Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Phú Yên: Nâng cao năng lực công tác xã hội với người nghiện ma túy

(Dân sinh) - Nhằm bồi dưỡng nghiệp vụ, kiến thức cơ bản về công tác xã hội (CTXH) với người nghiện ma túy cho cán bộ Lao động-Thương binh xã hội, cộng tác viên làm CTXH để can thiệp, hỗ trợ người nghiện ma túy tại cộng đồng; vừa qua, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Phú Yên phối hợp Trường Đại học Lao động-Xã hội cơ sở II tổ chức Hội nghị tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ CTXH với người nghiện ma túy cho hơn 100 cán bộ làm công tác Lao động-Thương binh và Xã hội, cộng tác viên CTXH.

Lớp tập huấn được nghe phổ biến các nội dung: Vai trò, nhiệm vụ của cán bộ CTXH trong can thiệp hỗ trợ người nghiện ma túy; truyền thông phòng, chống ma túy và giảm kỳ thị với người nghiện ma túy; quy trình hỗ trợ điều trị nghiện của cán bộ CTXH; các hoạt động can thiệp hỗ trợ nhóm cho người nghiện ma túy. Kết thúc đợt tập huấn, với sự truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm thực tế của các giảng viên đã giúp cho học viên nắm được các kiến thức cơ bản và các kỹ năng tiếp cận, tham vấn hỗ trợ người nghiện ma túy tại cộng đồng.

Theo ThS. Lê Chí An - Giảng viên Trường Đại học Lao động Xã hội, vai trò, nhiệm vụ của nhân viên CTXH tuyến xã/phường rất quan trọng trong quá trình hỗ trợ người nghiện trong và sau quá trình cai nghiện, đặc biệt là trong xu thế hiện nay các mô hình hỗ trợ người nghiện tự nguyện cai nghiện tại gia đình và cộng đồng. Đó là, tham gia vào quản lý, triển khai hoạt động hỗ trợ trực tiếp cho người nghiện ma tuý trên địa bàn: Nắm bắt hồ sơ người nghiện; tiến hành hoạt động tham vấn tâm lý và tư vấn pháp luật cho người nghiện, gia đình người nghiện; hỗ trợ người nghiện lên kế hoạch điều trị nghiện, dự phòng tái nghiện. Thứ hai là, tham gia công tác biện hộ cho người nghiện ma tuý trong những trường hợp cần thiết. Huy động các nguồn lực hỗ trợ người nghiện ma tuý. Đồng thời, vận động gia đình, cộng đồng và các tổ chức xã hội sẵn sàng hỗ trợ người nghiện cả về vật chất, tinh thần để điều trị nghiện và tái hoà nhập cộng đồng sau điều trị.

Phú Yên: Nâng cao năng lực công tác xã hội với người nghiện ma túy - Ảnh 1.

Cán bộ, cộng tác viên CTXH tham gia lớp tập huấn CTXH với người nghiện ma túy

Các hoạt động trợ giúp của nhân viên CTXH với người nghiện ma tuý rất đa dạng từ các hoạt động hỗ trợ cá nhân người nghiện, hỗ trợ gia đình có người nghiện và các hoạt động với cộng đồng về nâng cao nhận thức về ma tuý, tham gia vào quá trình hỗ trợ người nghiện và gia đình họ. Như tiếp xúc, gặp gỡ trao đổi với người nghiện để tìm hiểu tiền sử sử dụng ma túy, hoàn cảnh gia đình, công ăn việc làm, môi trường sống vv… Thiết lập mối quan hệ thân thiết với người nghiện tiến hành hỗ trợ các vấn đề tâm lý, xã hội thông qua các hoạt động thường xuyên thăm hỏi, tạo lập mối quan hệ với người nghiện và cung cấp dịch vụ tham vấn, tư vấn. Tìm hiểu nhu cầu của người nghiện và gắn kết hỗ trợ người nghiện với các dịch vụ trợ giúp. Cùng bàn bạc với người nghiện để lên kế hoạch, xây dựng các mục tiêu, các giải pháp cho sự thay đổi. Cung cấp thông tin, kết nối, chuyển gửi người nghiện đến các dịch vụ hỗ trợ phù hợp, đăc biệt là các dịch vụ điều trị ARV (với người nghiện nhiễm HIV), các dịch vụ xét nghiệm, dịch vụ dạy nghề, tìm việc làm. Tổ chức các câu lạc bộ, các nhóm sinh hoạt dành cho người nghiện ma túy, người sau cai nghiện ma tuý. Triển khai sinh hoạt định kỳ, các thành viên giúp đỡ nhau về mặt tâm lý để vượt qua sự cám dỗ của ma túy, các hoạt động giải trí khác nhằm giúp người nghiện thích nghi trở lại với cuộc sống.

Đối với hoạt động hỗ trợ gia đình người nghiện, nhân viên CTXH cung cấp cho gia đình người nghiện thông tin về các loại ma túy, nghiện, cách phát hiện được người sử dụng hay nghiện ma túy. Giúp các thành viên gia đình hiểu về quá trình cai nghiện và những khó khăn người nghiện gặp phải trong quá trình cai nghiện để kịp thời động viên, giúp đỡ. Hướng dẫn các chăm sóc người nghiện về đảm bảo chế độ dinh dưỡng, tuân thủ quy trình điều trị nghiện. Gắn kết các thành viên trong gia đình, hỗ trợ người nghiện giải quyết các xung đột và xây dựng lại niềm tin. Nhấn mạnh tầm quan trọng của gia đình trong quá trình phục hồi để gia đình quan tâm thương yêu và tin tưởng người nghiện, gần gũi, dẫn dắt, nâng đỡ để người nghiện vượt qua khó khăn trong quá trình tái hoà nhập cộng đồng. Giúp các nhóm gia đình của người nghiện trao đổi kinh nghiệm và cách thức hỗ trợ người nghiện.

"Đối với cộng đồng, nhân viên CTXH có nhiệm vụ tuyên truyền phổ biến kiến thức về tác hại của ma túy và cách phòng chống tại cộng đồng. Cung cấp thông tin và giáo dục ý thức không kì thị và phân biệt đối xử, xa lánh người nghiện ma túy. Động viên mọi người có trách nhiệm nâng đỡ hỗ trợ người sử dụng ma túy. Tạo điều kiện cho người nghiện được học tập, làm việc tại cộng đồng. Hỗ trợ tìm kiếm các dịch vụ y tế, dịch vụ xã hội khác trong quá trình điều trị và phục hồi. Liên kết nhiều ngành, nhiều đoàn thể trong công việc chống nghiện ma túy như phát hiện và triệt phá các ổ tiêm chích, buôn bán ma túy"-ThS.Lê Chí An nhấn mạnh.