Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Quảng Ngãi: Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm

(Dân sinh) - Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ XIX đã đặt ra nhiệm vụ đột phá là: “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tập trung đào tạo nghề và giải quyết việc làm”. Dưới đây là trích bài tham luận của đồng chí Lương Kim Sơn, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH trình bày tại Đại hội Đảng bộ lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025.

Dân số trung bình của tỉnh Quảng Ngãi khoảng 1.231,9 nghìn người. Lực lượng lao động tham gia hoạt động kinh tế gần 741,2 nghìn người (chiếm 60,16% dân số), trong đó nữ chiếm khoảng 60%; tỷ lệ lao động đã qua đào tạo là 58,42% (năm 2015 là 47,45%), trong đó có bằng, chứng chỉ là 22,18% (năm 2015 là 17,45%).

Bình quân số lao động có việc làm tăng thêm là 7.896 người/năm. Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị là 3,5%. Tỷ lệ lao động trong ngành nông nghiệp là 45,58%. Hàng năm, khoảng 60-70 nghìn lao động từ 15 tuổi trở lên chuyển đi các tỉnh, thành để làm việc và học tập (chiếm khoảng 75,8% số người chuyển đi), nhất là TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Trong nhiệm kỳ qua, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, tỉnh Quảng Ngãi đã chủ động đáp ứng tốt nhất nhu cầu nhân lực cho nền kinh tế, nhất là cung ứng lao động cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư tại Khu Kinh tế Dung Quất, Khu Công nghiệp VSIP Quảng Ngãi, các Khu Công nghiệp của tỉnh. Điển hình là dự án thép Hòa Phát - Dung Quất trong 3 năm (từ 2017 đến tháng 10/2020) đã tuyển dụng 9.941 người, trong đó lao động Quảng Ngãi 7.798 người, chiếm 78,5%.

Gắn kết với doanh nghiệp được xác định là khâu đột phá để đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN. Nhiều hoạt động gắn kết với doanh nghiệp đã được triển khai. Cơ chế phối hợp ba bên: Nhà nước - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp đang bắt đầu hình thành và vận hành tốt trong thực tiễn. Nhiều doanh nghiệp chủ động cho sinh viên thực tập trực tiếp trên dây chuyền sản xuất; quá trình thực tập, các doanh nghiệp hỗ trợ tiền ăn, kinh phí vật tư cho sinh viên.

Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi - Ảnh 1.

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi nhiệm kỳ 2020-2025.

Để thu hút, tuyển dụng lao động, một số doanh nghiệp đã chủ động đặt hàng, phối hợp với các cơ sở GDNN để tuyển sinh, hỗ trợ đào tạo và thực hiện nhiều chính sách ưu đãi đối với người học. Việc hợp tác với doanh nghiệp trong quá trình đào tạo nghề được thực hiện hầu hết tại các cơ sở GDNN. Theo thống kê, số HSSV tốt nghiệp trình độ cao đẳng, trung cấp có việc làm ngay với mức lương khởi điểm bình quân từ 5,5-6,0 triệu đồng/tháng. Một số ngành, nghề có mức lương khá cao như: Điện, hàn, bảo trì hệ thống thiết bị cơ khí... với mức lương từ 10-15 triệu đồng/tháng. Việc gắn kết đào tạo nghề với doanh nghiệp đã góp phần lớn giải quyết việc làm và cung ứng lao động cho doanh nghiệp, nhà đầu tư tại Khu Kinh tế Dung Quất, Khu Công nghiệp VSIP, các Khu Công nghiệp của tỉnh... góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, xây dựng nông thôn mới. 

Xác định phát triển nguồn nhân lực, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm là nhiệm vụ trọng tâm của Quảng Ngãi trong giai đoạn tiếp theo. Đây được xem là một trong những nhân tố quan trọng, là lợi thế cạnh tranh, nâng cao năng suất lao động, thu hút đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Vì vậy, công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cần tập trung mạnh vào các ngành nghề đào tạo phục vụ phát triển công nghiệp, cơ khí, điện năng, luyện kim, xây dựng, công nghiệp chế biến nông-lâm-thủy sản, dệt may, điện tử, du lịch, quản trị, logistics, nông nghiệp chất lượng cao… nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực cho các dự án lớn, tạo đột phát phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, trong đó cho Khu Kinh tế Dung Quất và các Khu Công nghiệp của tỉnh, Khu Công nghiệp VSIP là trụ cột trung tâm, mặt khác quan tâm đến các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh vừa và nhỏ. 

Trong đó, tập trung thay đổi cách thức đào tạo theo hướng chủ động mở ra các kênh tiếp xúc với nhà đầu tư, doanh nghiệp để phân loại và xây dựng hệ thống thông tin về nhu cầu chất lượng nguồn nhân lực theo từng nhóm các nhà đầu tư và liên tục cập nhật, thay đổi theo xu thế đầu tư và phát triển theo công nghệ của thế giới.