Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Phòng dịch Covid -19: Vận chuyển hàng hoá vào tỉnh Thừa Thiên- Huế quy định những gì?

Ngày 1/8/2020, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã thống nhất phương án vận chuyển, cung ứng hàng hóa, nguyên, nhiên vật liệu, vật tư... phục vụ cho sản xuất kinh doanh và phòng chống dịch Covid-19 từ vùng có dịch vào địa bàn tỉnh.

Phương tiện vận chuyển hàng hoá đi vào tỉnh Thừa Thiên- Huế phải thực hiện những gì? - Ảnh 1.

Xe chở hàng đi qua địa bàn huyện Phú Lộc (Thừa Thiên - Huế) chiều tối 1/8

Theo phương án được phê duyệt, mọi phương tiện vận chuyển hàng hóa vào tỉnh Thừa Thiên - Huế đều phải tiến hành đăng ký, được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt cho phép, làm căn cứ đi qua các chốt kiểm tra và giám sát hành trình.

Các phương tiện không được chở thêm người trên các phương tiện vận chuyển hàng hóa.

Các cá nhân, đơn vị có yêu cầu vận chuyển hàng hóa (sau đây gọi tắt là chủ nhận hàng) phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về việc đăng ký cho phương tiện vận chuyển hàng hóa vào Thừa Thiên - Huế và có trách nhiệm phối hợp cùng cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ việc vận chuyển, giao nhận hàng, đảm bảo các yếu tố phòng chống dịch, theo quy định.

Tất cả lái xe vận chuyển hàng hóa vào tỉnh Thừa Thiên - Huế đều phải đảm bảo tuân thủ chặt chẽ các yêu cầu phòng chống dịch của chính quyền, cơ quan chức năng, đặc biệt phải thường xuyên đeo khẩu trang; không dừng xe dọc đường; không tiếp xúc gần với bất cứ người dân địa phương nào trong suốt thời gian lưu lại tỉnh Thừa Thiên - Huế.

UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng quy định, tất cả phương tiện giao thông qua địa bàn tỉnh đều phải tiến hành đăng ký, được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt cho phép, làm căn cứ đi qua các chốt kiểm tra và giám sát hành trình; không được chở thêm người trên các phương tiện vận chuyển hàng hóa.

Thời gian đi qua địa phận tỉnh Thừa Thiên - Huế theo Quốc lộ 1A không được quá 3 giờ, tính từ chốt kiểm soát tại huyện Phú Lộc cho đến chốt kiểm soát tại huyện Phong Điền và ngược lại; thời gian đi qua địa phận tỉnh Thừa Thiên - Huế theo đường Hồ Chí Minh không được quá 3 giờ, tính từ chốt kiểm soát tại xã A Roàng, huyện A Lưới.

Tất cả phương tiện giao thông đi qua tỉnh Thừa Thiên - Huế đều không được phép dừng xe dọc đường và tiếp xúc gần với bất cứ người dân địa phương nào.

Ngoài ra, Thừa Thiên - Huế cũng quy định, mọi phương tiện giao thông trong tỉnh sau khi giao hàng ngoại quay trở lại đều phải thực hiện đăng ký về Thừa Thiên - Huế trực tuyến và được Sở Giao thông vận tải tỉnh phê duyệt. Không được chở thêm người trên các phương tiện vận chuyển hàng hóa khi quay lại Thừa Thiên - Huế (trừ lái xe).

Lái xe các phương tiện này đều phải cách ly tại cơ sở sản xuất, kinh doanh đã đăng ký trong vòng ít nhất 14 ngày, kể từ ngày quay trở lại địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Việc cấp phép chỉ được tiến hành khi cơ quan chức năng kiểm tra, xác định chủ xuất hàng đảm bảo các điều kiện cách ly cho lái xe. Trường hợp không đảm bảo các điều kiện cách ly thì phải đăng ký trước để đưa vào khu cách ly tập trung.

Các chủ nhận hàng, chủ giao hàng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế phải bố trí khu vực cách ly tại chỗ, phục vụ riêng cho lái xe (ăn, uống, nghỉ ngơi... ); yêu cầu nhân viên, người lao động không tiếp xúc, giữ khoảng cách an toàn với lái xe trong quá trình giao nhận hàng hóa, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch theo quy định, hướng dẫn của Sở Y tế; có phương án bảo đảm an toàn phòng chống dịch cho các lái xe; trường hợp lái xe trở về từ vùng có dịch phải thực hiện cách ly theo quy định về phòng chống dịch.

Đối với các phương tiện giao thông vận chuyển hành khách qua địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Giao thông vận tải; đồng thời, phải kê khai danh sách toàn bộ hành khách trên xe, bao gồm: họ tên, số CMND, số điện thoại (nếu có), quê quán, nơi đi, nơi đến... để các chốt kiểm tra, kiểm soát.

UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế giao ở Giao thông vận tải tỉnh thường xuyên theo dõi tình trạng hoạt động của thiết bị giám sát hành trình trên xe và trên hệ thống; đảm bảo kiểm soát lộ trình và thời gian hoạt động của các xe đến và rời Thừa Thiên Huế.

Công an tỉnh bố trí nhân sự thực hiện nhiệm vụ kiểm soát luồng xe lưu thông ra vào tỉnh Thừa Thiên - Huế; kiểm tra, kiểm soát số lượng người trên phương tiện vào ra, trên xe; lưu ý kiểm tra, ngăn chặn tình trạng vận chuyển hành khách trên phương tiện vận tải hàng hóa. Căn cứ dữ liệu từ hệ thống phần mềm Đăng ký phương tiện vào, qua Thừa Thiên - Huế để kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm nội dung đã cho phép.