Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Quảng Ninh: Gắn phát triển kinh tế với an sinh xã hội

Những năm qua, tỉnh Quảng Ninh luôn quan tâm gắn kết chặt chẽ giữa các mục tiêu tăng trưởng kinh tế với đảm bảo an sinh, phúc lợi, tiến bộ và công bằng xã hội; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân tiếp tục được cải thiện và nâng cao, nhất là tại các khu vực đặc biệt khó khăn, nông thôn, miền núi, biên giới, biển đảo.

Theo đó, công tác bảo trợ xã hội, chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới được đặt ở vị trí ưu tiên và ngày càng được quan tâm, sâu sát, đã đạt được những bước tiến mới, kết quả quan trọng.

Theo đó, việc thực hiện chế độ, chính sách bảo trợ xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng quy định. Tỉnh tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 21/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội và các đối tượng khó khăn khác trên địa bàn tỉnh; sửa đổi, bổ sung thay thế bằng Nghị quyết số 08/2022/NQ-HĐND ngày 09/12/2022 của HĐND tỉnh với các chính sách đặc thù, riêng có của tỉnh Quảng Ninh như: Nâng mức trợ cấp xã hội: Mức chuẩn trợ cấp ngoài cộng đồng là  500.000 đ/tháng; mức chuẩn trợ cấp xã hội cho các đối tượng đang được nuôi dưỡng, chăm sóc tại Cơ sở trợ giúp xã hội là 650.000 đồng/tháng. Nâng mức hưởng trợ cấp xã hội cho đối tượng bảo trợ xã hội thuộc hộ nghèo không có khả năng lao động lên bằng mức chuẩn nghèo (chiều thu nhập - quy định tại Nghị định 07/2021/NĐ-CP). Bổ sung thêm 02 nhóm đối tượng là Người cao tuổi từ 70 đến dưới 80 tuổi được hưởng trợ giúp xã hội. Tổng kinh phí thực hiện bảo trợ xã hội năm 2022 là hơn 325 tỷ đồng.

Trẻ em tham gia Diễn đàn trẻ em.

Trẻ em tham gia Diễn đàn trẻ em.

Bên cạnh đó, thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, trong năm 2022 thực hiện hỗ trợ cho 500.277 người lao động và 6.400 người sử dụng lao động với tổng số tiền là 174 tỷ đồng. Qua đó đã góp phần ổn định xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nói chung, đối tượng BTXH nói riêng ổn định cuộc sống, giúp các hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững.

Đối với công tác trẻ em, tỉnh Quảng Ninh quan tâm chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 20 ngày 05/11/2012 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới, Nghị quyết số 121/2020/QH14 ngày 09/6/2020 của Quốc hội về tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em và các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về BVCSGD trẻ em giai đoạn 2021-2025 và đến năm 2030.

Trong năm 2022, có 6.141 lượt trẻ hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được hỗ trợ với tổng số tiền trên 30 tỷ đồng; trẻ em các cấp học mầm non và HSSV hệ công lập, tư thục được hỗ trợ học phí khoảng 400 tỷ đồng. Các mục tiêu vì trẻ em trong chương trình hành động quốc gia vì trẻ em (24 chỉ tiêu) đều đạt và vượt kế hoạch năm đề ra; cơ sở vật chất, nhân lực được đầu tư đảm bảo thực hiện quyền trẻ em và sự tiếp cận của trẻ em nhằm phát triển toàn diện. Trẻ em bị xâm hại, đuối nước, trẻ em vi phạm pháp luật giảm so với năm 2021. Tỷ lệ trẻ em được tiêm chủng phòng chống Covid-19 đạt cao: trẻ từ 5- 12 tuổi tiêm 2 mũi vắc xin đạt 82,38%; trẻ từ 12-18 tuổi tiêm 3 mũi đạt 92,18%. Toàn tỉnh tổ chức 205 diễn đàn trẻ em nói về phòng chống xâm hại, bạo lực trẻ em. Công tác truyền thông về bảo vệ trẻ em, nâng cao năng lực cho cán bộ các cấp, các cơ sở giáo dục, cán bộ thôn, khu, bản được tăng cường.

Thực hiện có hiệu quả Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới (BĐG), Chương trình phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, Chương trình truyền thông về BĐG, Chương trình “Tăng cường sự tham gia bình đẳng của phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo và quản lý ở các cấp hoạch định chính sách giai đoạn 2021-2030. Năm 2022, các mục tiêu về bình đẳng giới có sự chuyển biến rõ nét và tích cực, nhất là chỉ tiêu về sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị, giáo dục đào tạo, y tế, giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới.

Ngân sách của tỉnh bố trí thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới là 4,83 tỷ đồng. Tỷ lệ phụ nữ tham gia cấp ủy cơ sở nhiệm kỳ 2020-2025 đạt 29,3% (mục tiêu Trung ương là 15%), Cấp huyện: 22 %; Cấp tỉnh: 16,98%. Tỷ lệ nữ đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 vượt chỉ tiêu 30%: Cấp tỉnh đạt 40,91%; cấp huyện đạt 34,05%; cấp xã đạt 36,39%. Lao động nữ đang làm việc chiếm đến 45,33% lực lượng lao động. Đặc biệt trong các KCN lực lượng lao động nữ chiếm tới 61,4%. Tuyển sinh đào tạo nghề nghiệp cho 39.170 người, đạt 101,7% kế hoạch, tỷ lệ nữ học viên, sinh viên được tuyển mới thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp chiếm trên 30%. Tỷ lệ nữ thạc sỹ trong tổng số người có trình độ thạc sĩ đạt 52,69%. Toàn tỉnh duy trì 135 mô hình về bình đẳng giới và gia đình, 884 CLB phụ nữ phát triển, 177 CLB “Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh”.