Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Quảng Bình nâng cao hiệu quả phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về

Là một tỉnh thuộc khu vực Bắc Trung bộ, nơi có đường sắt, đường bộ tuyến Bắc – Nam đi qua, cùng với 138 km đường bờ biển, 201km đường biên giới tiếp giáp nước bạn Lào đã tạo điều kiện thuận lợi giao thương buôn bán, phát triển kinh tế - xã hội, nhất là dịch vụ du lịch của Quảng Bình và các tỉnh miền Trung. Tuy vậy, thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh, nhiều tệ nạn xã hội phức tạp nảy sinh, trong đó có tệ nạn mua bán người và đưa người di cư trái pháp luật.

Nhiều người có nguy cơ bị mua bán

Theo báo cáo, trong giai đoạn 2016 - 2020, số vụ mua bán người và số nạn nhân bị mua bán trên địa bàn tỉnh Quảng Bình tuy không nhiều nhưng có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp. Theo thống kê của Bộ đội Biên phòng tỉnh, có 252 trường hợp bị dụ dỗ vượt biên trái phép đi làm việc tại các cơ sở dịch vụ nhạy cảm, đi lao động thời vụ tại các nước (gồm: Trung Quốc, Đài Loan: 84 trường hợp, Lào: 56 trường hợp, Hàn Quốc: 06 trường hợp, Ôxtrâylia: 30 trường hợp…) và kết hôn có yếu tố nước ngoài (trong đó, có 30/63 trường hợp là người đồng bào dân tộc Bru Vân Kiều kết hôn không giá thú với người Lào, chưa đăng ký nhập quốc tịch và cư trú không ổn định ở cả hai bên biên giới, lúc ở Việt Nam, lúc ở Lào). Bên cạnh đó, số người di cư trái phép có nguy cơ bị mua bán cũng tăng cao, trong đó, 129 trường hợp sang Lào làm thuê; 120 người sang Anh trồng cây thuốc phiện bị trục xuất trở về; 300 phụ nữ hành nghề mại dâm và trẻ em bị lao động sớm. Đặc biệt, tháng 10/2019, trong vụ 39 nạn nhân bị chết trên xe container khi nhập cảnh trái phép vào Anh, riêng tỉnh Quảng Bình có 03 nạn nhân (thành phố Đồng Hới: 01 và Bố Trạch: 02), đã được đưa về Việt Nam và làm các thủ tục hỗ trợ.

Quảng Bình nâng cao hiệu quả phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về - Ảnh 1.

Ông Phạm Ngọc Sơn, Trưởng phòng PCTNXH và BĐG trình bày ý kiến tại Hội thảo đánh giá Dự án "Đấu tranh phòng, chống mua bán người và nô lệ thời hiện đại".

Về nguyên nhân, lợi dụng sự thiếu hiểu biết và nhu cầu việc làm của người dân, nhất là phụ nữ dân tộc thiểu số ở vùng núi, vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa muốn tìm kiếm việc làm, thu nhập cao ở các khu công nghiệp, khu đô thị trong nước và cả ở ngoài nước; các khu công nghiệp trong tỉnh chưa được đầu tư nhiều nên giải quyết việc làm tại chỗ cho người lao động còn hạn chế, nhiều thanh niên phải di chuyển sang các tỉnh khác hoặc đi ra nước ngoài để kiếm việc làm; các tuyến đường bộ, đường biển, nhất là cửa khẩu biên giới được khai thông mở rộng, tạo điều kiện thuận lợi cho tội phạm lợi dụng để đưa nạn nhân di chuyển bằng các phương tiện tàu thuyền, xe ô tô, đường mòn, lối mở... nhằm thực hiện các hoạt động mua bán người, di cư trái pháp luật.

Phân tích nguyên nhân dẫn tới việc di cư đến Vương quốc Anh, trong đó có nhóm người Việt Nam, Tiến sỹ Nguyễn Đình Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu con người, Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam chia sẻ, từ góc độ nghiên cứu, việc di cư trái phép ra nước ngoài phần lớn theo khung lý thuyết "kéo – đẩy". Từ "lực đẩy" nơi xuất phát và "lực kéo" của nơi đến đã giải thích cho động cơ và quyết định di cư của người dân. Bên cạnh đó, còn có những "khoảng trống" nhất định của chính sách quản lý di cư hiện nay. Đồng thời, hiện đã có sự thay đổi các giá trị truyền thống tốt đẹp, lâu đời tồn tại trong cộng đồng dân cư ở một số vùng miền như: giá trị cá nhân, gia đình và cộng đồng làng xóm.

Tập trung phòng ngừa và xây dựng mô hình tại cộng đồng

Với chức năng, nhiệm vụ được giao, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Quảng Bình tham mưu cho UBND tỉnh và phối hợp với các cơ quan chức năng xây dựng văn bản chỉ đạo, phối hợp liên ngành trao đổi thông tin về phòng, chống tệ nạn xã hội và phòng, chống mua bán người, tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về tái hòa nhập cộng đồng.

Trước hết, Sở chỉ đạo và tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho trên 1.700 lượt cán bộ LĐTBXH, Hội phụ nữ, Công an, Đoàn thanh niên của các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh; truyền thông nâng cao nhận thức cho trên 1.202 lượt người dân tại các địa bàn đã từng xảy ra các vụ mua bán người, di cư trái pháp luật; in và phát hành 110.500 tời rơi, 1.000 tờ áp phích, lắp đặt 02 cụm pano tuyên truyền về kiến thức, pháp luật về phòng, chống mua bán người; thông tin chế độ, chính sách hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về; quảng bá số điện thoại đường dây nóng phòng, chống mua bán người (Tổng đài Quốc gia 111); thực hiện 13 cuộc giám sát và lồng ghép giám sát với công tác phòng, chống mua bán người tại 08/8 huyện, thành phố.

Cùng với đó, tổ chức quản lý chặt chẽ công tác giới thiệu việc làm, đưa người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài, tuyển dụng người nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo quy định của pháp luật. Từ năm 2016 đến tháng 6/2020, toàn tỉnh đã có 13.672 người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Chỉ đạo Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh thực hiện chặt chẽ việc cho và nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài theo đúng quy trình của Luật Con nuôi nhằm phòng ngừa hành vi mua bán người (từ năm 2016 đến nay, có 05 trẻ em được nhận làm con nuôi theo đúng quy định của pháp luật, trong đó: 03 cháu là con nuôi có yếu tố nước ngoài và 02 cháu làm con nuôi người Việt Nam).

Bên cạnh đó, từ năm 2014 đến 2018, với sự hỗ trợ của Tổ chức Liên minh phòng, chống buôn bán người (AAT) và Đại sứ quán Anh tại Việt Nam, tỉnh Quảng Bình đã thực hiện thí điểm mô hình "Hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về hòa nhập cộng đồng". Kết quả, có 32 người (trong đó, có 10 nạn nhân bị mua bán trở về; 22 người có nguy cơ cao) được hưởng lợi từ Dự án thông qua việc tiếp nhận vốn sinh kế với số tiền là 10.000.000đ/người và giúp họ chủ động trong việc chăm sóc sức khỏe của bản thân. Ngoài ra, Bảo hiểm xã hội thành phố Đồng Hới hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế tự nguyện cho những người chưa có thẻ khám, chữa bệnh.

Tháng 3/2020, Tổ chức World Vision International tại Việt Nam cũng đã triển khai hỗ trợ Quảng Bình thực hiện Dự án "Đấu tranh phòng, chống mua bán người và nô lệ thời hiện đại" tại huyện Bố Trạch và thành phố Đồng Hới, với mục tiêu tiếp cận liên ngành nhằm thay đổi hành vi, tăng cường hỗ trợ tiếp cận pháp lý và tái hòa nhập cho nạn nhân bị mua bán; triển khai tập huấn về mô hình thăm hộ cho cán bộ công tác xã hội, cộng tác viên tại cộng đồng và Nhóm điều phối; thực hiện khảo sát, đánh giá đầu kỳ; tư vấn viên đường dây nóng và cán bộ trực, tư vấn qua điện thoại; hỗ trợ dựa trên hiểu biết về sang chấn cho nạn nhân mua bán người, người có nguy cơ cao là nạn nhân...

Từ năm 2018, Ban Chỉ đạo 138 tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng và địa phương xây dựng, tổ chức hoạt động 06 điểm tiếp nhận ban đầu cho nạn nhân bị mua bán trở về, tại các xã, phường: xã An Thủy; phường Quảng Thuận; xã Quảng Đông; thị trấn Quy Đạt, thị trấn Đồng Lê và Trung tâm Phục hồi chức năng Trẻ em xã Hiền Ninh; Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh; Trạm y tế Trung Trạch, đồng thời, hỗ trợ các trang thiết bị gồm: giường y tế, ghế gấp, chăn hè, màn, gối có ruột, nệm giường… sẵn sàng tiếp nhận, phục vụ nạn nhân lúc cần thiết. Theo đánh giá bước đầu, các mô hình triển khai đã tạo được sự đồng thuận cao của chính quyền địa phương, sự phấn khởi của cộng đồng và những gia đình có nạn nhân.

Kết quả chung, 100% các trường hợp được tiếp nhận, hoàn thiện thủ tục xác minh, xác định là nạn nhân bị mua bán; 100% nạn nhân và người thân thích có nhu cầu được bảo vệ an toàn theo quy định của pháp luật; 100% nạn nhân được hỗ trợ nhu cầu thiết yếu, hỗ trợ tâm lý, pháp lý theo quy định. Cụ thể, năm 2016, tiếp nhận, hỗ trợ 02 nạn nhân; năm 2019, tiếp nhận, phối hợp xác minh, hỗ trợ 02 nạn nhân từ Trung Quốc trở về và thực hiện các biện pháp hỗ trợ gia đình của 03 nạn nhân thiệt mạng tại Anh; 6 tháng đầu năm 2020, tiếp tục thực hiện các biện pháp bảo vệ nạn nhân, gia đình nạn nhân.

Trao đổi về kế hoạch, nhiệm vụ thời gian tới, đại diện lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH Quảng Bình cho biết, giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh phấn đấu 100% tổ, bản, thôn xóm thực hiện định kỳ thông tin, truyền thông về công tác phòng, chống mua bán người, các chính sách, chế độ hỗ trợ nạn nhân, thông qua hệ thống loa phát thanh cơ sở, trong đó, chú trọng kiến thức, kỹ năng cho nhóm người có nguy cơ cao như học sinh, sinh viên, người lao động chưa có việc làm..., nhằm đảm bảo việc di cư an toàn; Phối hợp với Công an, Bộ đội Biên phòng và chính quyền địa phương làm tốt công tác quản lý khu vực biên giới, kịp thời điều tra xác minh, ngăn chặn, xử lý các vụ việc liên quan tới mua bán người và đưa người di cư trái pháp luật; Thực hiện lồng ghép công tác dạy nghề, tạo việc làm phù hợp cho 100% nạn nhân bị mua bán trở về với các chương trình kinh tế - xã hội của địa phương; Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn nâng cao kỹ năng, năng lực cho 100% cán bộ trực tiếp làm công tác phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về ở các cấp; Xây dựng các mô hình tại cộng đồng của 08/8 huyện, thị xã và thành phố để hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về.