Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Pháo tự chế phát nổ, một thiếu niên bị thương tích nặng

Chiều 9/1, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, các bác sĩ Bệnh viện vừa tiếp nhận và điều trị cho em G.T.B (nam, 14 tuổi, trú tại Bắc Giang) vào viện trong tình trạng bị thương nặng do pháo tự chế phát nổ.

Bệnh nhân đang được điều trị tại Bệnh viện Việt Đức. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.

Bệnh nhân đang được điều trị tại Bệnh viện Việt Đức. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.

Theo baotintuc.vn: G.T.B tự mua thuốc pháo trên mạng về chế tạo pháo ở nhà, bất ngờ pháo tự chế phát nổ. Pháo phát nổ khiến máy xay sinh tố văng vào ngực trái của B. Sau khi được sơ cứu tại bệnh viện tỉnh, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. 

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phùng Duy Hồng Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Tim mạch và lồng ngực, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết: Bệnh nhân vào viện trong tình trạng mặt bỏng, hai chân và tay đều bị bỏng. Kết quả chụp X-quang ngực thấy có hai dị vật kim loại trong lồng ngực, nằm sau xương ức bên trái, nghi ngờ tổn thương tim. 

Các bác sĩ đã nhanh chóng mổ cấp cứu kịp thời lấy dị vật, khâu vết thương thành thất phải cho bệnh nhân. Hiện tại, bệnh nhân ổn định, tiếp tục được theo dõi và điều trị tại Trung tâm Tim mạch và lồng ngực.Năm nào cũng vậy, cứ vào thời điểm gần Tết, các vụ tai nạn liên quan pháo tự chế lại gia tăng, để lại hậu quả đáng tiếc. Nhiều trường hợp phải chịu thương tổn suốt đời như cụt tay, bỏng nặng ở vùng mặt, mất thị lực… có trường hợp ảnh hưởng đến tính mạng. Vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo: Người dân cần chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng pháo nổ; không tự ý chế tạo thuốc nổ, pháo nổ, gây nguy hại cho bản thân và xã hội. Đồng thời, các lực lượng chức năng, nhà trường cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết về những nguy hại của pháo nổ, thuốc nổ cho người dân, đặc biệt là đối với học sinh.

Pháo tự chế.

Pháo tự chế.

Liên quan đến việc tự chế tạo pháo nổ, báo nexpress.net cũng thông tin: Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên hai tuần gần đây tiếp nhận hơn 10 học sinh cấp 2, 3, bị tai nạn do pháo nổ. Có em cho thuốc pháo vào ống nhựa, quả pháo nổ ngay trên tay làm dập nát bàn tay, đa vết thương phần mềm. Một trẻ cho thuốc pháo vào máy xay sinh tố để nghiền, trong quá trình máy chạy nhiệt độ tăng nên thuốc pháo phát nổ, các mảnh vỡ của máy xay sinh tố bắn lên mắt, mặt, cơ thể.

Các bác sĩ đánh giá tổn thương do pháo nổ là một dạng tổn thương hỏa khí, phức tạp, nguy cơ nhiễm khuẩn cao, mất bàn tay, mảnh vỡ găm vào mắt gây mù lòa. Sau phẫu thuật, bệnh nhân phục hồi vẫn để lại di chứng. Trường hợp bỏng vùng mặt, tổn thương phần mềm, ảnh hưởng đến thẩm mỹ, nguy cơ bỏng đường hô hấp, gây nhiều biến chứng nặng.

Bác sĩ khuyến cáo người dân chấp hành các quy định pháp luật về quản lý và sử dụng pháo nổ; không tự ý chế tạo thuốc nổ, pháo nổ, gây nguy hại cho bản thân và xã hội. Nhà trường tăng cường giáo dục trẻ về những nguy hại của pháo nổ, thuốc nổ.