Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Phát huy tối đa vai trò đặc biệt quan trọng của gia đình, nhà trường

Văn hóa đọc không chỉ là thói quen đọc sách mà còn bao hàm cả sở thích và kỹ năng đọc. Xây dựng văn hóa đọc ở giới trẻ là một vấn đề khó, đòi hỏi lộ trình phù hợp

Đọc sách không phải là nhiệm vụ mà là niềm vui, tức là đọc vì thích, vì thấy có ích.

Đọc sách không phải là nhiệm vụ mà là niềm vui, tức là đọc vì thích, vì thấy có ích.

Theo số liệu thống kê từ Cục Xuất bản, In và Phát hành - Bộ Thông tin và Truyền thông, giai đoạn 2014-2019, tỉ lệ đọc của người Việt tăng từ 4,1 đầu sách/người lên 4,6 đầu sách/người. Năm 2020, do ảnh hưởng dịch Covid-19, con số này còn 4,13 đầu sách/người.

"Mỗi năm có hơn 400 triệu đầu sách phát hành thì trong đó hơn 300 triệu bản sách giáo khoa và sách tham khảo, nếu lấy phần còn lại chia đều cho 90 triệu dân, phần sách phổ thông có lẽ chỉ xấp xỉ 1 đầu sách/người. Như vậy, sức đọc của người Việt còn khá thấp" - ông Lê Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, nhận định tại tọa đàm trực tuyến "Văn hóa đọc và phát triển ngành xuất bản trong tương lai" vào cuối năm 2021.

Chia sẻ với báo Người lao động, TS Lê Hồng Phước, Phó trưởng Khoa Ngữ văn Pháp Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG TP HCM chỉ ra đọc sách không phải là nhiệm vụ mà là niềm vui, tức là đọc vì thích, vì thấy có ích. Đọc sách không phải là thú vui độc tôn mà cần cân bằng việc đọc với các thú vui khác như xem phim, nghe nhạc… Bên cạnh đó, trong thời buổi internet hiện nay, nếu việc làm cho người trẻ thích đọc là quan trọng thì hướng dẫn cách đọc cũng quan trọng không kém - tức là dạy các em kỹ năng lựa chọn thông tin trong vô số thông tin, hướng dẫn các em cách đọc có tư duy phản biện.

Đồng tình với quan điểm trên, TS Mai Mỹ Duyên - nguyên Trưởng Khoa Sau đại học Trường ĐH Văn hóa TP HCM - khẳng định văn hóa đọc phản ánh văn hóa cá nhân và văn hóa cá nhân đó xuất phát phải từ giáo dục. Cần tìm ra phương pháp giáo dục đúng đắn để khi tiếp xúc với văn hóa phẩm, sách báo "bẩn", giới trẻ vẫn đủ tỉnh táo để nhận biết, phân định đúng - sai, hay - dở. Hiện nay, việc đọc không nhất thiết giới hạn trên sách mà cần tận dụng các phương tiện công nghệ để phù hợp với cuộc sống hiện tại.

Phương pháp giáo dục cho từng trẻ phải được chính cha mẹ các em tìm tòi và áp dụng, không có công thức chung trong việc định hướng văn hóa đọc khi mỗi người có một cá tính và điều kiện phát triển khác nhau. "Tôi đọc tiểu thuyết tình yêu của Quỳnh Dao từ năm 8 tuổi nhưng dưới sự dạy dỗ chu toàn của cha mẹ mà tôi biết tiếp thu các tư tưởng phù hợp, loại bỏ những suy nghĩ không đúng đắn về tình yêu" - TS Mai Mỹ Duyên cho hay.

Muốn xây dựng được thói quen đọc sách thì phải phát huy tối đa vai trò đặc biệt quan trọng trước tiên của gia đình và nhà trường.

Muốn xây dựng được thói quen đọc sách thì phải phát huy tối đa vai trò đặc biệt quan trọng trước tiên của gia đình và nhà trường.

Theo ý kiến của giới chuyên môn, xu hướng đọc sách trên các thiết bị điện tử cũng là một cách tốt, có thể khuyến khích trẻ đọc ở bất cứ đâu. Hiện nay có nhiều ứng dụng cho phép đọc khi không cần kết nối mạng, tải về được hàng trăm đầu sách giúp tiết kiệm một khoản chi phí khi bỏ tiền ra mua sách bản giấy.

Phần còn lại thuộc về trách nhiệm của nhà trường, cơ quan quản lý, nhà xuất bản, truyền thông báo chí. Nếu chừng nào những cuốn sách miêu tả chi tiết cảnh giết người, ngôn ngữ thô tục, cổ xúy cho tình yêu phi đạo đức vẫn còn xuất hiện nhan nhản thì vấn đề xây dựng văn hóa đọc cho giới trẻ còn gặp nhiều khó khăn. 

Ông Nguyễn Thành Nam, Tổng biên tập NXB Trẻ, chia sẻ với suckhoedoisong.vn: Muốn xây dựng được thói quen đọc sách thì phải phát huy tối đa vai trò đặc biệt quan trọng trước tiên của gia đình và nhà trường. Bởi làm sao tạo được thói quen đọc sách nơi con trẻ khi ở nhà không có quyển sách nào, hay khi cha mẹ hay người lớn người thân không bao giờ đọc sách; hãy nhớ rằng trẻ con học qua cách nhìn những gì người lớn làm.Do đó, việc xây dựng tủ sách gia đình khá quan trọng nếu cha mẹ muốn tạo dựng thói quen đọc sách nơi con trẻ. Có thể bắt đầu từ những quyển sách con yêu thích, phù hợp với lứa tuổi, rồi từ từ phát triển dần. Cha mẹ cũng không nên làm áp lực cho con là phải đọc sách này, phải đọc sách kia, có khi con không cảm thấy phù hợp với lựa chọn của cha mẹ.

Thông tin từ báo Năm 2014, với quyết định 284/QĐ-TTg ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 21/4 hàng năm làm Ngày sách Việt Nam. Ngày sách Việt Nam ra đời là một trong những giải pháp hiệu quả trong việc đưa sách đến bạn đọc, lan tỏa tri thức đến các tầng lớp nhân dân, và là cơ hội để các đơn vị xuất bản, phát hành đẩy mạnh hoạt động quảng bá thương hiệu, đẩy mạnh hoạt động xuất bản, phát hành.

Ngày 4/11/2021, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 1862/QĐ-Ttg về tổ chức Ngày sách và Văn hoá đọc Việt Nam trên toàn quốc. Những chính sách, giải pháp này, cùng với nhiều hoạt động của Đường sách, Phố sách, các câu lạc bộ đọc sách, các thư viện ở nhiều quy mô khác nhau... đã góp phần làm cho xã hội hiểu hơn vai trò của sách, cũng như tạo dần thói quen đọc sách ở người Việt Nam, đặc biệt thế hệ trẻ.

Nhiều cuộc hội thảo, bàn luận về xây dựng văn hoá đọc, thói quen đọc, nhiều tổ chức thiện nguyện đã và đang ra sức mang sách đến những vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn trên cả nước. Bên cạnh đó hoạt động chọn danh mục sách để đưa vào các cấp học hay giới thiệu cho giới doanh nhân những quyển sách hay cần đọc là những hoạt động vô cùng ý nghĩa và thiết thực. (suckhoedoisong.vn)