Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Quảng Nam hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo đang hưởng chính sách người có công và đối tượng bảo trợ xã hội

Kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ cải thiện mức sống cho một số đối tượng thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo đang hưởng chính sách người có công với cách mạng và đối tượng bảo trợ xã hội diện hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Quảng Nam khoảng 27 tỷ đồng/năm, do ngân sách tỉnh đảm bảo.

Tỉnh Quảng Nam hỗ trợ cải thiện mức sống hộ nghèo, hộ cận nghèo đang hưởng chính sách người có công với cách mạng và đối tượng bảo trợ xã hội thuộc diện hộ nghèo.

Tỉnh Quảng Nam hỗ trợ cải thiện mức sống hộ nghèo, hộ cận nghèo đang hưởng chính sách người có công với cách mạng và đối tượng bảo trợ xã hội thuộc diện hộ nghèo.

Chính sách hỗ trợ cải thiện mức sống cho một số đối tượng thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo đang hưởng chính sách người có công với cách mạng và đối tượng bảo trợ xã hội thuộc diện hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Quảng Nam vừa được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua.

Theo đó, đối tượng áp dụng là người có công với cách mạng thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo đang hưởng các mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công hằng tháng thấp hơn ngưỡng trên của mức sống trung bình từng khu vực theo quy định của Chính phủ.

Người cao tuổi quy định tại khoản 5 Điều 5 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội và điểm đ khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 43/2021/NQ-HĐND ngày 8/12/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định mức chuẩn trợ giúp xã hội, mức trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội và các đối tượng khó khăn khác trên địa bàn tỉnh, thuộc diện hộ nghèo không có khả năng lao động, gồm: Người cao tuổi thuộc diện hộ nghèo, không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng hoặc có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng nhưng người này đang hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng; người cao tuổi từ đủ 75 đến 80 tuổi thuộc diện hộ nghèo nhưng không thuộc diện quy định tại điểm a khoản 2 Điều này; người từ đủ 80 tuổi trở lên thuộc diện hộ nghèo nhưng không thuộc diện quy định tại điểm a khoản 2 Điều này mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng, trợ cấp xã hội hằng tháng; người cao tuổi thuộc diện hộ nghèo, không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng, không có điều kiện sống ở cộng đồng, đủ điều kiện tiếp nhận vào cơ sở trợ giúp xã hội nhưng có người nhận nuôi dưỡng, chăm sóc tại cộng đồng.

Người khuyết tật nặng, đặc biệt nặng theo quy định tại khoản 6 Điều 5 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP, thuộc diện hộ nghèo không có khả năng lao động.

Trẻ em dưới 16 tuổi không có nguồn nuôi dưỡng theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP, thuộc diện hộ nghèo không có khả năng lao động; trẻ em dưới 3 tuổi thuộc diện hộ nghèo không có khả năng lao động cư trú tại địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn quy định tại khoản 7 Điều 5 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP; trẻ em nhiễm HIV/AIDS thuộc diện hộ nghèo không có khả năng lao động theo quy định tại khoản 3 Điều 5 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP.

Tỉnh Quảng Nam cũng thực hiện chính sách hỗ trợ đối với người nhiễm HIV/AIDS thuộc diện hộ nghèo không có khả năng lao động, không có nguồn thu nhập ổn định hằng tháng như tiền lương, tiền công, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp xã hội hằng tháng quy định tại khoản 8 Điều 5 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP.

Kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ cải thiện mức sống cho một số đối tượng thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo đang hưởng chính sách người có công với cách mạng và đối tượng bảo trợ xã hội thuộc diện hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Quảng Nam khoảng 27 tỷ đồng/năm, do ngân sách tỉnh đảm bảo.