Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Ô tô không được giảm thuế VAT vì chính sách này chỉ tập trung cho lĩnh vực thiết yếu

(Dân sinh) - Tại buổi thảo luận của Quốc hội chiều 1/6, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã giải đáp rõ về các thắc mắc của các đại biểu Quốc hội nêu ra như giảm thuế giá trị gia tăng, quyết toán và tồn dư ngân sách…

Liên quan đến đề xuất giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT), Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết phương án trình đã được Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội thẩm tra và được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp này.

Trước ý kiến một số đại biểu đề nghị kéo dài thời gian thực hiện chính sách, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết thêm Nghị quyết 43 chỉ có hiệu lực cho đến hết năm nay. Phương án trình phù hợp với cân đối ngân sách và mục tiêu chính sách nhằm kích cầu tiêu dùng và giải quyết khó khăn một cách tức thời, tức là trong giai đoạn hiện nay.

Với đề xuất đưa ôtô vào diện được giảm thuế VAT 2%, ông Phớc nhìn nhận ôtô là đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, không thuộc phạm vi của Nghị quyết 43. Ôtô không nằm trong diện được giảm thuế là do chính sách này tập trung giảm thuế cho những lĩnh vực thiết yếu.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc

Người đứng đầu ngành tài chính nhấn mạnh vấn đề là phải làm mọi cách để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, tăng cường năng lực của doanh nghiệp để tăng năng lực cho nền kinh tế; tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có hiệu quả bằng việc tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn.

Về quyết toán ngân sách, trước ý kiến của một số đại biểu về giao vốn chậm bổ sung nhiều lần chuẩn bị đầu tư dài, chuyển nguồn lớn… Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng hiện nay công tác chuẩn bị đầu tư quá lâu, từ khi có chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án, thiết kế, phê duyệt thiết kế, tổng dự toán, lập hồ sơ mời thầu, tiến hành đấu thầu, đến đền bù giải phóng mặt bằng. Trong khi đó, phần thi công xây lắp và phần quyết toán lại nhanh.

Do đó, Bộ trưởng đề nghị Quốc hội ủng hộ để thiết kế lại Luật Đầu tư công và cần phải phân cấp mạnh mẽ, khi đó các địa phương mới hăng hái nhận triển khai dự án từ vốn ODA.

Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng kiến nghị các chính sách về đầu tư công hay ngân sách phải linh hoạt hơn, chủ động hơn. Theo đó, có thể giao cho Thủ tướng Chính phủ quyết định các danh mục đầu tư, phân cấp về vấn đề rừng, đất, tách phần đền bù giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án, sử dụng dự phòng đầu tư công, dùng ngân sách cấp này để chi cho ngân sách cấp khác…

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa

Trước đó, góp ý về chủ trương tiếp tục giảm thuế VAT 2% theo Nghị quyết số 43 của Quốc hội, nhiều đại biểu đề xuất kéo dài thời gian thực hiện chính sách và mở rộng lĩnh vực thụ hưởng.

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định) cho biết, doanh nghiệp Việt Nam đang trong quá trình khó khăn, một số doanh nghiệp lớn đã phải bán gần hết tài sản. Những gì bán được thì đã bán và bán bằng 50% giá thực. Người mua ở đây toàn là nước ngoài. Đây là thực tế rất đáng lo ngại, nhất là đối với những doanh nghiệp mà chúng ta cần giữ và cần phải hỗ trợ để nền kinh tế phát triển. 

Với sự khó khăn của doanh nghiệp, nữ đại biểu cho rằng chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) kéo dài đến hết ngày 31/12/2023 là quá ngắn và chi hỗ trợ ước tính khoảng 24.000 tỷ đồng. Chính phủ cũng đã có dự báo khó khăn, thách thức thời gian tới còn rất lớn nền kinh tế tiếp tục chịu tác động kép từ yếu tố tiêu cực bên ngoài và những hạn chế bất cập nội tại kéo dài nhiều năm.

“Để hỗ trợ này có hiệu quả hơn, đủ thời gian để chính sách phát huy trên thực tế và trong điều kiện thu ngân sách nhà nước cao hơn con số đã báo cáo là 201,4 nghìn tỷ đồng. Tôi đề nghị kéo dài chính sách giảm 2% thuế VAT đến hết năm 2025 hoặc chí ít đến hết năm 2024. Cùng với chính sách này, cần không chậm trễ trong hướng dẫn các hồ sơ xem xét xin hoàn thuế giá trị gia tăng một cách nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả cho người dân và doanh nghiệp”, nữ đại biểu kiến nghị.

Đồng quan điểm, đại biểu Trần Chí Cường (đoàn Đà Nẵng cũng đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng 2% đến hết năm 2024. Ông Cường cho rằng, Chính phủ cân nhắc việc thực hiện chính sách trong 6 tháng cuối năm, từ ngày 1/7/2023 đến hết ngày 31/12/2023, như vậy là quá ngắn, khó đạt được hiệu quả như mong đợi. Chính sách ban hành cũng cần có một khoảng thời gian đủ để đảm bảo có thể hấp thụ, đưa chính sách đi vào cuộc sống, để các địa phương có thể chủ động tính toán, cân đối việc giảm nguồn thu, giảm chi hoặc ngược lại, đảm bảo cho việc lập dự toán, cân đối thu, chi năm sau, bảo đảm sự ổn định, chủ động trong việc thực hiện đủ thời gian, chính sách phát huy hiệu quả tốt nhất”. 

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) đề xuất rà soát, cân nhắc mở rộng phạm vi đối tượng được giảm thuế giá trị gia tăng. Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị áp dụng mức thuế xuất 8% đối với mặt hàng ô tô, bao gồm cả dòng xe dưới 24 chỗ để thúc đẩy lĩnh vực sản xuất và kinh doanh ô tô trong nước, từ đó đảm bảo nguồn thu ngân sách của nhà nước từ lĩnh vực này. Theo đại biểu, việc áp dụng thuế VAT 8% mặc dù gây hụt thu ngân sách 2% so với hiện hành nhưng ô tô là mặt hàng chịu thuế cao, cùng với nhiều loại thuế, vì vậy nếu kích cầu từ việc giảm này tổng mức thuế thu được từ chiếc xe sẽ vượt mức 2% giảm thuế VAT.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc

Đại biểu Vũ Tiến Lộc

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn Hà Nội) cũng đề xuất thực hiện giảm 2% thuế VAT ra tất cả các lĩnh vực và kéo dài đến hết năm 2024, cùng với một số điều kiện để chính sách có thể được tiếp tục kéo dài mà không nhất thiết phải trình ra Quốc hội.

“Hiện nay, thị trường thế giới đang khó khăn, nên tác động vào thị trường xuất khẩu cũng gặp nhiều thách thức. Các biện pháp xúc tiến thương mại, đầu tư, mở mang thị trường sẽ không có nhiều tác dụng. Thị trường chúng ta có thể tác động được là thị trường trong nước. Trong những tháng qua, dù thị trường có tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ, tuy nhiên, vẫn còn trong xu thế suy giảm. Kích cầu thị trường trong nước là giải pháp quan trọng. Giảm thuế giá trị gia tăng sẽ vừa giúp khoan sức dân, làm người tiêu dùng bớt khó khăn, đồng thời tác động ngay vào thị trường của các doanh nghiệp”, đại biểu Vũ Tiến Lộc nêu rõ.