Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Quảng Bình, Hà Tĩnh: Lũ trên các sông tiếp tục dâng cao nhất trong lịch sử gần 40 năm qua

(Dân sinh) - Mưa rất lớn tiếp tục tại các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh. Hiện nay lũ trên sông Ngàn Sâu (Hà Tĩnh), các sông ở Quảng Bình vẫn đang lên cao. Dự báo lũ trên sông Kiến Giang tại Lệ Thủy (Quảng Bình) sẽ đạt đỉnh 5,2m, hơn đỉnh lũ lịch sử năm 1979 1,29m.

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, trong từ 19h ngày 18/10 đến 13h ngày 19/10, ở các tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình đã có mưa rất to, có nơi mưa đặc biệt to với lượng mưa phổ biến từ 50-150mm, có nơi lớn hơn như Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) 285.8mm, Kỳ Thượng (Hà Tĩnh) 248.6mm, Vạn Trạch (Quảng Bình) 282.6mm, Trường Xuân (Quảng Bình) 225mm.

Hiện nay, lũ trên sông Ngàn Sâu (Hà Tĩnh), các sông ở Quảng Bình đang lên, Dự báo trong 6h tới, lũ trên sông Kiến Giang tại Lệ Thủy có khả năng đạt đỉnh ở mức 5,2m, trên BĐ3 2,5m, hơn đỉnh lũ lịch sử năm 1979 1,29m. Trong 6-12 giờ tới, lũ trên sông Ngàn Sâu, các sông ở Quảng Bình tiếp tục lên, các sông từ Quảng Trị đến Thừa Thiên Huế tiếp tục xuống.

Quảng Bình, Hà Tĩnh: Lũ trên các sông tiếp tục dâng cao nhất trong lịch sử gần 40 năm qua - Ảnh 1.

Nước dâng cao các tuyến đường trọng điểm tại tỉnh Quảng Bình bị chia cắt

Theo dự báo của Trung tâm khí tượng Thuỷ Văn tỉnh Quảng Bình: Đến tối nay, 19/10, mực nước trên các sông Gianh tại Mai Hóa lên mức 8,3m, trên BĐ3 1,8m. Đến sáng mai, 20-10, mực nước tại Mai Hóa xuống mức 8,0m, trên BĐ3 1,5m; Trên sông Kiến Giang tại Lệ Thủy xuống mức 4,8m, trên BĐ3 2,1m... Do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với dải hội tụ nhiệt đới có trục đi qua Trung Trung Bộ nên từ nay đến ngày 21-10, ở các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình có mưa to đến rất to, có nơi đặc biệt to với lượng mưa từ 300-500mm, có nơi trên 600mm.

Nguy cơ cao xảy ra lũ đặc biệt lớn trên các sông tại Hà Tĩnh, Quảng Bình. Ngập lụt sâu, diện rộng tiếp tục diễn ra ở vùng trũng thấp, các khu đô thị tại các tỉnh miền Trung. Nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi các tỉnh từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế.

Quảng Bình, Hà Tĩnh: Lũ trên các sông tiếp tục dâng cao nhất trong lịch sử gần 40 năm qua - Ảnh 2.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Công Thuật chỉ đạo công tác ứng phó mưa lũ

Trao đổi nhanh qua điện thoại với phóng viên báo Dân Sinh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Công Thuật cho biết: "Hiện nay, Quảng Bình đã bị chia cắt về giao thông, các tuyến đường trọng điểm gần như bị tê liệt do nước dâng cao. Lãnh đạo tỉnh Quảng Bình đang khẩn trương tổng huy động mọi nguồn lực để cứu trợ cho người dân vùng lũ. Nhằm giảm thiệt hại về người và vật chất thấp nhất. Đến nay, đã có hơn 71.000 nhà dân hiện tại bị ngập lụt. Cụ thể: Huyện Lệ Thủy có khoảng hơn 30.000 nhà bị ngập nước ở hầu hết các xã thuộc huyện; thị xã Ba Đồn hơn 22.000 nhà; huyện Quảng Ninh có hơn 13.000 nhà bị ngập; huyện Bố Trạch có 10.000 nhà; huyện Quảng Trạch khoảng 4.000 nhà; huyện Tuyên Hóa khoảng 3.500 nhà; TP. Đồng Hới khoảng 1.300 nhà; huyện Minh Hóa hơn 1.000 nhà".

Quảng Bình, Hà Tĩnh: Lũ trên các sông tiếp tục dâng cao nhất trong lịch sử gần 40 năm qua - Ảnh 3.

Nhiều ngôi nhà ở Quảng Bình bị chìm trong biển nước

"Ngay trong mưa lũ, chính quyền các địa phương đã chủ động triển khai các phương án ứng phó trên cơ sở phương châm "4 tại chỗ". Các lực lượng công an, bộ đội biên phòng đã kịp thời có mặt tại các điểm xung yếu sẵn sàng di dời dân ra khỏi vùng ngập sâu, vùng có nguy cơ sạt lở đất bảo đảm an toàn.  Trước diễn biến của tình hình mưa lũ, các địa phương trong tỉnh đã di dời khẩn cấp 8.229 hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Về số thôn, bản bị chia cắt, cô lập: Huyện Quảng Ninh có 64 thôn/11 xã; huyện Tuyên Hóa có 23 thôn, bản/10 xã; huyện Bố Trạch có 37 thôn, bản; huyện Lệ Thủy chưa cập nhật được. Riêng vùng biên giới, hiện có 59 bản/8xã /4 huyện biên giới bị chia cắt. Mưa lũ đã làm chết 3 người (2 người xã Thanh Thủy, huyện Lệ Thủy và  1 người xã Gia Ninh, huyện Quảng Ninh); làm bị thương 4 người huyện Tuyên Hóa. Các thiệt hại về tài sản do mưa lũ gây ra đặc biệt lớn và hiện chưa thể thống kê được. Theo báo cáo của Sở Giao thông-Vận tải hiện hầu hết các tuyến đường giao thông chính và huyết mạch trên địa bàn đều bị ngập lụt sâu từ 0,5m đến 2,4m đã làm cho các phương tiện giao thông đường bộ không thể lưu thông được" – Chủ tịch tỉnh Quảng Bình cho biết thêm.

Quảng Bình, Hà Tĩnh: Lũ trên các sông tiếp tục dâng cao nhất trong lịch sử gần 40 năm qua - Ảnh 4.

Tổng huy động các lực lượng cứu trợ người dân vùng lũ

"Đặc biệt, trên tuyến quốc lộ 15 khu vực Sơn Trạch - Hưng Trạch (Bố Trạch) có đoạn ngập sâu đến 3,5m, riêng tại ngầm Bùng Km562+200 ngập sâu đến 5,3m. Cùng đó là việc sụt, trượt mái ta luy đường khiến đất đá vùi lấp mặt đường... dẫn đến tắc đường. Mực nước hiện trên các sông chính như: Sông Rào Nậy tại Đồng Tâm 13,84m trên báo động 0,84m; Sông Gianh tại Mai Hóa 7,79m trên báo động 1,29m; tại Lệ Thủy 4,88m trên mức báo động III 2,18m; tại Đồng Hới 2,28m trên báo động III 0,28m. Trước tình hình mưa lũ, hiện các địa phương, các lực lượng chức năng từ tỉnh đến các thôn, bản cùng người dân tại địa phương đang tập trung cao độ cho công tác cứu hộ, cứu nạn nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe cho người dân vùng lũ lụt" – Chủ tịch Trần Công Thuật nhấn mạnh.

Quảng Bình, Hà Tĩnh: Lũ trên các sông tiếp tục dâng cao nhất trong lịch sử gần 40 năm qua - Ảnh 5.

Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn: Tỉnh Quảng Bình trong 24 giờ tới, lượng mưa phổ biến từ 50-400mm, có nơi trên 400mm. Trong 6 -12 giờ tới, lũ trên các sông có khả năng tiếp tục lên cao.

Tại Hà Tĩnh, mưa lớn xối xả cùng với các hồ đập xả tràn khiến nhiều địa phương ở Hà Tĩnh bị cô lập. Chính quyền địa phương đã sơ tán 7.183 hộ với 20.761 người. Theo thông tin từ Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, trong 6 giờ qua (từ 22h ngày 18/10 tới 4h ngày 19/10), Hà Tĩnh có mưa, mưa vừa đến mưa to, có nơi đặc biệt to, lượng mưa phổ biến từ 14 - 92mm. Riêng khu vực TP Hà Tĩnh có mưa đặc biệt to với lượng mưa từ 111 – 173mm.

Mưa to xối xả cùng với các hồ đập lớn như Kẻ Gỗ, Bộc Nguyên, Khe Xai, Tàu Voi, Thượng Sông Trí… đồng loạt xả tràn điều tiết lũ khiến nước lũ lên nhanh. Tới thời điểm hiện nay, nhiều xã ở Cẩm Xuyên, TP Hà Tĩnh, Hương Khê, Thạch Hà… đã bị cô lập. Các hộ gia đình phải di chuyển đồ lên cao tránh bị ngập nước.

Và để đảm bảo an toàn cho người dân, tới sáng 19/10, các địa phương của Hà Tĩnh đã sơ tán được 7.183 hộ với 20.761 người. Cụ thể, Cẩm Xuyên 4.365 hộ với 12.390 người tại các xã: Cẩm Duệ, Cẩm Mỹ, Cẩm Vịnh, Cẩm Thạch, Cẩm Thành, Cẩm Bình, Cẩm Hưng, Cẩm Lạc, Cẩm Lĩnh, Cẩm Sơn, Cẩm Quan, Cẩm Quang, Cẩm Lộc, Cẩm Hà, Cẩm Thịnh, Nam Phúc Thăng. Tại huyện Thạch Hà 2.200 hộ với 6.600 người tại các xã: Thạch Văn, Tân Lâm Hương, Thạch Đài, Đỉnh Bàn; TP Hà Tĩnh 167 hộ dân với 403 người trên 15 xã, phường; Nghi Xuân 94 hộ dân với 287 người tại xã Xuân Lam, Xuân Giang, Cương Gián, Xuân Lĩnh, Xuân Viên. Huyện Đức Thọ 8 hộ với 22 người các xã: Đức Lạng, Hòa Lạc, Kỳ Anh 292 hộ với 912 người các xã Kỳ Sơn, Kỳ Lạc, Kỳ Thượng, Lâm Hợp; Lộc Hà 45 hộ với 105 người các xã Hộ Độ, Thịnh Lộc, Tân Lộc, Hồng Lộc, Ích Hậu và Hương Khê 12 hộ với 42 người tại xã Điền Mỹ, Hương Liên, Hương Lâm, Lộc Yên.