ sở BTXHTH BG có nhiệm vụ tiếp nhận, quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng xã hội có hoàn cảnh đặc biệt của tỉnh; cung cấp các dịch vụ về công tác xã hội đối với cá nhân, gia đình đối tượng… Hơn 20 năm qua, Cơ sở BTXHTH BG đã nuôi dưỡng, chăm sóc, phục hồi chức năng, dạy văn hóa cho gần 1.500 lượt trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, mang lại cuộc sống ấm áp và là chỗ dựa vững chắc cho trẻ em mồ côi, khuyết tật và nhiễm HIV/AIDS. Nhiều em đã có tiến bộ rõ rệt, phát triển về thể chất, trí tuệ, nhân cách và hòa nhập cộng đồng.

Số đông trẻ em vào đây là trẻ khuyết tật câm điếc. Khi được tiếp nhận vào cơ sở, các em đều không nghe, không nói được, nên chưa biết đọc, biết viết. Vì vậy, giáo viên phải ân cần, tận tình, tỉ mỉ, kiên nhẫn hướng dẫn các em từ những kỹ năng cơ bản trong sinh hoạt, cách chào hỏi, thực hiện nội quy, sau đó mới dạy các em kiến thức qua ngôn ngữ ký hiệu. Ở tập thể, các em được giáo dục tình yêu thương, đoàn kết, giúp đỡ các bạn để cùng nhau tiến bộ. Chính sự đồng cảm đã rút ngắn khoảng cách giữa cô và trẻ, giữa trẻ với nhau, trẻ có môi trường thân thiện như gia đình thứ hai của mình.

Khác với học sinh ở các trường phổ thông, học sinh câm điếc tại Cơ sở BTXHTH BG không chỉ học trên lớp mà còn được học khi vui chơi, lao động và cả trong sinh hoạt thường ngày. Giáo viên đồng thời là người quản lý, chăm sóc, theo dõi, giám sát các em trong từng bữa ăn, giấc ngủ. Bên cạnh đó, các em còn được tham gia các hoạt động văn nghệ, thể thao, vui chơi lành mạnh, hòa nhập cuộc sống tốt hơn. Các cô không chỉ là cô giáo mà còn như người mẹ, chăm lo cho các em từ bữa ăn, giấc ngủ mong phần nào bù đắp cho sự thiếu thốn bởi không chỉ khiếm khuyết về thể chất mà mỗi em lại có một hoàn cảnh éo le riêng. Bằng tấm lòng yêu thương, các cô đã tạo động lực, gieo niềm tin cho trẻ thấy việc học là cần thiết và ý nghĩa.

Chăm sóc, giáo dục dựa trên chia sẻ và yêu thương

Ông Đỗ Văn Vinh, Giám đốc Cơ sở BTXHTH BG cho biết, trẻ em nhiễm HIV luôn được quan tâm đặc biệt. Hàng ngày, các em được chăm sóc theo chế độ riêng như: Tắm, giặt, học tập, vui chơi giải trí và chăm sóc y tế… Cơ sở nuôi dưỡng 8 trẻ có H, (2 trẻ đã về gia đình). Trước khi vào đây, các em đều có sức khỏe kém hay ốm nhưng sau thời gian được chăm sóc, khám sức khỏe định kỳ, được Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Giang cấp thuốc miễn phí, về Cơ sở kiểm soát uống thuốc đều hàng ngày nên sức khỏe của các em tiến triển tốt.

Ông Đỗ Văn Vinh chia sẻ, rào cản lớn nhất đối với các em là mặc cảm đối với xã hội, người xung quanh vì hoàn cảnh, bệnh tật. Thời gian đầu, các em có H không được học hòa nhập tại cộng đồng tại lớp học mà nhà trường cử giáo viên vào Cơ sở để dạy. Sau nhiều nỗ lực của các cô, các cán bộ tại Cơ sở và các ngành…. các em được đối xử bình đẳng, được vui chơi, sinh hoạt chung cùng nhóm trẻ khác. Đặc biệt, hiện tất cả các em đang học hòa nhập tại các trường của TP. Bắc Giang, có em đang học cao đẳng nghề. Như em Nguyễn Thị H (sinh năm 2003) bị bỏ rơi (không biết cha mẹ) và mắc căn bệnh HIV, được tiếp nhận vào Cơ sở năm 2008 từ khi còn nhỏ. Sau thời gian được chăm sóc nuôi dưỡng bằng sự yêu thương, chăm sóc tận tình của cán bộ tại Cơ sở, hiện em H đang học Cao đẳng nghề tại TP Bắc Giang.

Đối với công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em, đơn vị đặc biệt chú trọng phát triển nghề công tác xã hội, triển khai hiệu quả những hoạt động cung cấp và kết nối dịch vụ bảo vệ trẻ em trong tỉnh, xây dựng đội ngũ những người làm công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, trong đó có đội ngũ làm nghề công tác xã hội chuyên chăm sóc, bảo vệ trẻ em. 4 năm qua, Cơ sở BTXHTH BG đã tổ chức: Cung cấp thông tin cho gần 3000 lượt đối tượng; các buổi tư vấn nói chuyện chuyên đề cho các đối tượng đang được quản lý, chăm sóc tại Cơ sở; 3 lớp tập huấn cho 200 cán bộ không chuyên trách các xã, phường nội dung kết nối trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; 14 cuộc truyền thông về phòng chống xâm hại tình dục và tai nạn thương tích cho gần 5.000 học sinh và 300 giáo viên; truyền thông nâng cao nhận thức cho gia đình đối tượng tâm thần 1 buổi cho gần 200 gia đình trên địa bàn 6 xã; 2 buổi tập huấn về quy trình kỹ năng tham vấn tâm lý cho trẻ em cho gần 100 cán bộ xã, phường. Qua các lớp tập huấn, cộng tác viên, cha mẹ, người chăm sóc trẻ được trao đổi, chia sẻ về những khó khăn trong việc bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em trong gia đình, cộng đồng... và cách giải quyết.

Công tác quản lý, chăm sóc nuôi d­ưỡng được chú trọng với tấm lòng thông cảm sẻ chia với trẻ em. Dù gặp nhiều khó khăn song nhờ có đội ngũ cán bộ yêu nghề, tâm huyết, đơn vị đã góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao. Với thành tích xuất sắc đã đạt được trong công tác, Cơ sở BTXHTH BG đã được Bộ LĐ-TB&XH và UBND tỉnh Bắc Giang tặng nhiều bằng khen và giấy khen.