Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Quảng Ninh nâng cao hiệu quả truyền thông về phòng chống mua bán phụ nữ và trẻ em

(Dân sinh) - Là tỉnh có đường biên giới dài cả trên bộ và trên biển, Quảng Ninh thường được các đối tượng lợi dụng làm địa bàn trung chuyển để thực hiện hành vi đưa, hoặc lừa bán người sang Trung Quốc. Chính vì vậy, tỉnh đã đặc biệt quan tâm đến công tác truyền thông, nâng cao nhận thức nhằm phòng, chống mua bán người, nhất là đối với phụ nữ và trẻ em.

Theo Công an tỉnh Quảng Ninh, từ năm 2016-2021, trên địa bàn tỉnh có tổng cộng 25 vụ án, 47 bị can phạm tội mua bán người. Các lực lượng chức năng đã kịp thời ngăn chặn, giải cứu cho 35 nạn nhân trong các vụ án, trong đó, nạn nhân là phụ nữ và trẻ em dưới 16 tuổi là 32 người, chiếm tỷ lệ hơn 91%. Riêng năm 2021, các lực lượng chức năng trong tỉnh đã phát hiện, khởi tố điều tra 2 vụ/4 đối tượng phạm tội "Mua bán người dưới 16 tuổi", qua đó giải cứu 2 nạn nhân đều là trẻ sơ sinh (1 bé được đưa đến từ TP Hồ Chí Minh, 1 bé được đưa đến từ Hà Nội).

Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh bắt giữ ba đối tượng có hành vi mua bán trẻ em tại thị trấn Bình Liêu, huyện Bình Liêu (ngày 18/3/2021)

Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh bắt giữ ba đối tượng có hành vi mua bán trẻ em tại thị trấn Bình Liêu, huyện Bình Liêu (ngày 18/3/2021)

Thực hiện Kế hoạch số: 103/KH-UBND, ngày 25/5/2021 của UBND tỉnh Quảng Ninh triển khai thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030, Sở LĐ-TB&XH Quảng Ninh phối hợp với các cấp, các ngành trong tỉnh đã đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức cho cá nhân, gia đình và cộng đồng về công tác phòng, chống mua bán người, ưu tiên các nhóm nguy cơ cao là phụ nữ, trẻ em và vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các cơ quan báo chí, truyền thông từ cấp tỉnh đến cơ sở hàng tháng đều có chuyên mục, tin, bài, chương trình phát thanh, truyền hình tuyên truyền về phòng, chống mua bán người phù hợp các nhóm đối tượng khác nhau và đặc điểm của từng địa phương, trong đó tập trung tuyên truyền về các phương thức, thủ đoạn mới mà bọn tội phạm thường sử dụng như: Móc nối để tuyển mộ, lừa gạt, đưa phụ nữ, trẻ em (chủ yếu là trẻ sơ sinh) sang Trung Quốc, bằng hình thức đi du lịch, tham quan, ký kết làm ăn kinh tế, xuất khẩu lao động hoặc đi bằng đường "tiểu ngạch". lợi dụng những mối quan hệ sẵn có để móc nối hoặc quay về Việt Nam tuyển mộ, lừa gạt; mở rộng phạm vi tìm kiếm nạn nhân, thường nhắm đến đối tượng là phụ nữ, trẻ em, học sinh, sinh viên nhưng có trình độ học vấn thấp, người dân tộc thiểu số, sau đó thông qua các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook... hoặc gặp trực tiếp sau đó dùng thủ đoạn lừa gạt để thực hiện hành vi mua bán.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng chú trọng công tác truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng và mạng xã hội, hệ thống thông tin cơ sở phù hợp với các nhóm đối tượng khác nhau và đặc điểm của từng địa phương; lồng ghép các thông tin về quyền của nạn nhân, các hoạt động hỗ trợ, tư vấn, tiếp nhận thông tin dành cho nạn nhân vào các thông điệp, tin bài, chuyên mục và tài liệu truyền thông về phòng, chống mua bán người. Tổ chức triển khai có hiệu quả các hoạt động truyền thông thay đổi hành vi tại cộng đồng, đổi mới hình thức tuyên truyền phù hợp với đặc điểm của từng nhóm nạn nhân, nhóm có nguy cơ trở thành nạn nhân cũng như đặc điểm của từng địa bàn, Tổ chức phát động các hoạt động hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7” phù hợp với thông điệp của Liên hợp quốc và tình hình thực tiễn của địa phương. Đồng thời huy động các doanh nghiệp dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin, các nhà mạng trên địa bàn tỉnh tích cực tham gia vào hoạt động truyền thông về phòng, chống mua bán người.

Một buổi truyền thông phòng, chống mua bán người, đưa người di cư trái phép cho trên 1.000 học sinh và phụ huynh tại Trường THPT Ngô Quyền, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh (tháng 11/2022)

Một buổi truyền thông phòng, chống mua bán người, đưa người di cư trái phép cho trên 1.000 học sinh và phụ huynh tại Trường THPT Ngô Quyền, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh (tháng 11/2022)

Tỉnh cũng lồng ghép và truyền tải các thông điệp phòng, chống mua bán người vào các chương trình giáo dục công dân, giáo dục ngoại khóa của các cấp học, ngành học; xây dựng, nhân rộng các mô hình truyền thông tại cộng đồng hoạt động có hiệu quả; tổ chức thu thập, nắm bắt kịp thời thông tin, dấu hiệu có liên quan đến mua bán người tại cộng đồng dân cư.

Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, Quảng Ninh đã chủ động triển khai quy trình chuẩn về hỗ trợ nạn nhân hòa nhập cộng đồng; thực hiện thí điểm quy trình chuyển tuyến, hỗ trợ nạn nhân và người nghi là nạn nhân bị mua bán; xây dựng quy chế phối hợp liên ngành, liên cấp về tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân và cung cấp kết nối dịch vụ tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân và người nghi là nạn nhân bị mua bán. Cùng với đó là củng cố, phát triển, cải thiện chất lượng dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước trong công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, đảm bảo tính sẵn có, dễ tiếp cận; đầu tư, nâng cấp trang thiết bị, xây dựng tiêu chí đánh giá chất lượng dịch vụ hỗ trợ nạn nhân và thí điểm các mô hình hỗ trợ nạn nhân hòa nhập cộng đồng. Lồng ghép nội dung phòng, chống mua bán người vào các chương trình phòng chống tội phạm, phòng, chống tệ nạn xã hội, giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, bình đẳng giới, bảo vệ trẻ em và các chương trình phát triển kinh tế xã hội khác trên địa bàn tỉnh.

Để triển khai đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn loại tội phạm mua bán người, trong thời gian tới, Quảng Ninh sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập trung hướng về cơ sở, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời chủ động, tích cực phối hợp và tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm mua bán người trên tuyến biên giới; làm tốt công tác quản lý nhà nước, nhất là trong lĩnh vực xuất, nhập cảnh, việc cho nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài; kiên quyết không để bọn tội phạm buôn bán người lợi dụng hoạt động. Đặc biệt là tăng cường công tác điều tra, truy tố các vụ án mua bán người xảy ra ở các địa bàn trọng điểm, đưa ra xét xử công khai để phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục, răn đe, trấn áp tội phạm.