Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Quảng Ninh: Nhiều chính sách tạo việc làm cho người khuyết tật

(Dân sinh) - Những năm qua tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều chính sách, ưu tiên hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm, giúp người khuyết tật hòa nhập cộng đồng, vươn lên trong cuộc sống và khẳng định bản thân.

Tích cực dạy nghề, tìm việc

Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH Quảng Ninh, toàn tỉnh hiện có hơn 19.000 người khuyết tật; trong đó số có khả năng lao động là 3.367 người, không có khả năng lao động là 15.918 người. Số người khuyết tật có việc làm ổn định chỉ khoảng 1.000 người, không có việc làm là 16.406 người, chiếm 85,07%.

Quảng Ninh: Nhiều chính sách tạo việc làm cho người khuyết tật - Ảnh 1.

Nhiều chính sách, ưu tiên hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm, giúp người khuyết tật hòa nhập cộng đồng.

Quảng Ninh đã vận động thành lập và có quyết định công nhận 10 cơ sở sản xuất kinh doanh sử dụng từ 30% số lao động trở lên là người khuyết tật, tạo việc làm cho 201 lao động là người khuyết tật, mức thu nhập hằng tháng từ 2,5 - 3,5 triệu đồng/người.

Quảng Ninh cũng là địa phương đầu tiên trong cả nước thành lập Quỹ Việc làm cho người khuyết tật từ năm 2006, tổng quỹ hiện nay là hơn 10 tỷ đồng. Quỹ việc làm dành cho người khuyết tật thu từ các doanh nghiệp chưa sử dụng đủ tỷ lệ lao động là người khuyết tật trên 14 tỷ đồng, từ đó hỗ trợ kinh phí cho 4 doanh nghiệp mua sắm thiết bị, vốn đầu tư nâng cấp mở rộng cơ sở vật chất, tạo việc làm cho người khuyết tật.

Cùng tạo việc làm, tỉnh Quảng Ninh cũng chú trọng tạo "cần câu" cho người giúp việc bằng phê duyệt danh mục 45 nghề, nhóm nghề đào tạo trình độ sơ cấp và mức chi phí đào tạo, mức hỗ trợ cho từng nghề, trong đó có quy định riêng mức chi phí đào tạo và mức hỗ trợ đào tạo nghề cho người khuyết tật. Nhờ đó, toàn tỉnh đã đào tạo nghề cho gần 840 người khuyết tật, chiếm 24,89% tổng số người khuyết tật có khả năng lao động, trong đó được đào tạo nghề từ chương trình dành cho người khuyết tật là 427 người.

Đến nay, toàn tỉnh Quảng Ninh đã có trên 3.000 người khuyết tật được đào tạo nghề; gần 1.000 chỗ làm được bố trí cho người khuyết tật; trên 1.000 hộ người khuyết tật được vay vốn phát triển kinh tế; trên 60% người khuyết tật được hưởng trợ cấp hàng tháng với mức cao hơn 1,5 - 2,2 lần so với quy định chung…

Vận động sự chung tay

Thực hiện nhiều biện pháp dạy nghề, tạo việc làm, tuy nhiên số người khuyết tật được hỗ trợ đào tạo nghề ở Quảng Ninh mới chiếm 11,38% số người khuyết tật có khả năng lao động. Thực trạng này được đánh giá là do còn chưa có chung tay nhiệt tình của doanh nghiệp, tổ chức vào việc dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật.

Quảng Ninh: Nhiều chính sách tạo việc làm cho người khuyết tật - Ảnh 2.

Các thành viên Câu lạc bộ người khuyết tật thị xã Đông Triều làm đồ thủ công mỹ nghệ từ hạt gỗ.

Trong khi đó, công tác dạy nghề cho người khuyết tật còn nhiều khó khăn từ cơ sở vật chất, thiết bị giảng dạy đặc thù cho đến tập trung nhiều người khuyết tật vào một lớp học, một công việc.

Với công tác tạo việc làm cũng còn nhiều hạn chế theo tiêu chí "công việc ổn định" lại đòi hỏi doanh nghiệp chung tay, tạo thời gian và kiên trì để người khuyết tật hòa nhập, làm quen với công việc.

Để triển khai có hiệu quả công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người khuyết tật, tỉnh Quảng Ninh đề nghị Bộ lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật và Cục Bảo trợ xã hội tham mưu, trình Chính phủ ban hành chính sách đối với các doanh nghiệp nhỏ và cực nhỏ, doanh nghiệp tiểu thủ công nghiệp về hỗ trợ cơ sở vật chất thiết bị đào tạo và kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề cho người khuyết tật. Cùng với đó, Quảng Ninh cũng tiếp tục định hướng thường xuyên mở các lớp tập huấn nâng cao trình độ kỹ năng tuyên truyền, tư vấn nghề nghiệp để người khuyết tật tự tin và có thể ổn định cuộc sống bằng nghề được học.