Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Phòng, chống ma túy: Phát huy hiệu quả cai nghiện ma túy tại cộng đồng

(Dân sinh) - Nếu những năm trước, cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng chỉ trên dưới 10 tỉnh thực hiện, đến nay, với việc thực hiện quy định mới, trong 9 tháng đầu năm 2022, đã có 19 tỉnh thực hiện với 89 điểm cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng.

TP Đà Nẵng đã dành nhiều nguồn lực vừa tổ chức cai nghiện tại cơ sở cai nghiện tập trung vừa tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng

TP Đà Nẵng đã dành nhiều nguồn lực vừa tổ chức cai nghiện tại cơ sở cai nghiện tập trung vừa tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng

Có thêm nhiều địa phương thực hiện công tác cai nghiện tại cộng đồng

Tỷ lệ cai nghiện tại gia đình, cộng đồng chiếm tỷ lệ cao so với cai nghiện tập trung, nên theo các chuyên gia cần tập trung đầu tư các nguồn lực để phát huy hiệu quả cai nghiện.

Theo Luật Phòng, chống ma túy năm 2021, công tác cai nghiện ma túy được thực hiện bằng 2 biện pháp bắt buộc và tự nguyện. Cai nghiện ma túy bắt buộc được thực hiện tại cơ sở cai nghiện ma túy công lập; cai nghiện ma túy tự nguyện được thực hiện tại gia đình, cộng đồng hoặc tại cơ sở cai nghiện ma túy.

9 tháng đầu năm 2022, theo báo cáo chưa đầy đủ, cả nước đang tổ chức cai nghiện ma túy cho gần 35.000 người. Trong đó, số tiếp nhận mới cai nghiện bắt buộc lập theo Nghị định số 116/2021/NĐ-CP ngày 21/12/2021 của Chính phủ là hơn 3.000 người tại hơn 50 tỉnh, thành phố; tiếp nhận những người đã có quyết định của tòa án lập theo Nghị định số 221/2013/NĐ-CP ngày 30/12/2013 của Chính phủ nhưng do COVID-19 tạm dừng là gần 2.500 người.

Có 19 tỉnh đã tổ chức cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng cho hơn 2.000 người theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy 2021; số người đang điều trị Methadone tại các cơ sở do ngành LĐ-TB&XH quản lý là gần 4.000 người.

Qua kết quả trên, có thể thấy với sự chỉ đạo quyết liệt của Lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH, cùng sự vào cuộc của địa phương, Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 và các Nghị định hướng dẫn đã nhanh chóng được triển khai và thực hiện cơ bản tại tất cả các địa phương.

Đặc biệt là cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, những năm trước chỉ trên dưới 10 tỉnh thực hiện, đến nay, với việc thực hiện quy định mới, trong 9 tháng đầu năm, đã có 19 tỉnh thực hiện với 89 điểm cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng.

Như vậy, đã có nhiều địa phương hơn thực hiện công tác cai nghiện tại cộng đồng và gia đình. Lợi ích của hình thức cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng có thể nói đóng vai trò quan trọng.

Với trình độ dân trí ngày càng cao, người nghiện ma túy hiện nay có nhận thức ngày càng tốt hơn, kết hợp với trách nhiệm của gia đình, cộng đồng và đặc biệt là nhận thức, trách nhiệm của lãnh đạo cấp huyện, xã càng rõ rệt nên việc tổ chức cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng đã mang lại tiện ích cho bản thân người nghiện, gia đình người nghiện và cho nhà nước.

Cụ thể, khi cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng thì được sinh sống tại cộng đồng, vẫn tiếp tục học tập, làm việc tại nơi mình sinh sống, không bị cách ly khỏi cộng đồng nên người nghiện sau khi tham gia cai nghiện dễ hòa nhập cộng đồng hơn; gia đình, cộng đồng thuận lợi trong việc động viên, giúp đỡ, chia sẻ người tham gia cai nghiện ma túy;

Huy động được sự tham gia của các tổ chức, cá nhân tham gia công tác cai nghiện ma túy; giảm bớt gánh nặng ngân sách cho nhà nước khi phải áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc và kinh phí chữa bệnh, học tập… trong cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc.

Học viên nữ tham gia sản xuất tại Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội.

Học viên nữ tham gia sản xuất tại Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội.

Quy định về cai nghiện tại gia đình và cộng đồng hoàn toàn mới so với trước

Phân tích về những điểm mới về công tác cai nghiện tại gia đình và cộng đồng trong Luật Phòng chống ma túy năm 2021 và các văn bản hướng dẫn thi hành, Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) Trần Ngọc Túy cho biết, theo Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 (được sửa đổi, bổ sung năm 2008), cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng có 2 hình thức bắt buộc và tự nguyện, trong đó đều giao cho Chủ tịch UBND cấp xã chịu trách nhiệm thực hiện.

“Qua quá trình đánh giá, chúng ta thấy hiệu quả chưa cao vì quy định trước đây giao cho các cơ quan hành chính thực hiện, các tổ chức đoàn thể hỗ trợ, đặc biệt là cai nghiện bắt buộc tại gia đình, cộng đồng. Từ đó, Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã có những quy định hoàn toàn mới so với trước đây”, ông Túy nói, và để minh chứng, ông nêu 3 điểm mới.

Thứ nhất, tại Khoản 1 Điều 30 của Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 quy định "Cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng là việc người nghiện ma túy thực hiện cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng với sự hỗ trợ chuyên môn của tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy, sự phối hợp, trợ giúp của gia đình, cộng đồng và chịu sự quản lý của UBND cấp xã".

Như vậy, hoạt động cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng đã chuyển từ hoạt động do cơ quan hành chính ban hành sang các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ, tức là do các đơn vị có chuyên môn thực hiện theo hình thức dịch vụ.

Thứ hai, Nghị định số 116/2021/NĐ-CP ngày 21/12/2021 của Chính phủ (Điều 15) quy định về 4 dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng gồm: (a) Tư vấn, hỗ trợ người nghiện ma túy xây dựng kế hoạch cai nghiện; (b) Điều trị cắt cơn, giải độc, điều trị các rối loạn tâm thần, điều trị các bệnh lý khác cho người nghiện ma túy; (c) Giáo dục, tư vấn, phục hồi hành vi, nhân cách cho người nghiện ma túy; (d) Tổ chức lao động trị liệu, dạy nghề và hỗ trợ hòa nhập cộng đồng cho người nghiện ma túy. Các tổ chức, cá nhân đăng ký cung cấp một hoặc nhiều dịch vụ tùy theo khả năng, năng lực của tổ chức, cá nhân với Chủ tịch UBND cấp huyện.

Như vậy, việc tổ chức cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng chuyển hướng sang cung cấp dịch vụ cho người cai nghiện. Một tổ chức, cá nhân có thể cung cấp một hoặc nhiều dịch vụ, không nhất thiết phải làm tất cả các dịch vụ.

Thứ ba, theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy năm 2021, Chủ tịch UBND cấp huyện là người chịu trách nhiệm tổ chức hoạt động cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng (thay vì Chủ tịch UBND cấp xã như trước đây).

Chủ tịch UBND cấp huyện chỉ định đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thẩm quyền trên địa bàn cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng và bố trí kinh phí hỗ trợ công tác cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng.

Như vậy, chịu trách nhiệm chính (đơn vị cung cấp dịch vụ và kinh phí hỗ trợ) trong hoạt động cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng là Chủ tịch UBND cấp huyện. Đây là điểm mới so với quy định cũ là Chủ tịch UBND cấp xã.

Trong thời gian tới, Bộ LĐ-TB&XH sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Bộ Y tế và UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục hướng dẫn các địa phương khi có những khó khăn, vướng mắc trong triển khai.

Đồng thời sẽ tăng cường công tác tuyên truyền về những mặt tích cực của công tác cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng để người dân và các cấp hiểu, thực hiện tốt hơn.