Quay lại Dân trí
Dân Sinh

OECD: Tình trạng gián đoạn giáo dục sẽ làm suy giảm 1,5% GDP toàn cầu

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) ước tính việc gián đoạn học tập do đại dịch Covid-19 sẽ gây ra những tổn thất liên quan đến kỹ năng, làm suy giảm 1,5% GDP toàn cầu trong giai đoạn còn lại của thế kỷ này.

Trong báo cáo công bố ngày 8/9 của OECD, ước tính đại dịch Covid khiến nền kinh tế Hoa Kỳ tổn hại 15.300 tỷ USD và mức thiệt hại sẽ nghiêm trọng hơn nếu tình trạng gián đoạn giáo dục kéo dài sang năm học tiếp theo.

Lý giải về sự sụt giảm dự báo trong GDP toàn cầu, OECD cho biết: "Việc gián đoạn học tập sẽ kéo theo những tổn thất những kỹ năng mà con người tích luỹ liên quan trực tiếp tới năng suất lao động của họ".

Thời gian vừa qua, chính phủ các nước trên toàn thế giới đã buộc phải yêu cầu trường học đóng cửa nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Trung bình thời gian đóng cửa của mỗi trường là 10 tuần hoặc 1/3 năm học.

Việc các trường học không thể mở cửa để học sinh đi học đã làm gia tăng khoảng cách về cơ hội tiếp cận giáo dục giữa người giàu và người nghèo. Nhóm trẻ em được trang bị đầy đủ mạng internet, máy tính cũng như sự trợ giúp của gia đình sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận với giáo dục hơn trong bối cảnh dịch bệnh.

Báo cáo OECD nhấn mạnh: "Những học sinh, sinh viên có xuất phát điểm tốt hơn có thể tìm nhiều cơ hội học tập thay thế khi nhà trường đóng cửa. Tuy nhiên, đối với những học sinh, sinh viên có xuất phát điểm kém hơn, tình trạng trường học đóng cửa đồng nghĩa với việc cơ hội học tập của các bạn cũng phải khép lại".

Ngoài ra, báo cáo cũng nêu rõ, ngay cả khi trường học ở nhiều quốc gia trên thế giới mở cửa trở lại, ngành giáo dục vẫn tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức lớn. Cụ thể, nhà trường sẽ phải đưa ra các biện pháp nghiêm ngặt để đảm bảo việc mở cửa trở lại sẽ không dẫn đến một làn sóng dịch bệnh mới.

Cuối cùng, báo cáo kết luận, khi nền kinh tế các quốc gia trên thế giới đang suy giảm vì dịch bệnh sẽ dẫn đến nguy cơ nguồn ngân sách giáo dục bị cắt giảm theo. Do vậy, các trường đại học sẽ phải tự đổi mới để duy trì sức hút với sinh viên, thậm chí phải thay đổi những phương thức giáo dục truyền thống trước đó.