Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Quảng Nam xây dựng và phát triển chương trình sinh kế cho người dân vùng đệm rừng đặc dụng

Chương trình Đầu tư, phát triển vùng đệm tại các khu rừng đặc dụng và sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp tại các cộng đồng giáp các khu rừng phòng hộ trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đến năm 2025 vừa được UBND tỉnh ban hành.

Chương trình sẽ hỗ trợ người dân về chăn nuôi, trồng trọt; khai thác lâm sản tự nhiên; phát triển, bảo vệ và sử dụng rừng...

Chương trình sẽ hỗ trợ người dân về chăn nuôi, trồng trọt; khai thác lâm sản tự nhiên; phát triển, bảo vệ và sử dụng rừng...

Theo đó, chương trình đề ra mục tiêu, năm 2022, mỗi địa phương, Ban quản lý rừng xây dựng và triển khai tối thiểu 1 mô hình, dự án phát triển sinh kế cho mỗi xã tại vùng đệm các khu rừng đặc dụng, phòng hộ trên địa bàn tỉnh; tổ chức sơ kết rút kinh nghiệm.

Hàng năm tiếp tục phát triển và nhân rộng các mô hình, dự án sinh kế; đến năm 2025, tất cả các địa phương, Ban quản lý rừng có ít nhất từ 2 - 3 mô hình, dự án sinh kế bền vững cho mỗi xã. Đồng thời, tổ chức triển khai, duy trì và phát triển các mô hình, dự án đạt hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập bình quân của người dân miền núi đến năm 2025 đạt 26,3 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 18,09%. Từng bước giảm thiểu tác động bất lợi, tăng cường áp dụng phương thức khai thác tài nguyên rừng bền vững, giảm phát thải; góp phần đưa độ che phủ rừng đến năm 2025 của tỉnh là 61% và 9 huyện miền núi là 69%.

Chương trình sẽ triển khai hỗ trợ người dân sinh sống tại vùng đệm rừng đặc dụng và vùng giáp ranh rừng phòng hộ một số nội dung cụ thể như hỗ trợ về chăn nuôi, trồng trọt; khai thác lâm sản tự nhiên; phát triển, bảo vệ và sử dụng rừng; phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp và hoạt động du lịch, dịch vụ du lịch…

Chương trình Đầu tư, phát triển vùng đệm tại các khu rừng đặc dụng và sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp tại các cộng đồng giáp các khu rừng phòng hộ trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đến năm 2025 nhằm đưa các xã thuộc vùng này phát triển toàn diện về kinh tế - xã hội; đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần của Nhân dân được nâng lên, đảm bảo quốc phòng an ninh và trật tự xã hội. Qua đó, nâng cao nhận thức cộng đồng vùng đệm trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản thiên nhiên, văn hóa phi vật thể của cộng đồng các dân tộc thiểu số miền núi. Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại; phát triển nguồn lực đáp ứng được yêu cầu phát triển; bảo vệ tốt môi trường sinh thái vùng đệm và các giá trị bảo tồn tài nguyên thiên nhiên vùng lõi.