Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Pháp luật chưa đủ sức răn đe, trẻ vẫn bị bạo lực ngay trong chính gia đình

(Dân sinh) - Ngày 19/10, tại Hà Hội, Bộ Tư pháp phối hợp tổ chức Phiên thảo luận với chủ đề "Nâng cao nhận thức pháp luật nhằm tăng cường phòng, chống bạo lực với trẻ em”.

Phòng, chống bảo lực trẻ em chưa được quan tâm đứng mức

Tại phiên thảo luận, đại diện Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, tại Việt Nam, năm 2016 toàn quốc phát hiện 1.616 trẻ em bị xâm hại; năm 2017 là 1.642 trẻ em bị xâm hại, năm 2018 là 1.579 trẻ em bị xâm hại, số trẻ em bị xâm hại năm 2019 là 2.117 em, so với năm 2016 tăng 501 em (tăng 23,6%). Bạo lực, xâm hại tình dục gây tổn thương nặng nề, lâu dài cả thể chất và tinh thần trẻ em, thậm chí làm trẻ em bị tử vong hoặc khiến trẻ em phải tự tử.

Pháp luật chưa đủ sức răn đe, trẻ vẫn bị bạo lực ngay trong chính gia đình  - Ảnh 1.

Hai nghi can là mẹ đẻ và bố dượng bạo hành bé gái 3 tuổi đến chết.

Nguyên nhân của tình trạng này là hiện một số quy định của pháp luật của Việt Nam hiện nay chưa theo kịp tình hình thực tiễn, chưa tương thích với pháp luật quốc tế và nhất là chưa đủ sức răn đe. Ý thức chấp hành, việc thực thi pháp luật về bảo vệ trẻ em của một bộ phận cán bộ có thẩm quyền chưa nghiêm. Hiện vẫn còn hiện tượng chính quyền địa phương, cơ sở giáo dục, gia đình không thông tin, báo cáo đến cơ quan chức năng và cấp có thẩm quyền các vụ việc xâm hại trẻ em. Các thiết chế tạo môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em chưa thực sự được nhiều tổ chức, cơ quan, xã hội và gia đình quan tâm đúng mức. Các loại thông tin, ấn phẩm, sản phẩm độc hại, không phù hợp với trẻ em còn xuất hiện nhiều. Các nguy cơ xâm hại trẻ em ngay trong hoặc do tác động môi trường mạng diễn biến phức tạp, không được kiểm soát kịp thời và xử lý triệt để.

Công tác truyền thông về quyền trẻ em nói chung, phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, thiếu phương pháp phù hợp, chưa đến được với nhóm có nguy cơ cao, đặc biệt vùng sâu, vùng nông thôn hẻo lánh và khu vực biên giới. "Tầm quan trọng và tính cấp bách của công tác phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em chưa được cấp ủy, chính quyền, cơ quan chuyên môn và các tổ chức chính trị - xã hội ở nhiều địa phương nhận thức đầy đủ, sâu sắc và chỉ đạo, thực hiện đúng trách nhiệm, quyền hạn. Một bộ phận gia đình, cha mẹ, người chăm sóc trẻ em chưa quan tâm đúng mức và làm tròn trách nhiệm bảo vệ trẻ em. Phần lớn trẻ em chưa được quan tâm trang bị kỹ năng tự nhận biết, tự bảo vệ trước các nguy cơ bị xâm hại", đại diện Cục Trẻ em nhấn mạnh.

Do bất bình đẳng giới, từ định kiến giới và một số quan niệm truyền thống dẫn đến hành vi bạo lực trên cơ sở giới, trong đó có xâm hại tình dục đối với trẻ em, nhất là với trẻ em gái. Nhận thức, kỹ năng về phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em nam cũng chưa được cập nhật. Đạo đức xã hội, đạo đức nghề nghiệp xuống cấp trong một bộ phận người dân, cố tình chà đạp lên giá trị và nhân cách sống, dẫn đến nhiều vụ bố mẹ, người có trách nhiệm quản lý, nuôi dưỡng trẻ em, thầy cô giáo, nhân viên bảo mẫu bạo hành, ngược đãi, xâm hại tình dục trẻ em.

Người lớn thiếu kiến thức, kỹ năng về bảo vệ trẻ em

Đại diện Cục Trẻ em cho rằng, hiện nay nhiều cha mẹ, người chăm sóc trẻ em và bản thân trẻ em thiếu kiến thức, kỹ năng về bảo vệ trẻ em trong bối cảnh cuộc sống hiện đại xuất hiện nhiều rủi ro. Nhiều gia đình sao nhãng trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em hoặc lúng túng trong xử trí, không biết, không kịp thời hoặc không thông báo, tố cáo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em đến các cơ quan chức năng hoặc thiếu kỹ năng phòng ngừa, phát hiện, thông báo và giáo dục kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật của trẻ em. Những nội dung, hình thức, phương pháp phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng về bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em chưa sinh động, thiếu hình ảnh minh họa cụ thể, chậm đổi mới, chưa nắm bắt tình hình thực tế mà người dân và trẻ em quan tâm. Đặc biệt, các nội dung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm tăng cường tố giác và tiếp cận tư pháp cho trẻ em bị xâm hại chưa được các Bộ, ngành quan tâm, chú trọng,

Công tác tuyên truyền pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em chưa thường xuyên. Thông tin, nội dung truyền thông về các vụ việc liên quan đến xâm hại trẻ em đôi khi còn thiếu chính xác do không được hướng dẫn, kiểm tra, biên tập kỹ lưỡng trước khi quảng bá, gây hoang mang, bức xúc trong dư luận. Sự phối hợp giữa các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức liên quan trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em chưa tích cực và chặt chẽ.

Để bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em một cách hiệu quả, đại diện Cục Trẻ em cho rằng thời gian tới đòi hỏi nguy cơ xâm hại trẻ em phải được phát hiện và giải quyết kịp thời. Trẻ em có nguy cơ hoặc thực tế đã bị xâm hại phải được hỗ trợ và bảo vệ. Những hành vi xâm hại trẻ em phải được xử lý nghiêm khắc. Các cơ quan, tổ chức phải phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với nhau để thực hiện các hoạt động nhằm bảo đảm quyền và lợi ích tốt nhất của trẻ em bị xâm hại.

Bên cạnh các hoạt động phối hợp mang tính lâu dài như hoàn thiện khung khổ pháp luật, chính sách về bảo vệ trẻ em, xây dựng hệ thống tư pháp người chưa thành niên tại Việt Nam thì rất cần phải nhanh chóng phối hợp triển khai hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiến thức, kỹ năng về bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em. Đây cũng là yêu cầu của Quốc hội , của Chính phủ trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách pháp luật về bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em.