Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Phát triển thị trường lao động hiện đại tới năm 2030, tầm nhìn đến 2045

(Dân sinh) - Sáng 11/12/2020, tại Hà Nội, báo Nhân dân điện tử tổ chức buổi tọa đàm trực tuyến về “Phát triển thị trường lao động hiện đại tới năm 2030, tầm nhìn đến 2045”.

Giải quyết việc làm bền vững cần phải đáp ứng việc làm theo quyền của con người  - Ảnh 1.

Tọa đàm trực tuyến về “Phát triển thị trường lao động hiện đại tới năm 2030, tầm nhìn đến 2045”.

Buổi tọa đàm nhằm trao đổi về hai đề án: "Hỗ trợ phát triển thị trường lao động (TTLĐ) đến năm 2030" và "Nâng cao năng lực dự báo cung - cầu lao động" đang được Bộ LĐ-TB&XH xây dựng dự thảo.

Dự buổi tọa đàm có TS Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội; TS Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH); TS Ngô Quỳnh An, Phó Trưởng Khoa Kinh tế và Quản lý nguồn nhân lực (ĐH Kinh tế quốc dân, Hà Nội); ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội; ông Nguyễn Trọng Hưng, Phó Phòng Hành chính nhân sự, Công ty CP Mediamart Việt Nam.

Đề án phải bảo đảm phủ sóng được những thị trường khác nhau

Tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Ngọc Thanh, Vụ Trưởng, Trưởng Ban Nhân Dân điện tử cho biết, công tác dự báo TTLĐ được coi trọng trong việc xây dựng, hoạch định chính sách phát triển TTLĐ, là cơ sở để xây dựng chiến lược phát triển quốc gia. Đồng thời, cung cấp cho các nhà sử dụng lao động, nhân viên và sinh viên những thông tin cần thiết để đưa ra lựa chọn sẽ tối ưu hóa sự đóng góp của giáo dục vào tăng trưởng kinh tế và sự vận hành trơn tru của TTLĐ. 

Giải quyết việc làm bền vững cần phải đáp ứng việc làm theo quyền của con người  - Ảnh 2.

TS Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH).

Ở Việt Nam, những năm qua, TTLĐ đã có những bước phát triển đáng ghi nhận, công tác dự báo cũng được nâng cao. Tuy nhiên, các đánh giá khoa học đã chỉ ra những hạn chế cản trở sự phát triển của thị trường này. Đó là TTLĐ thiếu sự liên thông, do chất lượng thông tin về lao động và việc làm chưa cao, thiếu kết nối, hoặc đứt gãy… Kết quả dự báo cung - cầu lao động chưa đáp ứng yêu cầu của người dùng cả về thông tin, như chưa chỉ ra cụ thể nhu cầu tuyển lao động theo nghề, theo kỹ năng, trình độ; chưa kịp thời dự báo tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 tới cung - cầu lao động Việt Nam.

"Do vậy, buổi tọa đàm mong muốn các nhà quản lý, đại biểu Quốc hội, chuyên gia và doanh nghiệp cùng nhau trao đổi để góp ý, đề xuất cho Đảng và Nhà nước các chính sách, giải pháp phát triển TTLĐ hiện đại, bền vững", ông Thanh nói.

Những nội dung và mục tiêu chính của hai Đề án "Hỗ trợ phát triển TTLĐ đến năm 2030" và "Nâng cao năng lực dự báo cung-cầu lao động" mà Bộ LĐ-TB&XH đang xây dựng có ý nghĩa trong bối cảnh của TTLĐ Việt Nam trong giai đoạn sắp tới, TS Vũ Trọng Bình cho biết, việc xây dựng hai đề án này là hết sức quan trọng, để thực hiện chiến lược này, trong thời gian tới cần có những khuôn khổ về thể chế chính sách mới. Do vậy phải đánh giá lại xem trong 30 năm chúng ta đã làm được gì, đặc biệt là trong 10 năm trở lại đây. Ngoài việc cụ thể hóa Nghị quyết của Đảng về kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, còn góp phần định hình hành lang pháp lý để phát triển các thể chế thị trường của TTLĐ. 10 năm qua, TTLĐ Việt Nam không những phát triển rất mạnh trong nước, thể hiện ở chỗ có những vùng TTLĐ biến động, phát triển kết nối mạnh mẽ với TTLĐ quốc tế, như Đông Nam Bộ hay đồng bằng sông Hồng.

"Việt Nam có những TTLĐ chuyên biệt, kết nối với chuỗi giá trị toàn cầu rất mạnh, đặc biệt là nông nghiệp, thủy sản, như thị trường đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và Tây Nguyên. Đối với miền núi, phải có thị trường riêng để vừa bảo đảm phát triển hài hòa với trình độ phát triển của miền núi, nhưng cũng đúng với việc phát huy những ưu tiên của Đảng, Nhà nước đối với chính sách miền núi và chính sách dân tộc. Đề án này phải giải quyết được những điểm căn bản đó. Chính vì vậy, đề án phải bảo đảm phủ sóng được những thị trường khác nhau, phù hợp với thực tiễn. Ngoài ra, đề án phải bảo đảm có những chính sách thu hút các chuyên gia giỏi quốc tế và trong nước để hài hòa giữa lao động trong nước và quốc tế", ông bình cho hay.

Giải quyết việc làm bền vững cần phải đáp ứng việc làm theo quyền của con người  - Ảnh 3.

Các đại biểu dự buổi tọa đàm.

 Đề án phải tránh được NLĐ rơi vào cảnh thất nghiệp

Với mục tiêu của đề án "Hỗ trợ phát triển TTLĐ" phát triển TTLĐ theo hướng hiện đại, hiệu quả phù hợp với đặc điểm của từng thị trường khu vực, từng tỉnh, từng ngành, nghề và từng bước đồng bộ, liên thông với các thị trường khác để làm cơ sở, động lực phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Điều này có giá trị thế nào với TTLĐ Việt Nam trong giai đoạn hội nhập sâu rộng như hiện nay, ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng, đây là định hướng đúng và thực chất, vì giải quyết việc làm là mục tiêu của an sinh xã hội, là trụ cột có tính chất phòng ngừa bảo đảm cho người việc làm có thu nhập, giải quyết đời sống cho người lao động (NLĐ). Tuy nhiên, khi nghiên cứu đề án này phải xử lý hai vấn đề, đó là phải khắc phục cho được tồn tại hiện nay đang đặt ra đối với Chính phủ về giải quyết việc làm cho NLĐ. Đây là một trong những yếu tố quan trọng của năng suất lao động và tăng trưởng kinh tế. Hiện nay, nguồn chất lượng nhân lực của Việt Nam còn thấp, quan hệ cung - cầu đang có vấn đề. Cung chưa đáp ứng cầu sử dụng và dịch chuyển quá trình lao động chưa phù hợp với quá trình dịch chuyển cơ cấu kinh tế. Bên cạnh đó, TTLĐ là một thị trường chịu tác động của nhiều yếu tố, chưa giải quyết đáp ứng được hiện tại. Tiếp đến đề án phải giải quyết hai nhiệm vụ: Đầu tiên là xây dựng cho được một TTLĐ ổn định, hài hòa và hiện đại. Tính hiện đại ở đây phải bảo đảm mấy yếu tố: Thể hiện thể chế về cơ chế chính sách về TTLĐ; Đáp ứng được nhu cầu chất lượng nguồn nhân lực tăng lên; Đáp ứng quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động giữa các ngành, các lĩnh vực trong nước trong quá trình hội nhập; Chuyển dịch cơ cấu lao động đáp ứng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phù hợp quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của đất nước.

Giải quyết việc làm bền vững cần phải đáp ứng việc làm theo quyền của con người  - Ảnh 4.

TS Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội.

Nhiệm vụ thứ hai, đề án phải giải quyết được chất lượng TTLĐ, bởi vì chất lượng TTLĐ giải quyết việc làm bền vững. Theo đó, để giải quyết việc làm bền vững cần phải đáp ứng việc làm theo quyền của con người theo quy định Hiến pháp như học nghề, tự tạo việc làm, tự chọn nơi làm việc; Bảo đảm có thu nhập hợp lý, có chính sách bảo hiểm như bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm các chức năng sau này khi NLĐ rời khỏi TTLĐ vẫn có thể tồn tại; Bảo đảm an toàn lao động, an toàn sinh mạng, vệ sinh môi trường trong quá trình làm việc.

"Đề án cũng phải tránh được NLĐ rơi vào cảnh thất nghiệp. Vì thế, chúng ta phải nghĩ đến việc đào tạo, đào tạo lại nhằm giữ chỗ cho NLĐ để khi chuyển đổi cơ cấu, công nghệ dưới tác động cách mạng công nghiệp 4.0, NLĐ vẫn có cơ hội tìm công việc khác. Ngoài ra, còn có một số yếu tố nữa để giải quyết vấn đề việc làm bền vững. Chúng ta đừng coi TTLĐ như vấn đề xã hội. Đây là vấn đề kinh tế. Chúng ta phải đầu tư xử lý việc làm cho NLĐ trên cơ sở phát triển TTLĐ", ông Lợi nhấn mạnh.

Giải quyết việc làm bền vững cần phải đáp ứng việc làm theo quyền của con người  - Ảnh 5.

TS Ngô Quỳnh An, Phó Trưởng Khoa Kinh tế và Quản lý nguồn nhân lực (ĐH Kinh tế quốc dân, Hà Nội).

Theo TS Ngô Quỳnh An, với những mục tiêu và nội dung của hai đề án nói trên cần lưu ý tới một số vấn đề như: TTLĐ ở các nước phát triển nói chung và Việt Nam nói riêng là thị trường phân đoạn, không đồng nhất. Các chính sách và đề án phát triển cần phải đề cập đến sự phân đoạn này. Bản chất của việc làm trên TTLĐ Việt Nam hiện nay mang tính chất mưu sinh là chủ yếu, không phải việc làm hướng tới tăng trưởng kinh tế bền vững hay tăng trưởng xanh. Vì vậy khoảng cách giữa mục tiêu đặt ra là việc làm hướng tới tăng trưởng kinh tế bền vững, phát triển kinh tế xã hội bền vững là khoảng cách khá xa. Do đó, cần có lộ trình cụ thể, không thể coi là một TTLĐ đồng nhất giống như các nước phát triển.  

"Hy vọng đề án này quy hoạch phát triển vùng như thế nào để rút lao động ra khỏi khu vực nông nghiệp nhưng không ra khỏi nông thôn và không dịch chuyển quá xa như hiện nay để gây ảnh hưởng tới cuộc sống và hệ lụy với NLĐ. Ngoài ra, đề án cần xét tới lao động quốc tế. Có nhiều vấn đề cần đề cập tới nhà xuất khẩu lao động, lao động nhập cư tới Việt Nam phải kiểm soát ra sao. Đề án về "Nâng cao năng lực dự báo cung-cầu lao động" trên TTLĐ, tôi thấy là đề án cần thiết", bà An nhấn mạnh.