Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế: Học phí năm học 2022 - 2023 dự kiến tăng gần gấp đôi

Chiều 5/7, bà Nguyễn Thị Ái Vân - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế đã chủ trì buổi họp báo thông tin về kỳ họp thứ 4 HĐND tỉnh khoá VIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Thường trực HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế họp báo thông tin kỳ họp thứ 4 HĐND tỉnh, nhiệm kỳ 2021 - 2026

Thường trực HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế họp báo thông tin kỳ họp thứ 4 HĐND tỉnh, nhiệm kỳ 2021 - 2026

Thông tin tại buổi họp báo, bà Nguyễn Thị Ái Vân cho biết, kỳ họp thứ 4 HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế, nhiệm kỳ 2021 - 2026 dự kiến diễn ra từ ngày 11 đến 15/7/2022.

Kỳ họp sẽ xem xét các báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2022 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế; dự thảo nghị quyết về nhiệm vụ, giải pháp thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2022. Kỳ họp cũng xem xét báo cáo chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh 6 tháng đầu năm và và nhiệm vụ 6 tháng cuối năm; báo cáo kết quả công tác phòng, chống tham nhũng, buôn lậu, lãng phí, gian lận thương mại và thực hành tiết kiệm; công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri tại kỳ họp lần thứ 3; báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trong thời gian qua. 

Theo bà Ái Vân, tại kỳ họp lần thứ 4 HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế dự kiến có 25 Nghị quyết liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh được đưa ra thảo luận, thông qua, nâng tổng số Nghị quyết được thông qua từ đầu năm đến hết kỳ họp này là hơn 90. Bà Vân nhấn mạnh đây là một con số khá lớn, tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội trên địa bàn tỉnh.

Một số Nghị quyết đáng chú ý dự kiến được HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế thông qua tại kỳ họp tháng 7 tới đây, như: Nhiệm vụ, giải pháp thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2022; kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri tại kỳ họp lần thứ 3, HĐND tỉnh khoá VIII; Chương trình giám sát của HĐND tỉnh năm 2023; Quy chế bảo vệ bí mật nhà nước của HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế; các nghị quyết liên quan đến thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025; chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế,…

Mức thu học phí của các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập đối với chương trình đại trà trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, năm học 2022 - 2023 dự kiến tăng gần gấp đôi

Mức thu học phí của các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập đối với chương trình đại trà trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, năm học 2022 - 2023 dự kiến tăng gần gấp đôi

Một trong những Nghị quyết dự kiến được đưa ra bàn thảo, thông qua và nhận nhiều sự chú ý liên quan đến việc “Quy định mức thu học phí của các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập đối với chương trình đại trà trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, năm học 2022 - 2023”. Theo bà Vân, dự thảo Nghị quyết quy định mức thu học phí  của các cấp năm học 2022 - 2023 cao gần như gấp đôi so với những năm học vừa qua. Bà Vân lý giải, việc tăng học phí như vậy là theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như Nghị quyết của Chính phủ đã được ban hành trước đó.

“Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND tỉnh đã có báo cáo về vấn đề này và chúng tôi cũng đã thẩm tra. Thừa Thiên Huế sẽ lựa chọn và ban hành quy định thu ở mức thấp nhất trong khung học phí mà ngành giáo dục quy định đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập. Đây là vấn đề gây nhiều tranh luận và chúng tôi xin được thông tin sơ bộ như vậy, khi nào Nghị quyết được thông qua sẽ cụ thể, chi tiết hơn”, bà Vân nói thêm.

Theo ngành giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế, hiện nay toàn tỉnh có 204 trường mầm non, bao gồm 183 trường công lập và 21 trường tư thục; cấp tiểu học có 195 trường; cấp THCS có 131 trường (110 trường THCS, 21 trường TH&THCS); cấp THPT có 38 trường (35 trường THPT, 2 trường THCS&THPT, 1 trường TH, THCS&THPT); có 9 trung tâm GDNN - GDTX cấp huyện và 1 trung tâm GDTX cấp tỉnh.

 HĐND sẽ tham gia giám sát việc mua sắm trang thiết bị y tế

Tại buổi họp báo, PV đã đặt vấn đề cử tri rất quan tâm đến những vụ án tiêu cực xảy ra trong quá trình đấu giá, mua sắm trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 thời gian vừa qua. Riêng tại Thừa Thiên Huế, sai phạm đã xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh tỉnh (CDC), đến mức giám đốc và kế toán trưởng của đơn vị này bị khởi tố. 

Trao đổi về vấn đề nói trên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, việc mua sắm trang thiết bị y tế và xảy ra tham nhũng, tiêu cực trong ngành y tế thời gian vừa qua là một vấn đề nóng và rất được cử tri, dư luận quan tâm. Theo bà Vân, năm 2023, Quốc hội sẽ đưa vào giám sát tối cao 4 chuyên đề, trong đó có “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”.

“Khi Quốc hội đã đưa vào giám sát tối cao thì chắc chắn sẽ có chỉ đạo cho HĐND tất cả các tỉnh, thành cùng tham gia, đây là một sự thay đổi mới. Để tránh tình trạng giám sát trùng giám sát, nội dung nào đã giám sát chung thì phải căn cứ trên đó để cùng tổ chức, cùng hoạt động để không chồng lấn trong hoạt động giám sát. Việc mua sắm trang thiết bị y tế, huy động nhân lực, vật lực trong ngành y tế tôi nghĩ là một hoạt động giám sát rất lớn và khi Quốc hội đã đưa vào giám sát đặc biệt thì tất cả các tỉnh, thành đều phải tham gia. HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ tham gia và sẽ có báo cáo với các đại biểu về nội dung này”, bà Ái Vân khẳng định.