Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Quảng Nam: Ngư dân gặp khó với “tàu 67”

Ngư cụ lạc hậu, tàu xuống cấp nhưng không có kinh phí để sửa chữa, lên đà, nhiều ngư dân tham gia Dự án đóng mới tàu vỏ thép để đánh bắt hải sản xa bờ theo Nghị định 67 của Chính phủ ở huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam đang lâm vào cảnh nợ nần, khó khăn chồng chất, khi khối tài sản hàng chục tỷ đồng ngày ngày phơi nắng phơi sương, không thể vươn khơi, bám biển.

Nhiều khó khăn…

Hơn chục năm làm nghề biển, anh Đỗ Văn Tiến (trú thôn Trà Đông, xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam), chủ tàu QNa 93455 chưa bao giờ nghĩ, gia đình mình lại có ngày "sở hữu" số nợ khổng lồ mà không biết trông chờ vào đâu để trả, cuộc sống thì chồng chất những khó khăn.

Quảng Nam: Ngư dân gặp khó với “tàu 67” - Ảnh 1.

Tàu QNa 93789 của anh Phạm Hiên (áo phông trắng) nằm bờ hơn một năm nay xuống cấp nặng nề.

Sống bằng nghề đi biển, trước đây, gia đình anh Tiến mưu sinh bằng tàu gỗ, cuộc sống tuy vất vả nhưng có đồng ra đồng vào. Hơn 3 năm nay, cũng như nhiều ngư dân ở địa phương, được Nhà nước hỗ trợ, anh Tiến hăng hái đóng mới tàu vỏ thép để đánh bắt hải sản xa bờ theo Nghị định 67. Được nhà nước hỗ trợ cho vay 15,3 tỷ đồng, anh tích góp, vay mượn thêm 1,5 tỷ đồng, con tàu đóng mới tưởng rằng sẽ giúp anh yên tâm vươn khơi bám biển.

Thế nhưng, không như kỳ vọng, hoạt động chưa đầy hai năm, tàu của anh Tiến đã phải nằm bờ vì ngư lưới cụ lạc hậu, không phù hợp với điều kiện đánh bắt. Tàu thì ngày càng xuống cấp mà không có kinh phí để sửa chữa, lên đà.

"Tàu dự án theo thiết kế được trang bị lưới cụ có mắt lưới lớn để khai thác cá có kích cỡ lớn, tuy nhiên nguồn cá lớn khan hiếm nên không khai thác được. Muốn chuyển đổi sang lưới có kích cỡ mắt lưới nhỏ hơn thì không có kinh phí để đầu tư vì hiện giờ ngân hàng không cho vay nữa." – anh Tiến nói.

Quảng Nam: Ngư dân gặp khó với “tàu 67” - Ảnh 2.

Tàu nằm bờ, các ngư cụ cũng được các ngư dân chuyển lên bờ.

Cùng chung cảnh ngộ, anh Phạm Hiên - chủ tàu QNa 93789, trú thôn Trà Đông, xã Duy Vinh (huyện Duy Xuyên) cho biết, tàu của anh đã nằm bờ hơn 1 năm nay, không hoạt động nên rỉ sét, xuống cấp nặng nề. Nhìn khối tài sản hàng chục tỷ đồng nằm phơi nắng phơi sương, anh Hiên cho biết, không có cách nào để giải quyết nếu không có vốn, gia đình anh cũng đang đứng trước bờ vực của sự bế tắc. Bởi, không chỉ vấn đề ngư lưới cụ mà tàu vỏ thép công suất máy lớn nên tiêu hao nhiên liệu hơn rất nhiều so với tàu gỗ, trong khi đó hiệu quả khai thác thấp, dẫn đến mỗi chuyến đi biển về đều bị thua lỗ.

"Năm đầu khi mới nhận tàu thì mỗi chuyến biển trung bình tiêu hao khoảng 50 triệu đồng tiền nhiên liệu, tuy nhiên thời gian sau, đội lên đến hơn 70 triệu đồng. Tiền nhiên liệu cao, trừ mọi chi phí, mỗi chuyến biển còn lại chẳng đáng bao nhiêu, thậm chí lỗ." – anh Hiên cho biết.

Đáng nói, chi phí cho mỗi chuyến đi biển lớn, trong khi đánh bắt không hiệu quả nên việc tìm lao động tham gia đánh bắt hải sản của các chủ tàu cũng là cả một quá trình gian nan. Hầu hết lao động không mặn mà với nghề đi biển. Nhiều lao động trẻ đã chuyển sang ngành nghề khác cho thu nhập cao hơn. Còn lao động lớn tuổi thì không đảm bảo sức khỏe để đánh bắt xa bờ dài ngày trên biển.

"Mỗi chuyến biển đi từ 10 -15 ngày, cần 10 lao động, thế nhưng kiếm không đâu ra bạn tàu. Có chuyến chỉ tìm được vài ba người, đành phải hủy vì không có lao động." – anh Đỗ Văn Tiến cho biết. Thực tế, điều này cũng dễ hiểu, bởi theo anh Phạm Hiên, mỗi chuyến đi biển kéo dài hàng chục ngày, nhưng số tiền chia cho bạn tàu chỉ hơn 3 triệu đồng/ chuyến, trong khi đó công việc lại vất vả và nhiều rủi ro.

…lời giải nào cho bài toán mưu sinh, trả nợ

Ông Nguyễn Sáu – Chủ tịch UBND xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên cho biết, trên địa bàn xã hiện có 4 tàu cá đóng mới theo Nghị định 67. Từ khi hoàn thành việc đóng mới và đưa vào đánh bắt hải sản đến nay, các chủ tàu cá trên địa bàn luôn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Hiện 4 tàu này chủ yếu đều đang nằm bờ, không hoạt động.

Quảng Nam: Ngư dân gặp khó với “tàu 67” - Ảnh 4.

Ông Đỗ Văn Tiến - chủ tàu QNa 93455 không biết trông vào đâu để có tiền trả lãi và nợ gốc ngân hàng theo kỳ hạn.

Theo đó, bên cạnh những khó khăn mang tính khách quan như: sự khan hiếm lao động đi biển, ngư cụ chưa phù hợp,… lãnh đạo xã Duy Vinh cũng cho biết, cơ chế, chính sách khi thực hiện dự án cũng gây ra những khó khăn cho ngư dân.

Cụ thể, các chủ tàu chưa được hoàn thuế VAT sau khi hoàn thành đóng mới tàu; về phí bảo hiểm thân tàu, theo dự án chủ tàu sẽ được hỗ trợ 90% phí bảo hiểm thân tàu hàng năm nhưng thực tế chỉ được hỗ trợ 50%; về máy phát điện trên tàu, ban đầu dự toán mua máy phát điện trị giá 120 triệu đồng, song sau đó buộc phải đầu tư máy mới với giá tiền 670 triệu đồng nên đã tăng chi phí đầu tư. Đặc biệt, theo dự án, tàu được hỗ trợ duy tu, bảo dưỡng thân tàu hàng năm nhưng trên thực tế không được hưởng chính sách này nên các tàu đều hư hỏng và xuống cấp nhanh chóng.

Không thể vươn khơi bám biển, bao nhiêu vốn liếng gia đình, thậm chí vay mượn của bà con, hàng xóm để cùng với số tiền Nhà nước hỗ trợ cho vay đóng mới tàu vỏ thép, giờ lại bị mắc kẹt ở con tàu trị giá hàng chục tỷ đồng đang nằm bờ, không hoạt động, ngày càng hư hỏng.

Một số chủ tàu vì cuộc sống mưa sinh đã đi làm thuê cho tàu bạn, số khác góp vốn với nhau đóng tàu gỗ nhỏ, đánh bắt gần bờ để duy trì cuộc sống, trong khi số nợ "khủng" vẫn lơ lửng trên đầu chưa biết trông chờ vào đâu để trả.

Ông Lê Trung Cường – Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên cho biết: Trên địa bàn huyện hiện có 9 tàu cá của ngư dân được đóng mới tàu vỏ thép theo Nghị định 67 với mục tiêu vừa đánh bắt xa bờ, vừa bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia. Tuy nhiên, sau thời gian hoạt động, phần lớn các tàu đều hoạt động không hiệu quả, hoặc hoạt động cầm chừng, một số khác phải nằm bờ không vươn khơi do khan hiếm lao động đi biển, ngư trường khan hiếm, trong khi ngư lưới cụ lạc hậu, chưa phù hợp.

Số tiền đầu tư đóng mới tàu sắt theo Nghị định 67 rất lớn, việc các tàu thường xuyên nằm bờ dẫn đến một mặt là không có tiền để trả lãi và nợ gốc theo đúng kỳ hạn; mặt khác tàu nằm bờ thường xuyên không có tiền để duy tu, bảo dưỡng nên con tàu ngày càng hư hỏng, xuống cấp nhanh. Tính đến nay, mỗi tàu còn nợ ngân hàng hơn 14 tỷ đồng, và cứ theo tình trạng này thì khó có khả năng trả nợ.

Ông Lê Trung Cường - Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.

Cũng theo ông Cường, trước thực tế này, huyện cũng đã đề nghị với các cấp, ngành chức năng của tỉnh Quảng Nam để có hướng tháo gỡ khó khăn cho ngư dân như hỗ trợ về điều kiện đánh bắt (đi kèm với tàu phải có dụng cụ đánh bắt); hỗ trợ về nguồn vốn để các chủ tàu sửa chữa. Đồng thời, có giải pháp tháo gỡ để ngân hàng giãn nợ, khoanh nợ, giúp người dân có thể yên tâm tiếp tục ra khơi, bám biển.