Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Phú Yên: Trang bị kiến thức, kỹ năng chăm sóc người khuyết tật

Nhằm trang bị cho thân nhân người khuyết tật (NKT) những kiến thức để giúp NKT nhận thức khả năng của mình, tự đáp ứng nhu cầu bản thân, nỗ lực vượt qua mặc cảm để khẳng định mình, tự tin vươn lên, tham gia bình đẳng vào các hoạt động kinh tế- xã hội, bảo đảm cuộc sống bản thân mình và hòa nhập cộng đồng; vừa qua Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Phú Yên phối hợp Trường Đại học Lao động xã hội (Cơ sở II) Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức các lớp tập huấn công tác chăm sóc sức khỏe cho gia đình có NKT cho gần 200 người thuộc các xã của huyện Tây Hòa.

Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Phú Yên, quan điểm của Đảng và Nhà nước ta là tăng trưởng kinh tế gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội. Song song với tăng trưởng kinh tế phải tập trung trợ giúp cho các đối tượng yếu thế. Ngày 17/6/2013, Quốc hội đã thông qua Luật về NKT, sau đó Chính phủ tiếp tục ban hành nhiều chính sách ưu đãi, giúp NKT có cuộc sống ổn định cẩ về vật chất và tinh thần; nỗ lực vượt qua mặc cảm để khẳng định mình, vượt qua những khó khăn thử thách trong cuộc sống, để phát triển như một công dân bình thường.

Các lớp tập huấn cho thân nhân NKT là nhằm thực hiện quan điểm trên và trang bị cho thân nhân NKT những kiến thức và các kỹ năng phát hiện và đánh giá khuyết tật kỹ năng sống độc lập, xử lý khủng hoảng, kỹ năng thúc đẩy sự tham gia của NKT mà khi sống cùng gia đình họ có thể trải nghiệm, từ đó giúp NKT nhận thức khả năng của mình, tự tin vươn lên, tham gia bình đẳng vào các hoạt động kinh tế-xã hội, đảm bảo cuộc sống bản thân mình và hòa nhập cộng đồng.

Lớp tập huấn được Bác sỹ chuyên khoa II Mai Văn Thu, công tác tại Bệnh viện Chỉnh hỉnh và Phục hồi chức năng TP.Hồ Chí Minh trực tiếp hướng dẫn. Thân nhân của NKT được hướng dẫn chăm sóc, phục hồi chức năng cho NKT tại gia đình như tập luyện các kỹ năng sinh hoạt hàng ngày như vệ sinh thân thể, ăn ướng và phục hồi khả năng sinh hoạt cho người bệnh. Ngoài ra, thân nhân NKT cũng phải biết cách hướng dẫn người bệnh khả năng giao tiếp xã hội để dần dần lấy lại và tăng cường lòng tự tin, tự trọng, biết cách giao tiếp và đối thoại người khác, biết cách giải quyết những khúc mắc, bất đồng ý kiến với người khác một cách thỏa đáng.

Phú Yên: Trang bị kiến thức, kỹ năng chăm sóc người khuyết tật - Ảnh 2.

Ông Võ Văn Binh-Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Phú Yên trao tặng đồ dùng học tập cho trẻ em nghèo khuyết tật khó khăn tại huyện Tây Hòa và huyện Phú Hòa

Chúng tôi đến thăm nhà ông Đặng Tây ở phường 2, TP.Tuy Hòa là cậu ruột của bệnh nhân Tô Bảo Kim Ngọc bị bệnh câm điếc và tâm thần từ nhỏ. Ông Tây cho biết, anh đã được phường cử đi học lớp tập huấn về phương pháp chăm sóc, phục hồi chức năng cho người NKT đặc biệt nặng tại gia đình. Qua lớp tập huấn ông đã nắm bắt được tâm lý, phương pháp và kỹ năng chăm sóc NKT. Lâu nay ông nghĩ rằng, NKT thì cần nghỉ ngơi, nhưng khi đi tập huấn anh mới biết, NKT cần phải được trợ giúp, hướng dẫn để họ dễ dàng tự vận động, tự chăm sóc bản thân. Hàng ngày ông Đặng Tây luôn giúp cháu vận động để có thể tự di chuyển và đi lại từ nơi này đến nơi khác, tự làm những công việc mà trước đó không tự làm được, ngay cả những công việc tự chăm sóc bản thân.

Còn ông Phù Quốc Thành, cũng phường 2 cho biết, con ông là chị Phù Ái Linh bị tai nạn giao thông đa chấn thương, sọ não, nên tay chân bị bại liệt đã 14 năm nay. Qua tham gia lớp tập huấn về phương pháp chăm sóc, phục hồi chức năng cho NKT đặc biệt nặng tại gia đình, ông đã nắm bắt được nhiều kiến thức và kỹ năng để chăm sóc con bị bệnh tốt hơn. Hiện nay tình trang bệnh tật của cháu được cải thiện khá tốt, càng ngày càng đỡ dần. Cháu Linh hàng ngày được người cha bằng tình yêu thương của mình luôn giúp đỡ con mình vận động hàng ngày đúng phương pháp. Nên từ chỗ cháu không tự đi lại được, nay có thể tự vịn đi lại được. Cũng đã nhận biết được cảm xúc, biết biểu đạt bằng ngôn ngữ, mặc dù nói chuyện khá khó khăn. Kết hợp với vận động hàng ngày là khẩu phần ăn hàng ngày đủ dinh dưỡng phù hợp với thể trạng của NKT. Hiện nay ông Thành còn mua máy mat-xa cho con từ nguồn tiền bạn bè hỗ trợ và gia đình để hàng ngày vừa tự vận động, vừa tập máy để lưu thông máu, không bị xơ cứng xương khớp.

Theo các giảng viên Trường Đại học Lao động và Xã hội, thông qua lớp tập huấn, thân nhân của NKT không chỉ biết cách nuôi dưỡng và chăm sóc người bệnh, mà đặc biệt là làm cho NKT có cảm giác được yêu thương, không cảm thấy tủi thân mà vượt qua những khó khăn, thử thách trong cuộc sống.

Cũng nằm trong khuôn khổ Dự án "Phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng cho NKT", vừa qua tại 6 xã, thị trấn của 2 huyện Phú Hòa và Tây Hòa đã đồng loạt ra mắt Câu lạc bộ (CLB) NKT. Thành viên CLB NKT là những NKT, người thân của NKT hoặc những người tự nguyện tham gia vào CLB đang sống, làm việc, học tập và cư trú trên địa bàn xã, thị trấn có cùng mục tiêu, cùng chí hướng, cùng sở thích vì sự phát triển của bản thân và xã hội. CLB đã đề ra các mục tiêu như: giúp NKT hiểu về luật, chính sách dành cho NKT; CLB NKT hoạt động vì quyền của NKT, nâng cao vai trò của NKT, giúp họ vươn lên trong cuộc sống, góp phần nâng cao nhận thức, xóa bỏ kỳ thị, phân biệt đối xử, hướng tới "Xã hội hòa nhập, không rào cản và vì quyền của NKT"..