Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Phú Thọ nhiều phương án ứng phó ùn tắc ngày Giỗ Tổ

Cảnh sát trực chốt ngay từ điểm vào tỉnh, dọc các tuyến đường trung tâm để hướng dẫn các phương tiện, tránh ùn tắc.

Cảnh sát giao thông phân luồng tại khu di tích đền Hùng chiều 8/4. Ảnh: Ngọc Thành.

Cảnh sát giao thông phân luồng tại khu di tích đền Hùng chiều 8/4. Ảnh: Ngọc Thành.

Thông tin được vnexpress.net cho biết, chiều 8/4, ông Lê Trường Giang, Giám đốc Khu di tích lịch sử đền Hùng nói, lượng khách hai ngày qua đổ về dâng hương lớn hơn so với năm 2021 (khoảng 30.000 người).

Để tránh việc hàng nghìn người tập trung hai bên bãi cỏ sau đó di chuyển lên đền Thượng dẫn tới tình trạng chen lấn như năm 2021, năm nay Ban tổ chức bố trí nhiều khu vui chơi, triển lãm, múa sạp để người dân trong thời gian chờ đợi có thể tham gia, góp phần giảm ùn tắc cục bộ.

Việc cấm người dân lên khu vực đền Thượng từ 20h ngày 9/3 âm lịch đến 9h ngày 10/3 âm lịch cũng đã được thông báo trước nhiều ngày.

Nhà chức trách bố trí khoảng 200 người (gồm thanh niên tình nguyện, nhân viên khu di tích) túc trực tại các điểm để hướng dẫn, nhắc nhở người dân đeo khẩu trang và không tập trung đông người.

Để đảm bảo an ninh, Công an Phú Thọ huy động hơn 1.000 chiến sĩ từ các lực lượng trong tỉnh. Trong đó, cảnh sát giao thông được bố trí ở 7 hướng là các điểm đầu vào tỉnh và dọc đường vào khu di tích để phân luồng phương tiện vào 5 bãi gửi xe.

Hàng nghìn người dân đổ về đền Hùng từ ngày 8/4. Ảnh: Ngọc Thành.

Hàng nghìn người dân đổ về đền Hùng từ ngày 8/4. Ảnh: Ngọc Thành.

Riêng các phương tiện lễ hội từ hướng cao tốc Hà Nội - Lào Cai (hướng được dự báo có lượng xe lớn nhất) sẽ được chia làm hai phương án. Theo đó, xe rẽ ra từ nút giao IC7 sau đó gửi tại bãi trung tâm. Xe rẽ ra từ nút giao IC8 gửi tại điểm trông giữ ở khu vực Đài tưởng niệm liệt sĩ.

Công an tỉnh Phú Thọ cũng lên 8 phương án ứng phó khi có ùn tắc, trong đó ba phương án ở cao tốc Hà Nội - Lào Cai, hai phương án với đường trung tâm TP Việt Trì.

Lễ Giỗ Tổ năm nay tổ chức theo quy mô cấp tỉnh bao gồm cả phần lễ và hội. Phần hội gồm: Thi gói bánh chưng, bánh giầy (ngày 8/4), bơi thuyền chải (sáng 9/4), bắn pháo hoa tầm cao 15 phút, chương trình nghệ thuật Linh thiêng nguồn cội, Đất Tổ Hùng Vương (tối 9/4). Năm ngoái, do Covid-19, địa phương chỉ tổ chức phần lễ.

Lễ dâng hương tưởng niệm các vua Hùng và danh nhân, danh tướng tại di tích đền thờ Hùng Vương trên núi Nghĩa Lĩnh diễn ra sáng 10/4 (10/3 âm lịch). Cùng thời gian này, các địa phương trong tỉnh Phú Thọ thực hiện lễ dâng hương. Nhà chức trách khuyến khích các gia đình sắm sửa mâm cơm để làm lễ tưởng nhớ, tri ân công đức những người có công dựng nước, giữ nước trong ngày 10/3.

Thư viện tỉnh Phú Thọ tổ chức trưng bày 1.500 ấn phẩm văn hóa và tư liệu với chủ đề Về miền Đất Tổ - Cội nguồn dân tộc Việt Nam. Ảnh: Cổng TTĐT tỉnh Phú Thọ.

Thư viện tỉnh Phú Thọ tổ chức trưng bày 1.500 ấn phẩm văn hóa và tư liệu với chủ đề "Về miền Đất Tổ - Cội nguồn dân tộc Việt Nam". Ảnh: Cổng TTĐT tỉnh Phú Thọ.

Trước đó, baochinhphu.vn đưa tin, tại hội nghị  về công tác tổ chức các hoạt động trong khuôn khổ Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2022, ông Bùi Văn Quang, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ nhấn mạnh tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay phải đảm bảo trang nghiêm, thành kính và an toàn, đảm bảo các điều kiện phòng chống dịch COVID-19.Ông Bùi Văn Quang yêu cầu các thành viên Ban Tổ chức cần rà soát lại các nhiệm vụ, phần việc được giao để tập trung hoàn thành và sẵn sàng cho các hoạt động trong dịp lễ diễn ra đúng yêu cầu.

Những ngày này tại Phú Thọ, nhiều hoạt động hướng về ngày Giỗ Tổ đã được tổ chức.

Trong ngày 1 và 2/4 (tức ngày 1 và 2/3 Nhâm Dần), đại biểu các huyện, thành phố: Việt Trì, Tam Nông, Phù Ninh, Lâm Thao, Yên Lập, Thanh Sơn… đã tổ chức dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng.

Từ ngày 1 đến 10/4 (tức từ 1 đến 10/3 âm lịch), Thư viện tỉnh Phú Thọ tổ chức trưng bày 1.500 ấn phẩm văn hóa, tư liệu với chủ đề "Về miền Đất Tổ - Cội nguồn dân tộc Việt Nam" nhằm phục vụ đồng bào và du khách thập phương đến tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu.