Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Quảng Ninh: Hiệu quả tích cực từ các mô hình hỗ trợ người bán dâm

(Dân sinh) - Theo số liệu của lực lượng chức năng, đến cuối năm 2018, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có tổng số 13/23 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự với tổng số 3.083 cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm theo quy định của Nhà nước; trong đó, nghi vấn 72 cơ sở hoạt động mại dâm với 159 đối tượng hoạt động mại dâm, gồm: 38 chủ chứa, 12 môi giới; 109 gái bán dâm.

Quảng Ninh: Hiệu quả tích cực từ các mô hình hỗ trợ người bán dâm  - Ảnh 1.

72 cơ sở nghi vấn hoạt động mại dâm tại Quảng Ninh (ảnh minh họa)

Để tăng cường hiệu quả công tác phòng chống tệ nạn mại dâm, đồng thời giảm hại do hoạt động mại dâm ảnh hưởng đối với cộng đồng, xã hội, tỉnh Quảng Ninh đã thí điểm và duy trì triển khai một số mô hình và đã thu được những kết quả tích cực, như Mô hình thực hiện kết hợp các biện pháp can thiệp giảm hại về HIV/AIDS và hỗ trợ sinh kế cho người bán dâm; Mô hình đảm bảo quyền của người lao động (người bán dâm) trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm trên địa bàn thành phố Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí, do Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội triển khai.

Mô hình cung cấp dịch vụ công tác xã hội do Trung tâm công tác xã hội triển khai đã tư vấn cho 100 người nghi tham gia hoạt động mại dâm về bạo lực giới, cách ứng phó và tìm kiếm sự trợ giúp trong trường hợp khẩn cấp, các bệnh truyền qua đường tình dục; tổ chức tập huấn về tư vấn chăm sóc sức khỏe cho 105 người bán dâm; khảo sát nhu cầu học nghề của 30 người bán dâm, 50 cơ sở kinh doanh và kết nối cho 05 người học nghề tại 02 cơ sở...

Một trong những mô hình phòng ngừa, can thiệp, giảm hại trong phòng chống mại dâm hoạt động hiệu quả phải kể đến là nhóm Hạ Long Xanh. Được thành lập vào năm 2011, với 7 thành viên, đến nay, họ đã trở thành những người bạn tin cậy đối với các chị em hành nghề mại dâm trên địa bàn thành phố Hạ Long.

Chị Nguyễn Thị Thanh Thùy, Trưởng nhóm Hạ Long Xanh cho biết, thời gian qua, chúng tôi đã tiến hành khảo sát tại một số cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm có nguy cơ cao trên địa bàn thành phố Hạ Long để nắm bắt được nhu cầu và vấn đề của chị em gặp phải. Có khoảng tầm 500 đến 700 chị em làm việc trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm trên địa bàn. Do các chị em là những người có hoàn cảnh khó khăn và học thức thấp dẫn đến tình trạng không hiểu biết về các kiến thức để tự bảo vệ bản thân.

Công việc thường ngày của nhóm là tiếp cận, thâm nhập các "điểm nóng", các tụ điểm vui chơi, kinh doanh giải trí... để tuyên truyền cho các đối tượng có nguy cơ về cách sử dụng bao cao su (BCS) đúng cách, bệnh lây truyền qua đường tình dục, cấp bao cao su, kiến thức về HIV, khám sức khỏe định kỳ...

Quảng Ninh: Hiệu quả tích cực từ các mô hình hỗ trợ người bán dâm  - Ảnh 3.

Các tình nguyện viên phát bao cao su miễn phí cho người dân (ảnh mh)

"Ban đầu tham gia nhóm, việc tiếp cận rất khó khăn, đôi khi còn bị chủ quán, các đối tượng đe dọa, uy hiếp. Dần dần với những lợi ích đem lại từ kiến thức tuyên truyền, chủ quán và các đối tượng cũng đồng thuận. Qua việc trò chuyện, trao đổi hằng ngày đã góp phần làm thay đổi hành vi, suy nghĩ của các đối tượng, giúp cộng đồng giảm nguy cơ lây nhiễm HIV qua những đối tượng có nguy cơ cao" - Chị Thuỳ chia sẻ.

Hàng năm, nhóm đã tiếp cận được từ 1.000 đến 2.500 lượt chị em khách hàng để tư vấn và cung cấp các dịch vụ. Nhóm có tổ chức họp giao ban hàng tháng để phân chia công việc cho từng thành viên và trao đổi với nhau về công việc, song song đó nhóm cũng tổ chức các buổi truyền thông cho chị em khách hàng để các chị nắm được các kiến thức về HIV, bạo lực tình dục…

Năm 2018, nhóm Hạ Long Xanh đã tiếp cận được 2.500 lượt chị em để hỗ trợ tư vấn về tình dục an toàn và kết hợp huy động nguồn kinh phí địa phương cung cấp 1.000 bao cao su; Tổ chức 12 buổi sinh hoạt nhóm tại cộng đồng với gần 1.200 lượt người tham gia dưới sự hướng dẫn của Chi Cục Phòng chống tệ nạn xã hội ; Chuyển gửi 60 khách hàng đi khám STI (bệnh lây truyền qua đường tình dục) từ nguồn hỗ trợ của Chi Cục Phòng chống tệ nạn xã hội, trong đó, có 37 khách hàng mắc các bệnh về STI và đã được nhóm xin hỗ trợ từ nguồn của Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng (SCDI) để điều trị, với tổng số tiền là 11 triệu đồng; Chuyển gửi 240 khách hàng được nhận dịch vụ VCT, trong đó phát hiện ra 10 ca dương tính với HIV và nhóm đã chuyển gửi được 7 ca đi điều trị ARV.

Nhóm được cử đại diện tham gia các lớp tập huấn về vận động chính sách, kỹ năng tiếp cận, kiến thức liên quan đến bệnh lây truyền qua đường tình dục, bạo lực giới tại các địa phương khác nhau do các tổ chức cộng đồng tài trợ.

Trong năm 2018 nhóm đã được tổ chức SCDI và Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS cùng Trung tâm nghiên cứu Y tế cộng đồng tổ chức các buổi tập huấn tại địa phương về kỹ thuật xét nghiệm HIV bằng phương pháp lấy máu đầu ngón tay và nhóm đã có 6 thành viên được cấp chứng chỉ để làm hoạt động này. Trong ba năm qua, nhóm đã đề xuất hỗ trợ sinh kế, giúp hơn 20 chị em được hỗ trợ vốn để mở các quán cắt tóc, gội đầu, tạp hóa, quán nước… từng bước chuyển đổi sinh kế. Hiện các chị em vẫn đang duy trì công việc được hỗ trợ và đang dần ổn định thu nhập, nên đã giảm tần suất hoạt động đi nhiều.

Có thể thấy, hoạt động hiệu quả của các mô hình thí điểm bước đầu tạo điều kiện thuận lợi cho người bán dâm được dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ can thiệp dự phòng, khám và điều trị HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Giúp đỡ người bán dâm giảm các tổn thương do bị lừa gạt, bạo lực bóc lột tình dục và hỗ trợ người bán dâm thay đổi nghề nghiệp, từng bước ổn định cuộc sống.