Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Quán thanh xuân tháng 9: Ở hai đầu nỗi nhớ

(Dân sinh) - Những ký ức thời tuổi trẻ của những người gắn liền với giai đoạn tập kết 1954, đó có thể là câu chuyện của những người lên đường ra Bắc từ những chuyến tàu đầu tiên; là câu chuyện tình yêu của những đôi lứa; là sự thích nghi, gắn bó của những gia đình miền Nam trên đất Bắc, hay bao thương nhớ khôn nguôi của những người con miền Nam sau 1975 rời xa mảnh đất đã gắn bó hơn 20 năm… sẽ được tái hiện lại trong chương trình Quán thanh xuân với chủ đề "Ở hai đầu nỗi nhớ" được truyền hình trực tiếp lúc 20h40 Chủ nhật, ngày 15/9/2019 trên VTV1.

Đôi bờ Hiền Lương đã chia đôi hai miền đất nước, hàng trăm ngàn người con của miền Nam đã từ biệt người thân lên những chuyến tàu để tập kết ra Bắc học tập và làm việc với niềm tin 2 năm sau được đoàn tụ. Vậy mà lời hẹn 2 năm đã trở thành hơn 20 năm. Cả một thế hệ đã có một khoảng trời ký ức về những ngày tập kết ra Bắc hào hùng, thân thương. Khán giả của Quán thanh xuân tháng 9 sẽ được nghe những câu chuyện ký ức đó qua chia sẻ của các vị khách mời và những bản tình ca ẩn chứa nhiều khát vọng.

Quán thanh xuân tháng 9: Ở hai đầu nỗi nhớ - Ảnh 1.

Năm 1954, chia tay người vợ trẻ, nhạc sĩ Hoàng Việt lên tàu từ đất mũi Cà Mau tập kết ra Bắc. Vô vàn lời yêu thương muốn nói mà không thể nói qua ngàn trùng cách trở... chẳng còn cách nào khác là gửi cả vào lời ca: "Khi hát lên tiếng ca gửi về người yêu quê ta/ Ta át tiếng gió mưa thét gào cuộn dâng phong ba/ Em ơi nghe chăng lời trái tim vọng ra...". "Tình ca" đã ra đời như thế trong một đêm thức trắng ngập tràn nỗi nhớ và hy vọng vào ngày mai. Tha thiết, kịch tính và lạc quan, "Tình ca" trong mấy thập niên qua vẫn được coi là một trong những bài hát hay nhất về tình yêu. Câu chuyện tình yêu và nỗi nhớ của một cá nhân nhưng cũng chính là tâm thức của cả một thế hệ lúc bấy giờ. 

Trong chương trình Quán thanh xuân tháng 9, những câu chuyện tình yêu như thế sẽ được các vị khách mời kể lại cho khán giả. Con gái nhạc sĩ Thanh Tùng sẽ kể về ký ức của cha mẹ mình những ngày xa cách nhưng vẫn cháy lửa tình yêu. Người vợ hiền chính là hậu phương cho nhạc sĩ yên tâm học tập tại Bình Nhưỡng. Hay là câu chuyện về đám cưới cạnh gian hòm áo quan nhưng vui không kể xiết của cặp đôi nghệ sĩ Phi Điểu - Phan Nhân.

Quán thanh xuân tháng 9: Ở hai đầu nỗi nhớ - Ảnh 2.

Những câu chuyện tình yêu ở hai đầu nỗi nhớ có rất nhiều cung bậc. Khán giả của Quán thanh xuân sẽ có hình dung rõ nét hơn khi được xem trích đoạn phim "Vĩ tuyến 17 ngày và đêm", trích đoạn phim tài liệu "Tập kết 1954 - Những câu chuyện bây giờ mới kể". Những người miền Nam tập kết ra Bắc mang theo nỗi nhớ gia đình. Có người vừa mới cưới vợ được vài ngày, người được vài tháng, cũng có người chưa kịp cưới đã vội xuống tàu với lời hẹn 2 năm sẽ trở về. 

20 năm trôi qua, có biết bao thử thách mà những người phụ nữ ở lại phải đối mặt. Nhiều người vượt qua nhưng có những người không thể. Người ra Bắc không chịu nổi cô đơn đã kết hôn lần nữa, để lại người vợ mòn mỏi chờ đợi; người ở lại thì lập gia đình với người khác... Khi trở về, có người đã tìm gặp chồng sau của vợ rồi trở thành bạn thân của nhau. Nhưng cũng có những phụ nữ khi chồng tập kết, một mình nuôi 6 người con nên người và giữ một niềm tin son sắt về nhau, nuôi trong lòng "Bài ca Hy vọng" (Văn Ký). Khoảng cách về địa lý càng thổi bùng lên ngọn lửa yêu thương, không hiếm cặp vợ chồng chờ nhau 20 năm và đoàn tụ viên mãn.

Quán thanh xuân tháng 9: Ở hai đầu nỗi nhớ - Ảnh 3.

Cùng với việc tập kết bộ đội và cán bộ miền Nam ra Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng, Chính phủ chủ trương đưa học sinh từ 6 - 7 tuổi cho đến 19 - 20 tuổi là con em cán bộ, chiến sĩ, đồng bào miền Nam từ các địa phương ra miền Bắc học tập. Nhiệm vụ là đào tạo thành đội ngũ kế cận cho cách mạng miền Nam cũng như cách mạng cả nước sau này. 32.000 em đã được đưa ra, thành lập 28 trường từ nhi đồng đến cấp 1, 2, 3. Có những em xuống tàu đi tập kết chỉ mới 6, 7 tuổi. Nhớ lại hồi ấy có một bài hát rất dễ thương mà các em thường hát: "Ngày con mới ra miền Bắc, con còn bé xíu xiu như là cái hạt tiêu...". Đó là một thế hệ học sinh đầy bản sắc. 

Điểm chung nhất ở họ là khả năng sống tự lực, nỗi nhớ mẹ cha đến quay quắt và cái tính rất dễ tủi thân. Có lẽ vì vậy mà học sinh miền Nam đặc biệt yêu thương nhau, rất chung thủy trong tình cảm bạn bè, chia ngọt sẻ bùi với nhau mỗi khi có thể. Được những người xa lạ, là thầy cô giáo và cô chú cấp dưỡng, tuy không phải là mẹ cha nhưng chăm sóc, yêu thương mình với sự tận tâm nên học sinh miền Nam tự sâu trong lòng đã cảm nhận được tình nghĩa và biết sống có tình nghĩa.

Khi đất nước thống nhất, phần lớn học sinh miền Nam trở về xây dựng quê hương, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Nhiều người trở thành cán bộ cao cấp trong chính quyền, như các ông: Trương Quang Được, nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng; bà Trần Thị Thanh Thanh, nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em; ông Nguyễn Bá Thanh, Trưởng ban Nội chính Trung ương; Thượng tướng công an Nguyễn Khánh Toàn; đại tá phi công Nguyễn Văn Nghĩa, nguyên Hiệu trưởng trường Hàng không Việt Nam. Nhiều học sinh miền Nam ra Bắc khi còn tuổi nhi đồng, sau này làm rạng danh học sinh miền Nam, như: Bí thư Thành ủy TP. HCM Nguyễn Thiện Nhân, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Ksor Phước...

"Thời gian đã lùi xa, chúng ta có đủ căn cứ để khẳng định rằng, trường học sinh miền Nam trên đất Bắc là một trong những mô hình giáo dục thành công nhất của nền giáo dục đào tạo cách mạng. Sự thành công của trường học này trong việc đào tạo lớp người vừa hồng vừa chuyên gắn bó với vận mệnh của đất nước là thành tựu to lớn, khẳng định tính ưu việt của nền giáo dục. Các trường học sinh miền Nam trên đất Bắc là biểu hiện đẹp đẽ của tình cảm Bắc - Nam ruột thịt", nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định.

Sau 1975, có những người con quay trở lại miền Nam xây dựng quê hương nhưng trong lòng họ, nỗi nhớ miền Bắc không nguôi, "cứ đến đợt gió mùa là lại nhớ miền Bắc - Nhớ những món ăn, người bạn miền Bắc". Nhạc sĩ, Nghệ sĩ ưu tú Lương Nguyên kể về ngày những người đồng nghiệp ở Đài Tiếng nói Việt Nam chia tay để vào lại Nam. Vợ chồng Nghệ sĩ ưu tú Phi Điểu vào Nam rồi vẫn nhớ miền Bắc. Chuyến đi cuối đời của nhạc sĩ Phan Nhân là đi cùng với những người bạn tập kết. Những kí ức không thể nào quên ấy đã khiến nhà báo Thế Thanh và những người liên quan đến tập kết đã làm thành bộ phim "Tập kết 1954 - Những câu chuyện bây giờ mới kể". Nhạc sĩ Thanh Tùng vẫn luôn muốn được ăn những món ăn Bắc, những ca khúc vẫn là hình bóng Hà Nội in đậm trong tim… Có những người quyết định ở lại hẳn đất Bắc, như ông Mai Liêm Trực, gia đình GS Đặng Hữu...

Với thông điệp "Tận cùng nỗi nhớ đó là tình người, tình yêu quê hương đất nước, tình đồng bào vẫn còn mãi, trở thành những kỷ niệm không bao giờ phai mờ trong ký ức mỗi người" - "Ở hai đầu nỗi nhớ" hứa hẹn sẽ mang đến cho khán giả nhiều cảm xúc trong những ngày mùa thu.