Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Quảng Ninh: Chăm lo cho người khuyết tật đảm bảo cuộc sống, vươn lên hòa nhập cộng đồng

Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều chính sách quan tâm, hỗ trợ về nhiều mặt dành cho người khuyết tật (NKT), qua đó, giúp họ tự tin hòa nhập cộng đồng, vươn lên trong cuộc sống.

Lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH thăm, tặng quà cho NKT có hoàn cảnh khó khăn.

Lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH thăm, tặng quà cho NKT có hoàn cảnh khó khăn.

Theo số liệu của Sở LĐ-TB&XH Quảng Ninh, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có tổng số gần 22.000 NKT, chiếm 1,7% dân số tỉnh. Trong đó, NKT nặng và đặc biệt nặng là 18.000 người, tăng 26% so với năm 2017. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến khuyết tật như: Bẩm sinh, di chứng của chiến tranh, tai nạn giao thông, tai nạn lao động... dẫn đến mất đi hoặc khiếm khuyết một bộ phận cơ thể.

Thông qua khảo sát năm 2021 của Hội Bảo trợ NKT-TMC tỉnh cho thấy, trình độ học vấn của đối tượng NKT thấp, trong đó có gần 50% ở bậc tiểu học, trình độ trung cấp 6% và đại học 3%. Số NKT làm việc trong cơ quan nhà nước, doanh nghiệp rất ít, chủ yếu làm việc trong lĩnh vực kinh doanh, dịch vụ giản đơn; thu nhập bình quân hàng tháng ở mức dưới 3 triệu đồng/người, chiếm 45% tổng số NKT; hộ nghèo nhóm NKT ở mức cao, chiếm 5,18% tổng số NKT của tỉnh.

Từ thực trạng trên, những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn dành ưu tiên và ban hành nhiều cơ chế chính sách quan tâm chăm lo cho NKT để họ đảm bảo cuộc sống, hòa nhập cộng đồng. Đối với NKT nặng và đặc biệt nặng được Nhà nước trợ cấp hằng tháng, đồng thời được cấp miễn phí thẻ BHYT.

Theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội. Tại Quảng Ninh, ở kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khóa XIV, ngày 16/7/2021 đã ban hành Nghị quyết số 21/2021/NQ-HĐND quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội và các đối tượng khó khăn trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, đối tượng NKT nặng từ 16 tuổi đến dưới 60 tuổi được trợ cấp hằng tháng số tiền 675.000 đồng/người; NKT nặng từ dưới 16 tuổi và trên 60 tuổi được trợ cấp 900.000 đồng/tháng. Trường hợp NKT đặc biệt nặng từ 16 tuổi đến dưới 60 tuổi hằng tháng được trợ cấp 900.000 đồng/tháng; NKT đặc biệt nặng từ dưới 16 tuổi đến trên 60 tuổi được trợ cấp 1.125.000 đồng/tháng.

Đối với người nuôi dưỡng là thân nhân NKT đặc biệt nặng hỗ trợ 450.000 đồng/tháng; còn NKT đặc biệt nặng mà không còn thân nhân được hỗ trợ 725.000 đồng/tháng. Trường hợp nữ NKT mang thai và đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi được hưởng thêm 450.000 đồng/tháng. Từ ngày 1/1/2023, mức chuẩn trợ cấp xã hội sinh sống ngoài cộng đồng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh sẽ được nâng lên 500.000 đồng (hiện tại 450.000 đồng).

 

Ngoài những trường hợp đặc biệt nặng, mất khả năng lao động thì phần lớn NKT vẫn cố gắng tham gia lao động mọi lĩnh vực ngành nghề trong xã hội để nuôi sống bản thân, gia đình. Ông Ngô Quang Đức, 52 tuổi, phường Hồng Hà (TP Hạ Long) bị mất một chân từ nhỏ do di chứng của bệnh tật. Ông Đức thuộc diện NKT nặng, mỗi tháng được Nhà nước trợ cấp 675.000 đồng và được cấp thẻ BHYT miễn phí. Tuy mất đi một bên chân nhưng ông Đức đã chọn nghề cắt tóc để nuôi bản thân và gia đình.

Ông Đức chia sẻ: Gần 20 năm làm nghề cắt tóc, bản thân tôi rất hạnh phúc vì không những đảm bảo cuộc sống hàng ngày mà còn nuôi con học đại học ở Hà Nội. Ông Đức là tấm gương của NKT vượt khó vươn lên hòa nhập cộng đồng. 

Anh Nguyễn Minh Thành 45 tuổi, ở khu 9, phường Hoành Bồ (TP Hạ Long) bị tai nạn năm 31 tuổi đã mất đi một bên chân trái. Bằng sự nỗ lực kiên trì, sau 2 năm tai nạn, anh Thành đã đi lại được bằng đôi nạng. Sau khi được Hội Bảo trợ NKT-TMC tỉnh hỗ trợ chỉnh hình, phục hồi chức năng, lắp chân giả và đi lại bình thường. Anh Thành mở cơ sở sản xuất cống bê tông để phục vụ công trình xây dựng trên địa bàn. 

Cơ sở sản xuất cống bê tông của anh Thành ngày càng phát triển, mở rộng, đảm bảo cung cấp từ công trình dân dụng đến những công trình lớn trên địa bàn. Không những vậy, cơ sở còn tạo việc làm cho nhiều lao động ở địa phương với mức thu nhập ổn định.

Bên cạnh việc trợ cấp xã hội hằng tháng, những năm qua, Quảng Ninh đã có nhiều cố gắng trong việc chăm lo, bảo trợ cho NKT góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn. Điển hình là Kế hoạch số 68/KH-UBND ngày 22/9/2017 của UBND tỉnh (Kế hoạch 68) về xã hội hóa việc xây dựng nhà ở cho NKT-TMC thuộc diện nghèo, cận nghèo và thực sự không có điều kiện tái tạo nhà ở trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2021. Căn cứ vào kế hoạch trên, Hội Bảo trợ NKT-TMC tỉnh đã tham mưu đề xuất UBND tỉnh và phối hợp với sở, ban, ngành tỉnh để thực hiện hiệu quả việc hỗ trợ xây dựng nhà ở cho NKT, TMC trong tỉnh.

Kết quả, sau 4 năm có 400 ngôi nhà cho NKT, TMC được xây dựng mới đạt tiêu chuẩn “3 cứng” với tổng kinh phí 76 tỷ đồng (bình quân 190 triệu đồng/nhà); trong đó, hỗ trợ theo Kế hoạch số 68 (50 triệu đồng/nhà) là 20 tỷ đồng; Quỹ vì người nghèo tỉnh hỗ trợ gần 1,9 tỷ đồng. Đây là chính sách hỗ trợ rất thiết thực có ý nghĩa nhân văn sâu sắc góp phần vào mục tiêu giảm nghèo và góp phần về đích NTM, xây dựng đô thị văn minh của tỉnh Quảng Ninh.