Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Quảng Ninh: Quyết liệt vào cuộc để phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em

(Dân sinh) - Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh triển khai nhiều giải pháp để xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em. Đặc biệt, các cấp các ngành chủ động cùng vào cuộc để phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em.

Cả hệ thống chính trị vào cuộc để phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em

Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 234/QĐ-TTg ngày 05/02/2016 về Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2016-2020, Tỉnh Quảng Ninh đã ban hành 4 văn bản triển khai: Quyết định số 2010/QĐ-UBND phê duyệt Chương trình bảo vệ trẻ em và thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2016 - 2020; Nghị quyết số 222/2015/NQ-HĐND về việc ban hành chính sách hỗ trợ một số đối tượng trẻ em chưa thuộc diện hưởng chính sách hiện hành của Nhà nước trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2016-2020; Quyết định 292/2016/QĐ-UBND của UBND tỉnh thực hiện chính sách hỗ trợ một số đối tượng trẻ em chưa thuộc diện hưởng chính sách của Nhà nước trên địa bàn của tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2016-2020, trong đó có chính sách hỗ trợ trẻ em bị tai nạn thương tích; Nghị quyết số 91/2017/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về việc sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số nội dung tại Nghị quyết số 222/2015/NQ-HĐND của HĐND tỉnh "Về việc ban hành chính sách hỗ trợ một số đối tượng trẻ em chưa thuộc diện hưởng chính sách hiện hành của Nhà nước trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2016 - 2020.

Quảng Ninh: Quyết liệt vào cuộc để phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em - Ảnh 1.

Tỉnh Quảng Ninh mở rất nhiều lớp dạy bơi cho trẻ em.

Cùng với đó, hằng năm, Quảng Ninh ban hành 9 văn bản chỉ đạo có liên quan đến công tác phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em. Đặc biệt, ngày 3/6/2020, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị 37-CT/CT về Tăng cường lạnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với công tác phòng, chống tai nạn đuối nước cho người dân và khách du lịch trên địa bàn tình. Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Quảng Ninh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch hoặc lồng ghép với kế hoạch hoạt động về tăng cường các giải pháp về phòng, chống TNTT cho trẻ em.

Theo số liệu thống kê, 13/13 huyện, thị xã, thành phố ban hành Chương trình bảo vệ trẻ em và thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2016- 2020, trong đó có công tác phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em. Đặc biệt, các địa phương hướng dẫn cấp xã triển khai, thực hiện các mô hình về bảo vệ, chăm sóc trẻ em, trong đó có mô hình về phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em.

Quảng Ninh cũng tập trung chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn tích cực tuyên truyền về phòng, chống TNTT cho trẻ em, người nuôi dưỡng trẻ bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Cụ thể, Quảng Ninh đã cấp phát 15.000 cuốn sách "Kiến thức cơ bản về học bơi và cứu đuối cho trẻ em". Tổ chức 23 hội nghị tuyên truyền cho 1.610 trưởng bản/ thôn, chi hội phụ nữ thôn, cộng tác viên, gia đình trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt về chính sách hỗ trợ cho trẻ em có hoàn cảnh đặc, phòng, chống TNTT; 106 buổi tuyên truyền cho 20.260 trẻ em về các vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần, rối nhiễu tâm trí ở trẻ em, phòng chống bạo lực, phòng chống buôn bán, phòng chống xâm hại tình dục, TNTT và các dịch vụ bảo vệ trẻ em.

Triển khai nhiều mô hình phòng, chống TNTT trẻ em

Đuối nước là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trẻ em. Để phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em, tỉnh Quảng Ninh đồng loạt triển khai nhiều biện pháp, trong đó, đặc biệt quan tâm đến việc dạy bơi cho trẻ em.

Tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo các sở, ban, ngành và các địa phương đẩy mạnh, truyền thông, giáo dục, vận động xã hội. Đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ về công tác phòng chống tai nạn thương tích trẻ em, xây dựng và triển khai thực hiện các chính sách liên quan đến phòng, chống đuối nước trẻ em. Đồng thời, tổ chức hội thảo bàn giải pháp phòng chống đuối nước cho trẻ em.

Từ năm 2016 đến nay, hàng năm hỗ trợ hỗ trợ kinh phí cho tất cả các đại phương để tổ chức dạy bơi miễn phí cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em vùng sông nước có nguy cơ cao xảy ra tai nạn đuối nước. Đặc biệt, các địa phương đã tự cân đối kinh phí và vận động xã hội hóa để đầu tư, xây dựng các bể bơi phục vụ cho người dân trong đó có trẻ em. Qua đó, toàn tỉnh đã tổ chức 275 lớp dạy bơi cho 4.125 trẻ em. Bằng nguồn xã hội hóa các huyện, thị xã, thành phố đã tổ chức 1.758 lớp bơi cho trên 35.000 trẻ em, đầu tư các trang thiết bị hỗ trợ phòng, chống đuối nước cho trẻ em.

Đề có được kết quả trên, các địa phương đã chủ động, sáng tạo nhiều cách làm hiệu quả. Đặc biệt, tăng cường phối hợp liên ngành để phòng, chống đuối nước cho trẻ em. Sở VH&TT rà soát, kiểm tra việc tuân thủ yêu cầu về mức độ an toàn của các bể bơi. Chỉ đạo phòng Văn hoá thông tin cắm biển dành cho khu vực bơi an toàn, cảnh báo khu vực nước sâu nguy hiểm đối với trẻ em tại các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.

Sở GD&ĐT phối hợp tổ chức chương trình giáo dục kỹ năng phòng, chống tai nạn đuối nước. Sở GTVT phát trên 500 phao áo, phao tròn cho các chủ phương tiện vận tải hành khách đường thủy nội địa đối với các phương tiện vận chuyển khách từ bờ ra xã đảo tại các bến nội địa.

Sở LĐ-TB&XH phối hợp với Trung tâm truyền thông xây dựng và phát sóng các clip tuyên truyền về phòng chống đuối nước cho trẻ em phát trong dịp hè vào các khung giờ cao điểm.

Bên cạnh đó, các mô hình "Ngôi nhà an toàn", "Trường học an toàn", "Cộng đồng an toàn" nhằm loại bỏ các nguy cơ gây TNTT trẻ em cũng được triển khai rộng rãi. Sở GD&ĐT chỉ đạo các trường thực hiện tốt phong trào xây dựng trường học an toàn phòng, chống TNTT.

Với sự vào cuộc của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và của chính người dân, thực hiện Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2016- 2020 đã giảm 31,5% số trẻ em bị tử vong do đuối nước so với 2015.