Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Phiên họp toàn thể lần thứ 18 Ủy ban Về các vấn đề xã hội

(Dân sinh) - Ngày 28/9, tại Hà Nội, phiên họp toàn thể lần thứ 18 Ủy ban Về các vấn đề xã hội (UBCVĐXH) của Quốc hội đã khai mạc (diễn ra từ 28 - 30/9). Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đến dự và chỉ đạo Phiên họp.

Các dự án luật, pháp lệnh tác động rất lớn đến xã hội

Theo chương trình, trong buổi sáng, UBCVĐXH của Quốc hội tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 18 đã cho ý kiến vào dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi); dự thảo Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi).

Phiên họp toàn thể lần thứ 18 Ủy ban Về các vấn đề xã hội - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung.

Tại phiên buổi chiều, Ủy ban đã cho ý kiến về tình hình thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2020, giai đoạn 2016- 2020 và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020; dự kiến đề xuất các kế hoạch, chỉ tiêu kinh tế, xã hội, dự toán ngân sách năm 2021, giai đoạn 2021 – 2025 thuộc lĩnh vực Ủy ban phụ trách.

Phát biểu chỉ đạo Phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu rõ, các lĩnh vực lớn thuộc 2 Bộ (Bộ LĐ-TB&XH, và Bộ Y tế), hiện đã có các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Chỉ thị của Ban Bí thư như vấn đề tiền lương và BHXH, y tế, dân số, người có công, phòng chống ma túy…

"Đây là những dự án luật, pháp lệnh tác động rất lớn đến xã hội, người dân nên cần tiếp tục thảo luận, cho ý kiến rộng rãi hơn ở trong các Phiên họp trước khi trình lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đóng góp ý kiến để trình lên Quốc hội xem xét, thông qua", bà Phóng lưu ý.

Phiên họp toàn thể lần thứ 18 Ủy ban Về các vấn đề xã hội - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Văn Sơn – Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh

Theo đó, bà Tòng Thị Phóng nhấn mạnh: Phiên họp toàn thể lần thứ 18, UBCVĐXH của Quốc hội sẽ cùng với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan xem xét, thẩm tra và cho ý kiến vào nhiều nội dung quan trọng nên yêu cầu các thành viên của Ủy ban, đại diện lãnh đạo các Bộ ngành, cơ quan tập trung cao độ, phát huy tối đa trí tuệ để Phiên họp đạt được kết quả cao nhất.

Tiếp tục phát huy thực hiện tốt chăm lo người có công

Về dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi), các đại biểu đều nhất trí với dự thảo Luật, và lưu ý cần thiết sửa đổi một số điều của án thảo Luật này.

Đại biểu Nguyễn Văn Sơn – Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh đồng ý với phương án 1 của dự thảo Luật là Trung tâm Dịch vụ việc làm do Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh thành lập và được thực hiện việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để thực thi điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế.

Đồng thời, quy định rõ điều kiện không thu tiền của người lao động và bảo đảm không làm phát sinh bộ máy, biên chế.

Phiên họp toàn thể lần thứ 18 Ủy ban Về các vấn đề xã hội - Ảnh 3.

Toàn cảnh phiên họp

Ngoài ra, theo ông Sơn, các địa phương cần công khai minh bạch số lượng người đi, cũng như tăng cường bảo vệ người lao động khi làm việc ở nước ngoài.

Đối với dự thảo Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi), đa số  ý kiến cho rằng, tiếp tục phát huy hơn nữa thực hiện tốt việc công nhận liệt sĩ, bệnh binh thời kỳ đất nước hòa bình; chế độ chính sách đối với Mẹ Việt Nam anh hùng; thân nhân của các liệt sĩ, bệnh binh...

Giải trình rõ hơn về những vấn đề trên, Bộ trưởng Bộ Lao động-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, Bộ đã và vẫn đang tiếp thu ý kiến còn khác nhau của các cơ quan, đơn vị, sự chỉ đạo của cơ quan thẩm tra đối với dự thảo Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi).

Theo đó, Bộ trưởng khẳng định, những đối tượng cần được mức tăng hỗ trợ so với hiện hành như đối tượng trợ cấp tuất Bà mẹ Việt Nam anh hùng thì theo Bộ LĐ-TB&XH, những ai đang được hưởng 3 suất hỗ trợ thì hưởng bình thường. Còn những người thấp hơn thì sau này địa phương, ngân sách Nhà nước có điều kiện sẽ đẩy mức hỗ trợ cao hơn so với hiện tại.

Phát biểu kết luận Phiên họp, Chủ nhiệm UBCVĐXH của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu, đại diện các Bộ ngành, cơ quan và cho rằng, đây là những ý kiến rất tâm huyết để các cơ quan soạn thảo, thẩm tra các dự án Luật hoàn chỉnh sửa, bổ sung và hoàn thiện các dự án Luật.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cũng đề nghị Bộ Y tế, Bộ LĐ-TB&XH tiếp tục lắng nghe, chỉnh sửa các dự án Luật để cơ quan thẩm tra, xem xét trước khi trình lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đóng góp, thảo luận ở những phiên họp tới trước khi trình lên Quốc hội thông qua.