Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Phụ nữ dân tộc Mường học làm chủ cuộc đời

Hơn 60 chị em phụ nữ dân tộc Mường đã tham gia vào chuỗi hoạt động “Xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn cho phụ nữ dân tộc Mường thông qua kỹ năng làm chủ cuộc đời để tận hưởng cuộc sống hạnh phúc” do Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới – Gia đình – Phụ Nữ và Vị thành niên (CSAGA) phối hợp với Uỷ ban nhân dân, Hội Nông dân huyện Tân Lạc (Hoà Bình) triển khai tại 2 xã Đông Lai và Thanh Hối trong năm 2022, với sự hỗ trợ kỹ thuật và tài chính của Đại sứ quán Canada.

Những người phụ nữ dân tộc Mường lần đầu tiên được tập huấn kỹ năng “Kết nối và khám phá giá trị bản thân” đặc biệt hứng khởi khi thảo luận về những kỹ năng để có thể làm chủ cuộc đời mình và không phụ thuộc vào người đàn ông theo quan niệm truyền thống.

Anh dep

Không chỉ các hoạt động tập huấn, Hội thi hát với chủ đề “Gieo mầm hạnh phúc” được tổ chức tại xã  Đông Lai tối tháng10 vừa qua cũng thu hút đông đảo chị em và người dân ở Đông La và Thanh Hối tham dự. Theo đó, 3 đội văn nghệ  của 2 xã Đông Lai và Thanh Hối đã đem đến hội thi những tiết mục nghệ thuật đặc sắc, thể hiện sự hiểu biết và khát khao về một gia đình hoà thuận, hạnh phúc. Ban tổ chức đã trao 1 giải nhất, 1 giải nhì, 2 giải ba và 5 giải khuyến khích cho 9 tiết mục.

Thành viên trẻ nhất đội múa của xã Thanh Hối là Bùi Thị Diệu Khánh với tiết mục “Chằm Đuống” đạt giải nhì cho biết: “Hội thi đã thu hút em tham gia vì đây là cơ hội để giao lưu học hỏi nhiều điều từ các anh chị, cô chú. Điệu múa Chằm Đuống do đội em biểu diễn có nhiều ý nghĩa, trong đó ca ngợi đức tính cần cù, chịu thương, chịu khó - nét đặc trưng của những người phụ nữ Mường”.

_MG_5662

Với những lời ca, điệu múa giàu sáng tạo, Hội thi đã truyền đi thông điệp chung tay vun đắp hạnh phúc gia đình, thúc đẩy bình đẳng giới, phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, góp phần xây dựng cộng đồng an toàn và bình đẳng tại địa phương. Chị Bùi Thị Bon, xã Đông Lai tham gia tiết mục múa “Ca ngợi vẻ đẹp phụ nữ Việt Nam” mong muốn thông qua lời ca, tiếng hát, lan toả tình yêu thương, không có bạo lực giới dưới mỗi mái nhà. 

Cùng với Hội thi hát “Gieo mầm hạnh phúc” là hoạt động trồng cây tại “Vườn ươm hạnh phúc”.  20 cặp đôi (vợ - chồng; mẹ - con) của hai xã Đông Lai, Thanh Hối vừa trồng cây tại vườn cây nhà văn hoá thôn, vừa trò chuyện, chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế gia đình, nuôi dạy con cái, cách ứng xử trong gia đình, cách đối thoại ôn hoà và tận hưởng hạnh phúc lứa đôi không có bạo lực. Những mầm cây được chăm sóc sẽ vươn cành, xanh lá cũng như hạnh phúc lứa đôi, hạnh phúc gia đình cũng cần được vun bồi từ tất cả các thành viên trong gia đình – đó là điều mà các cặp vợ - chồng, mẹ - con trao đổi với nhau, cùng nhau hướng đến một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Anh trong cay

Bà Nguyễn Vân Anh – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới – Gia đình – Phụ Nữ và Vị thành niên đã khơi nguồn cảm hứng các cặp chồng người Mường tham gia chuỗi hoạt động. Bà Vân Anh nhấn mạnh: “Chúng ta cho dù làm được bất cứ thứ gì, xã hội phát đến thế nào, thu nhập cao, giàu có đến mấy mà bản thân chúng ta không hạnh phúc thì tất cả những thứ đó cũng không có ý nghĩa gì. Xuất phát từ điều đó, thông qua các hoạt động này, CSAGA hy vọng sẽ giúp chị em phụ nữ có thêm những kỹ năng làm chủ cuộc sống, vun đắp hạnh phúc gia đình từ những điều nhỏ nhất”.

Tham dự hoạt động trồng cây tại “Vườn ươm hạnh phúc” tại xã Thanh Hối, bà Leigh McCumber, tham tán chính trị, Đại sứ quán Canada tại Việt Nam bày tỏ: “Tôi rất vui vì Quỹ của Đại sứ quán Canada có thể giúp được các sáng kiến địa phương như thế này, mang lại lợi ích cho những người phụ nữ, đặc biệt là thúc đẩy bình đẳng giới, nâng cao quyền năng cho phụ nữ. Thực hiện được bình đẳng giới sẽ tốt cho nền kinh tế, hạnh phúc gia đình và tốt cho những đứa trẻ”.

Ông Bùi Minh Quế, Phó chủ tịch Hội Nông dân huyện Tân Lạc đánh giá, các chương trình “Gieo mầm hạnh phúc” rất ý nghĩa, hữu ích, không chỉ đối với chị em phụ nữ mà cả những người đàn ông trong gia đình. Bởi vì, trong giao tiếp gia đình, đối nhân xử thế, có nhiều tình huống xảy ra, nhiều tác động từ bên ngoài đến cuộc sống gia đình như phong tục tập quán, văn hoá, đôi lúc có xích mích xảy ra giữa vợ chồng, con cái, ông bà con cháu do những khác biệt, có khi chỉ vì 1 lời nói cũng dẫn đến bất hoà. Việc cung cấp cho chị em phụ nữ những kiến thức, kỹ năng đối thoại ôn hoà để vận dụng vào cuộc sống là rất cần thiết, giúp cho vợ chồng hiểu nhau hơn, chia sẻ với nhau hơn, hạn chế đến mức thấp nhất việc mất đoàn kết, gia đình đầm ấm và hạnh phúc”.

Những hiểu biết về bạo lực giới, bình đẳng giới cũng như những kiến thức, kỹ năng làm chủ cuộc sống, bao gồm quản lý tài chính, phát triển kinh tế, ứng xử trong gia đình, ngoài xã hội và những hiểu biết để tận hưởng hạnh phúc không có bạo lực giới của chị em phụ nữ dân tộc Mường sẽ tiếp tục được lan toả tới các thành viên khác trong cộng đồng, giúp người dân hiểu đúng về bình đẳng giới khi mỗi người đều có cơ hội lựa chọn trong công việc, học tập và có cơ hội bình đẳng trong tiếp cận với giáo dục, y tế, nghề nghiệp cũng như các dịch vụ xã hội khác.