Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Phát huy tinh thần Cách mạng Tháng Tám trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước

(Dân sinh) - Đã 76 năm (19/8/1945 - 19/8/2021) trôi qua nhưng hào khí, tinh thần bất diệt của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 vẫn còn nguyên vẹn; là động lực tinh thần to lớn để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta xây dựng đất nước "đàng hoàng hơn, to đẹp hơn" như sinh thời Bác Hồ hằng mong mỏi.

1 Đầu năm 1945, tình hình thế giới thay đổi nhanh chóng, phe Đồng minh liên tục giành thắng lợi đã tác động tích cực tới cách mạng Việt Nam. Đêm 09/3/1945, nổ ra cuộc chính biến Nhật - Pháp; ngày 12/3/1945, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương kịp thời ban hành Chỉ thị "Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta". Ở các địa phương, lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang phát triển nhanh chóng, phong trào kháng Nhật, cứu nước dấy lên mạnh mẽ bằng hình thức kết hợp giữa đấu tranh vũ trang với đấu tranh chính trị.

Phát huy tinh thần Cách mạng Tháng Tám trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước - Ảnh 1.

Phát huy tinh thần Cách mạng Tháng Tám trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước

Đêm 13/8/1945, Ủy ban khởi nghĩa ra Quân lệnh số 1, hiệu triệu toàn dân đứng lên Tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi đồng bào cả nước: "Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta"1.  Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã nhất tề đứng lên đấu tranh, giành chính quyền ở khắp các địa phương trong cả nước. Chỉ trong vòng hai tuần (từ ngày 14 đến 28-8-1945), cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám đã kết thúc thắng lợi. Lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc và cách mạng vô sản thế giới, một Đảng mác-xít mới 15 tuổi đã lãnh đạo nhân dân thực hiện thành công cuộc cách mạng vĩ đại, đập tan xiềng xích của chế độ thực dân - phong kiến. Từ thành quả vĩ đại đó, chỉ ít ngày sau - ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố với cả thế giới về sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á, mở ra kỷ nguyên mới đối với đất nước Việt Nam.

2 Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công đánh dấu một bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử của dân tộc Việt Nam. Đó là thắng lợi của đường lối cách mạng đúng đắn và tổ chức thực hiện đường lối chủ động, sáng tạo của Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thắng lợi của truyền thống yêu nước, tinh thần và ý chí "không có gì quý hơn độc lập tự do", tạo nên sức mạnh phi thường của cả dân tộc. Đó còn là thắng lợi của nghệ thuật nắm thời cơ, tận dụng thời cơ chín muồi để phát động Tổng khởi nghĩa trên phạm vi cả nước, v.v. Tinh thần quật khởi, giá trị to lớn và những bài học quý của Cách mạng Tháng Tám vĩ đại đã khơi nguồn, bồi đắp sức mạnh cho toàn Ðảng, toàn dân và toàn quân ta vững bước trên chặng đường mới, viết tiếp những trang sử hào hùng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Phát huy tinh thần Cách mạng Tháng Tám trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước - Ảnh 2.

Phát huy tinh thần Cách mạng tháng Tám, xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp hơn

Từ khi Cách mạng tháng Tám thành công, đến nay, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực: Việt Nam đã trở thành một quốc gia có chế độ chính trị độc lập, có chủ quyền lãnh thổ và tự quyết định con đường phát triển của mình. Thể chế, hệ thống chính trị từng bước hoàn thiện và có bước phát triển; dân chủ xã hội chủ nghĩa ngày càng được phát huy. Công cuộc đổi mới, trong đó có việc phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã thực sự đem lại những thay đổi to lớn, rất tốt đẹp cho đất nước ta trong 35 năm qua.

Nhờ thực hiện đường lối đổi mới, nền kinh tế bắt đầu phát triển và phát triển liên tục với tốc độ tương đối cao trong suốt 35 năm qua với mức tăng trưởng trung bình khoảng 7% mỗi năm. Quy mô GDP không ngừng được mở rộng, năm 2020 đạt 342,7 tỷ đô la Mỹ (USD), trở thành nền kinh tế lớn thứ tư trong ASEAN (Thu nhập bình quân đầu người tăng khoảng 17 lần, lên mức 3.512 USD; Việt Nam đã ra khỏi nhóm các nước có thu nhập thấp từ năm 2008. Từ một nước bị thiếu lương thực triền miên, đến nay Việt Nam không những đã bảo đảm được an ninh lương thực mà còn trở thành một nước xuất khẩu gạo và nhiều nông sản khác đứng hàng đầu thế giới. Công nghiệp phát triển khá nhanh, tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ liên tục tăng và hiện nay chiếm khoảng 85% GDP. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng mạnh, năm 2020 đạt trên 540 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt trên 280 tỷ USD. Dự trữ ngoại hối tăng mạnh, đạt 100 tỷ USD vào năm 2020. Đầu tư nước ngoài tăng nhanh, đăng ký đạt gần 395 tỷ USD vào cuối năm 2020. Về cơ cấu nền kinh tế xét trên phương diện quan hệ sở hữu, tổng sản phẩm quốc nội của Việt Nam hiện nay gồm khoảng 27% từ kinh tế nhà nước, 4% từ kinh tế tập thể, 30% từ kinh tế hộ, 10% từ kinh tế tư nhân trong nước và 20% từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.).

Chính sách xã hội được quan tâm, đời sống nhân dân được cải thiện, không ngừng nâng cao… Chất lượng giáo dục và đào tạo được nâng lên. Quốc phòng và an ninh được đảm bảo. Công tác đối ngoại đã góp phần duy trì, củng cố môi trường hòa bình ổn định, giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa… Nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế như ngày nay.

3 Đại hội XIII của Đảng xác định mục tiêu hướng tới những dấu mốc phát triển quan trọng của đất nước trong những thập kỷ tới, với khát vọng chung của toàn dân là có một xã hội thịnh vượng, hạnh phúc, đạt mức thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và trở thành nước phát triển đạt thu nhập cao vào năm 2045.

Chiến lược phát triển tổng của thể đất nước là đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới phát triển nhanh và bền vững đất nước, phát tiển kinh tế - xã hội là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên.

Đông lực là khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa; sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hóa, con người Việt Nam, bồi dưỡng sức dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, có cơ chế đột phá để thu hút, trọng dụng nhân tài. Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo điều kiện để mọi người và mọi cộng đồng trong xã hội có cơ hội bình đẳng để phát triển, được tiếp cận những nguồn lực chung và được tham gia, đóng góp và hưởng lợi, tạo ra những nền tảng vật chất, tri thức và văn hóa tốt đẹp cho những thế hệ mai sau. Sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên, gìn giữ và cải thiện môi trường sống; xây dựng xã hội học tập; xây dựng lối sống thân thiện môi trường, sản xuất và tiêu dùng bền vững.

Kỷ niệm 76 năm Ngày Cách mạng Tháng Tám (19/8/1945 - 19/8/2021) thành công và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945 - 02/9/2021) trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đang thi đua lập thành tích cao nhất chào mừng thành công Đại hội lần thứ XIII của Đảng, cuộc Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, chúng ta càng hiểu rõ giá trị lịch sử, thực tiễn sâu sắc mà Cách mạng Tháng Tám đã mang lại; đề cao lòng tự hào dân tộc, nhận thức đầy đủ trách nhiệm của thế hệ hôm nay trong việc vận dụng và phát triển những bài học kinh nghiệm quý giá, tư tưởng mang tầm thời đại của Cách mạng Tháng Tám vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước hiện nay.

Kỷ niệm 76 năm Cách mạng tháng Tám trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, đòi hỏi sự đoàn kết, chung sức đồng lòng của cả hệ thống chính trị và nhân dân cả nước. Phát huy sức mạnh đoàn kết dân tộc trong lịch sử hào hùng của đất nước làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945; đặc biệt là trong 35 năm đổi mới. Chúng ta tin tưởng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, điều hành năng động, sáng tạo của Chính phủ, cả hệ thống chính trị vào cuộc cùng sự chung sức đồng lòng của toàn dân, ủng hộ của bạn bè quốc tế, sự nghiệp "chống dịch như chống giặc" nhất định sẽ thắng lợi trong một thời gian không xa.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công đánh dấu một bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử của dân tộc Việt Nam. Những bài học quý của Cách mạng Tháng Tám vĩ đại đã khơi nguồn, bồi đắp sức mạnh cho toàn Ðảng, toàn dân và toàn quân ta vững bước trên chặng đường mới, viết tiếp những trang sử hào hùng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.