Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Phà Bến Thủy - Yết hầu lửa

(Dân sinh) - Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, phà Bến Thủy (Nghệ An) được xem là yết hầu lửa. Từ năm 1965 – 1968, trong 2.912 trận oanh kích của máy bay và pháo biển, phà Bến Thuỷ đã phải hứng chịu 11.377 quả rocket, bom, pháo các loại… Đặc biệt, trong 9 tháng năm 1972, đã có 13.253 quả bom, pháo… dội vào “Yết hầu lửa”.

"Yết hầu lửa"

Phà Bến Thuỷ là điểm trung chuyển chi viện nối hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến miền Nam. Trung bình mỗi đêm có từ vài trăm đến gần ngàn xe di chuyển qua phà, chở theo vũ khí, thuốc men, lương thực, thực phẩm, quân trang… vào Nam.
Vì vị trí chiến lược ấy, tháng 11/1965, Ban Bí thư Trung ương Đảng và Chính phủ quyết định chuyển nhiệm vụ vượt sông tại phà Bến Thuỷ từ Bộ Giao thông Vận tải sang cho Quân đội đảm nhiệm. Đơn vị công binh phụ trách phà Bến Thuỷ thời kỳ đó thực chất là cán bộ, chiến sĩ 3 đại đội hợp thành: Đại đội pháo binh Hoàng Mai, Đại đội pháo binh Nam Đàn và Đại đội công binh Bến Thuỷ. Tập thể kiên cường này đã chống chọi qua hàng ngàn trận bom Mỹ, đảm bảo cho những chuyến phà thông suốt. Đến cuối năm 1968, phà Bến Thuỷ được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Thời điểm này, cuộc chiến tranh chống Mỹ có những chuyển biến, đòi hỏi sự thay đổi trong chiến lược giao thông vận tải. Phà Bến Thuỷ lại được giao về cho ngành Giao thông phụ trách, trên cơ sở lực lượng sẵn có với hơn 300 người, chia làm 2 kíp vận hành phà liên tục từ 19h đêm đến 5h sáng. Một tổng đài được đặt trong hang núi Quyết, kết nối thẳng với Bộ Giao thông Vận tải và các ban, ngành của tỉnh, thành phố. Đặc biệt, trong những năm tháng ác liệt nhất (1968 – 1972), từ tổng đài này, chỉ huy phà Bến Thuỷ có thể liên lạc trực tiếp với Trung đoàn Pháo cao xạ 233, thông báo khẩn những nội dung về khu vực có bom nổ chậm, bom từ trường, yêu cầu chi viện…

Phà Bến Thủy - Yết hầu lửa - Ảnh 1.

Phà Bến Thủy những năm chống Mỹ.

Tình hình cuộc chiến ngày càng ác liệt, giặc Mỹ điên cuồng ném bom lên từng tấc đất, mạch sông, có ngày 3 – 4 trận bom dội vào "yết hầu" trọng điểm này. Vượt qua mưa bom, anh em trực phà không chỉ đảm bảo cho những chuyến xe qua, mà còn không ngừng sáng tạo, cải tiến phương thức vận chuyển theo phương châm an toàn, nhanh chóng.

 Nếu như trước đây, một chuyến phà sang sông trong con nước bình lặng cũng phải mất 1 tiếng đồng hồ, thì càng ngày thời gian càng được rút ngắn: 9 người đảm bảo 1 chuyến phà qua sông mất 40 phút, rồi giảm xuống còn 6 người với thời gian 10 – 15 phút… Cao điểm năm 1972, một chuyến phà qua sông rộng 600m, đi và về 2 chiều chậm nhất chỉ mất 12 phút. 1 phà chở được 6 xe vận tải nặng, có đêm huy động 4 ca nô, kéo 2 phà ghép lại với nhau chở được 12 xe. Cứ như vậy, một đêm có khoảng 700 đến gần 1.000 xe qua phà.

Phà Bến Thuỷ cũng là địa điểm nhiều lần diễn ra lễ truy điệu sống cho những người làm nhiệm vụ.

Vượt mưa bom

Cuối 1972 là thời gian giông bão nhất ở phà Bến Thủy. Công việc ngày càng nhiều thêm, phải vận chuyển nhiều xe qua sông hơn do nhu cầu chi viện cho chiến trường đang tăng lên. Bom đạn giặc bắn xuống lại càng tăng gấp bội. Số người đủ sức để làm tiếp tục nhiệm vụ lại giảm đi. Số người bị thương và hy sinh cũng tăng lên. Ông Nguyễn Đăng Chế, nguyên Trưởng phà Bến Thủy, nhớ lại: "Thời điểm khốc liệt nhất, đơn vị hy sinh mất 8 người trong 1 ngày. Đó là ngày 9/11/1972, có 2 chiến sĩ lái ca nô bị trúng bom từ trường mà hy sinh, 6 chiến sĩ đi làm nhiệm vụ về gần đến cửa hầm thì bị trúng bom từ máy bay mà thiệt mạng. Mất mát, đau đớn. 

Nhưng còn đau đớn hơn khi mà đơn vị còn không thể làm được lễ truy điệu để chôn cất cho các đồng đội của mình. Chờ đến trời tối, anh em mới đưa thi thể 8 người đồng đội của mình lên chôn cất tại khu nghĩa trang gần nhất (nay là đầu đường Phượng Hoàng Trung Đô, gần bảo tàng quân khu IV- Tp Vinh). Vừa đào huyệt xong chưa kịp mai táng thì địch lại dội bom, mọi thứ lại tan tác hết và phải làm lại. Cả khi đã đưa được quan tài xuống huyệt mà bom đạn dữ quá khiến những người khác phải nằm rạp bên quan tài đồng đội để tránh. Mãi đến nửa đêm mới có thể an táng xong đồng đội và chạy về làm nhiệm vụ.

 Mỹ vẫn tiếp tục rải xuống hàng loạt bom từ trường để phong tỏa dòng sông Lam. Đến giữa tháng 11/1972, phà không thể qua sông do quá nhiều bom từ trường giữa lòng sông. Các phương án thử nghiệm để phá bom đều thất bại. 5 ngày liên tục không một chuyến phà nào có thể qua sông. Lúc đó, chiến trường miền Nam đang khốc liệt. Nhu cầu chi viện từ Bắc vào trở nên cấp thiết. Nhiều tỉnh lo lắng, không thể ngồi yên.

Phà Bến Thủy - Yết hầu lửa - Ảnh 2.

Phà Bến Thủy ngày nay.

Trong tình hình đó, phà Bến Thủy sáng tạo cách dùng ca nô để kéo phà. Ngày 23/11/1972, ông Nguyễn Đăng Chế cùng 4 đồng đội của mình là phó phà Nguyễn Hữu Tùng (kiêm thợ máy), 2 người lái ca nô là ông Tiến và ông Trung, một người làm nhiệm vụ gắn xích trên phà là ông Hải.
Ông Chế là người đứng đầu mũi phà chỉ đạo vị trí để những người khác lái ca nô đưa phà đi. Các ông gọi đây là chuyến phà đi "bừa bom" trên sông Lam. Trước khi con phà cảm tử xuất bến, cả đơn vị đã làm lễ truy điệu sống cho 5 con người dũng cảm đó. Bởi ai cũng đinh ninh rằng, đây là chuyến đi không có trở lại. "Chúng tôi cho phà vòng qua rồi vòng lại trên đoạn sông nối hai bến. Qua hai vòng đầu tiên, mọi thứ vẫn ổn. Nhưng được hơn nửa vòng thứ 3 thì hàng loạt bom phát nổ. Cả con phà bị hất tung lên… Đến khi tỉnh lại thì tôi đang ở trong bệnh viện. Và rất vui mừng khi biết cả 5 người dù bị thương nặng nhưng không ai phải hy sinh".
Ông Chế kể lại trong nước mắt. Và chuyến phà cảm tử của ông cùng đồng đội cũng đã mở ra cho những chuyến phà tiếp theo tiếp tục nhiệm vụ của mình.

Phà anh hùng

Năm 1972, phà Bến Thủy được cấp trên chỉ thị làm hồ sơ để phong anh hùng lần 2 sau nhiều đóng góp to lớn. Trong tập thể anh hùng tất nhiên không thể thiếu các cá nhân anh hùng. Năm 1965, khi Mỹ đánh phá ác liệt làm cầu Hoàng Mai bị sập, cấp trên chỉ thị phá Bến Thủy ra chi viện. Nguyễn Trọng Tường đã cùng đồng đội dũng cảm đưa một con phà đi theo đường biển vào ban ngày, lướt qua trước mũi pháo kẻ thù để ra kịp chi viện ở Hoàng Mai.
Đây được coi là hành động cảm tử lúc đó. Và năm 1966, ông Tường được phong anh hùng. Giai đoạn từ 1965-1968, phà Bến Thủy hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vì có sự dũng cảm của thợ máy Nguyễn Hữu Tùng. Hàng trăm lần ca nô bị trúng bom đạn hư hỏng đều do ông ngày đêm miệt mài sửa chữa để có phương tiện kéo phà. Nên năm 1968, ông Tùng được phong anh hùng vì những đóng góp đầy nguy hiểm nhưng cũng lặng thầm của ông. Năm 1972, phà Bến Thủy lại có những chiến công hiển hách. Và nhân vật xứng đáng nhất chính là Nguyễn Đăng Chế. 

Phà Bến Thủy - Yết hầu lửa - Ảnh 3.

Phà Bến Thủy nhìn từ phía Hà Tĩnh sang.

Tất cả mọi người trong cơ quan đã nhất trí đề cử ông Chế làm hồ sơ phong anh hùng. Nhưng sau cuộc họp là thời gian khốc liệt nhất của bến phà. Ý tưởng táo bạo và tinh thần dũng cảm của Nguyễn Đăng Chế với chuyến phà cảm tử "bừa bom" trên sông Lam càng chứng tỏ ông hoàn toàn xứng đáng với niềm tin và sự tôn vinh của đồng đội. Nhưng rồi thời gian giông bão bom đạn qua đi, vết thương trên người ông cũng đỡ dần. Sau cuộc họp lại để đề cử người xứng đáng làm hồ sơ kê khai thành tích để phong anh hùng, ông Nguyễn Đăng Chế lại thấy ái ngại. Và rồi ông từ chối làm bản kê khai thành tích của mình, vì nỗi đau mất đi nhiều đồng đội, vì cảm thấy còn có nhiều người hy sinh và đóng góp hơn mình.

Thế nhưng 40 năm sau, câu chuyện về người Trưởng phà Bến Thủy lại được gợi nhớ. Năm 2013, hồ sơ phong anh hùng cho Nguyễn Đăng Chế được chuyển đi xem xét trong sự mong đợi của nhiều người. Nhưng điều đó không quá quan trọng bởi trong lòng bạn bè, đồng đội, Nguyễn Đăng Chế là anh hùng thật sự.

Ngày 26/4/2018, nhà nước đã có quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân thời kháng chiến chống Mỹ cho Nguyễn Đăng Chế. Đây là một danh hiệu xứng đáng dành cho người Trưởng phà Bến Thủy quả cảm.