Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Phụ nữ Đà Nẵng gom ve chai nấu cơm 0 đồng

Gần 2 năm nay, các chị em thuộc Chi hội phụ nữ 15 (phường Hòa An, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) vẫn duy trì mô hình phần ăn trưa miễn phí vào thứ Ba hằng tuần nhằm chia sẻ đến người dân có hoàn cảnh khó khăn.

Phân loại rác tái chế để bán gây quỹ.

Phân loại rác tái chế để bán gây quỹ.

Thông tin được báo nhandan.vn cho biết: Năm 2020, chị Phan Thị Xuân An (Chi hội trưởng, Chi hội phụ nữ 15) đã cùng các chị em trong chi hội quyết định thực hiện mô hình “Bữa sáng 0 đồng”.

Kinh phí hoàn toàn từ các hội viên góp với nhau và thực hiện phát cho người dân gặp khó khăn trong khu dân cư.

Tuy những suất sáng không nhiều nhưng hoạt động vẫn luôn được duy trì đều đặn trong năm.

Dần dần, hoạt động của chi hội nhận được sự hỗ trợ nhiều từ các mạnh thường quân nên các chị quyết định làm nhiều suất hơn, chuyển qua thành bữa trưa và giúp đỡ bất cứ ai gặp khó khăn. Từ đó, “Phần ăn miễn phí” được trao đều đặn vào trưa thứ Ba hằng tuần.

Tuy nhiên, nhận thấy cần có hoạt động để duy trì kinh phí cho mô hình của mình, không thể dựa lâu dài vào sự hỗ trợ của mạnh thường quân nên các chị đã lên ý tưởng thu gom vỏ chai phế liệu để bán.

Cùng nhau chuẩn bị các suất cơm.

Cùng nhau chuẩn bị các suất cơm.

Khi tuyên truyền đến các hộ gia đình trong khu phố, chi hội đều nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình, sẵn sàng thực hiện phân loại rác tại nhà để tham gia hỗ trợ mô hình.

Mỗi cuối tuần, các vỏ lon, chai nhựa, rác tái chế, bìa các-tông… của các hộ gia đình trong khu phố 15 sẽ được tập trung tại một hộ để phân loại và bán lấy quỹ.

Số tiền thu được trung bình mỗi tháng từ 6 đến 8 triệu đồng, cùng với một phần của các cá nhân hỗ trợ đã góp phần tạo nguồn quỹ ổn định.

Đều đặn mỗi sáng thứ Ba, các chị em lại có mặt trong ngôi nhà trên đường Nguyễn Công Hoan để cùng nhau đi chợ mua thực phẩm, nhặt rau, làm thịt cá và chế biến món ăn.

Hoạt động cũng nhận được sự tình nguyện tham gia của các bạn trẻ, sinh viên sống trong khu dân cư.

Mỗi phần cơm đến tay người nhận đều có đủ rau củ, thịt cá và luôn được đổi mới liên tục, ngày rằm hay đầu tháng bếp cũng chuẩn bị cả những phần cơm chay.

Mỗi phần cơm đều được đính kèm một chai nước uống. Ngay cả quy trình nấu nướng, chuẩn bị thức ăn kèm cũng được các chị chú trọng “làm tới đâu, sạch tới đó” nhằm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, không qua loa.

Mỗi tuần, mô hình nấu hơn 100 suất cơm để trao cho các hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt, hoạt động thu gom rác hằng tuần cũng nhận được sự hưởng ứng của các hội viên phụ nữ trong phường Hòa An, nhằm góp phần duy trì nguồn quỹ.

Bếp ăn 0 đồng từ nguồn quỹ phân loại rác thải của chị em phụ nữ phường Hoà An.

Bếp ăn 0 đồng từ nguồn quỹ phân loại rác thải của chị em phụ nữ phường Hoà An.

“Chúng tôi vẫn sẽ cố gắng tiếp tục duy trì thực hiện mô hình cơm 0 đồng của Chi hội, tuy không phải là mô hình mới nhưng phù hợp với điều kiện của các chị em và nhu cầu của người lao động nghèo. Qua đó, lan tỏa tinh thần tương thân tương ái đến với mọi người”, chị Phan Thị Xuân An, Chi hội trưởng, Chi hội phụ nữ 15 cho biết.

Chia sẻ với baotainguyenmoitruong.vn, bà Nguyễn Thị Hoa, Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ Phường Hòa An, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng cho biết: “Thật sự bếp ăn này rất có ý nghĩa, mặc dù mỗi suất cơm 0 đồng nếu tính thành tiền thì chỉ 15.000 - 20.000 đồng nhưng đối với những người khó khăn là rất lớn. Ngày trước, chị em phụ nữ đi quanh xin thì rất khó bởi vì họ không hiểu là xin để làm gì. Tuy nhiên sau một thời gian đi vận động, nói được ý nghĩa mục đích của phân loại rác thải này, có một nguồn kinh phí để làm việc thiện nguyện thì người ta ủng hộ nhiệt tình”.