Quay lại Dân trí
Dân Sinh

“Phù thủy đại chiến”dành tặng thiếu nhi mùa Trung thu 2019

(Dân sinh) - Nghệ sĩ nhân dân Tống Toàn Thắng - Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho biết, lần đầu tiên trên sân khấu xiếc Việt có nữ nghệ sĩ biểu diễn với chú Trăn khổng lồ trong bể nước. Đây là tiết mục được xem là điểm nhấn ấn tượng của chương trình Xiếc thiếu nhi mang tên “Phù thủy đại chiến” dịp Trung Thu năm nay.

Với chủ đề "Phù thủy đại chiến", chương trình Xiếc trong mùa trung thu năm nay được Liên đoàn Xiếc Việt Nam xây dựng vừa ra mắt khán giả vào ngày 7/9 và được biểu diễn ngày 3 suất cho đến cuối tháng 9/2019. Vở diễn kết hợp giữa nghệ thuật xiếc và ảo thuật với quy mô lớn cho cả chương trình có nội dung xuyên suốt, với nhiều tiết mục đặc sắc, hấp dẫn lần đầu tiên ra mắt trên sân khấu.

Nghệ sĩ nhân dân Tống Toàn Thắng cho biết, "Phù thủy đại chiến" được chia thành ba phần với các nội dung: Xứ sở ánh sáng kỳ diệu; Cuộc chiến cam go và Khải hoàn chiến thắng. Chương trình hứa hẹn sẽ tạo cho khán giả hình dung được sự trổ tài phép thuật của các Phù thủy (các ảo thuật gia thủ vai) cùng với các nghệ sĩ xiếc đu trên không, nhào lộn, thăng bằng, tung hứng, màn giao đấu của đèn laze trên không và dưới đất, cùng với màn diễn trong trang phục bộ xương sẽ đem đến cho khán giả những màn diễn độc đáo và hấp dẫn.

“Phù thủy đại chiến”dành tặng thiếu nhi mùa Trung thu 2019 - Ảnh 1.

Cảnh trong chương trình xiếc "Phù thủy Đại chiến"

Đặc biệt, các tình huống, cao trào, kết hợp với hiệu ứng ánh sáng, khói, lửa tạo ra những khung cảnh huyền bí và ấn tượng. Chương trình có sự tham gia của ảo thuật gia Nguyễn Việt Hoàng (Ảo thuật gia J – Quán quân Ảo thuật siêu phàm của VTV3 năm 2018) cùng dàn diễn viễn đầy tài năng của Liên đoàn xiếc Việt Nam đã đoạt nhiều giải thưởng quốc tế như: Thanh Tuấn – Thu Hương – Hải Quân – Hà Bình...

"Đây là lần đầu tiên trên sân khấu tròn của Rạp xiếc được kết hợp sử dụng 3 loại sân khấu tạo không gian mới lạ và đa dạng trò diễn, phù hợp cho ảo thuật, đu dây, nhào lộn trên sân khấu vuông và sân khấu tròn bên ngoài dành cho các loài thú tham gia trong chương trình…" Nghệ sĩ nhân dân Tống Toàn Thắng chia sẻ.

Cũng theo Nghệ sĩ nhân dân Tống Toàn Thắng, ở chính giữa sân khấu tròn có một sân khấu hình vuông cao 1,2m với diện tích gần 40m2 sẽ là sân khấu chính được trang trí như một sàn thi đấu biến hóa của các phù thủy. Trên sân khấu phụ phía đằng sau sẽ dùng cho các phần diễn trên cao và đu bay ra của các phù thủy, cũng như các hiệu ứng ánh sáng. Đặc biệt trong vở diễn lần đầu tiên ra mắt cảnh diễn kết hợp tương tác của diễn viên đu dây trong bể kính nước, với hiệu ứng ánh sáng và màn trình diễn rất hấp dẫn và mạo hiểm của nghệ sĩ Thu Hương với chú Trăn khổng lồ trong bể nước. Màn trình diễn sẽ đem đến sự ngạc nhiên và bất ngờ cho khán giả.

"Sân khấu Xiếc trên thế giới đã đưa bể nước (hình cầu) vào biểu diễn từ lâu, nhưng với sân khấu Xiếc Việt Nam thì đây là lần đầu tiên bể nước hình lục giác được đưa vào biểu diễn. Đây là tiết mục mạo hiểm, hấp dẫn mà chúng tôi dàn dựng với thông điệp truyền ngọn lửa đam mê, vượt qua nỗi sợ hãi, tạo hiệu ứng về vẻ đẹp của hình thể, vẻ đẹp của sức mạnh và lòng ca đảm"- Nghệ sĩ nhân dân Tống Toàn Thắng cho biết.

Trong thời gian gần đây, Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã và đang nỗ lực đổi mới để phục vụ khán giả. Trước đó, Liên đoàn đã đưa vật nuôi vào thay thế dần động vật hoang dã và đã có những vở diễn thành công. Việc thay thú hoang dã bằng các loài động vật nuôi trên sân khấu xiếc không chỉ là đáp lại lời kêu gọi cấm xiếc thú do Liên minh Châu Á vì động vật đưa ra cách đây một năm, mà còn phù hợp với xu thế chung của thế giới.

Nghệ sĩ nhân dân Tống Toàn Thắng cho biết, Xiếc thú là biểu tượng không thể thiếu của Liên đoàn Xiếc Việt Nam qua hơn 60 năm phát triển. Tại Liên đoàn Xiếc Việt Nam, các con thú đang được sử dụng đều hưởng chế độ tốt nhất về cơ sở hạ tầng, ăn uống, sức khỏe... Tuy nhiên, việc dùng thú hoang biểu diễn ở đây cũng đang được hạn chế để phù hợp với xu thế chung cũng như đáp lại lời kêu gọi của các tổ chức bảo vệ động vật hoang dã và những người yêu động vật. Liên đoàn đã đưa nhiều vật nuôi vào thuần hóa và biểu diễn để thay thế động vật hoang dã như chó, mèo, lợn, dê... Thời gian tới, Liên đoàn sẽ tiếp tục chuyển đổi hoặc thay thế các con vật thật bằng các bộ quần áo giả thú do người biểu diễn... đảm bảo tính nhân văn.