Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Quảng Ninh tăng cường quản lý người nghiện và sau cai nghiện tại cộng đồng

Thời gian qua, với sự vào cuộc quyết liệt của ngành Lao động – Thương binh và Xã hội và các ngành có liên quan, công tác quản lý người nghiện và sau cai nghiện tại cộng đồng tại tỉnh Quảng Ninh đã có chuyển tích cực.

Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH Quảng Ninh, năm 2021, các cơ sở cai nghiện ma túy của tỉnh đã tổ chức tiếp nhận 674 lượt người (đạt 96,3% chỉ tiêu) vào cai nghiện tự nguyện và bắt buộc; tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng cho 209 lượt người.

Để tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho người nghiện ma túy được tiếp cận, kết nối với các dịch vụ y tế, xã hội ngay tại cộng đồng, hỗ trợ điều trị cai nghiện tại gia đình, cộng đồng, hoặc cai nghiện tại các cơ sở cai nghiện ma túy, toàn tỉnh đã duy trì hoạt động của 25 đội công tác xã hội tình nguyện, 6 mô hình điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện tại cộng đồng và 10 CLB hỗ trợ người sau cai nghiện ma túy.

CLB “Bạn giúp bạn” tại phường Cẩm Tây, TP Cẩm Phả đã giúp đỡ nhiều người nghiện tại cộng đồng có việc làm và thu nhập ổn định, từng bước hòa nhập cộng đồng

CLB “Bạn giúp bạn” tại phường Cẩm Tây, TP Cẩm Phả đã giúp đỡ nhiều người nghiện tại cộng đồng có việc làm và thu nhập ổn định, từng bước hòa nhập cộng đồng

Bên cạnh đó, nhằm nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện, tăng cường sự tiếp cận của người lầm lỗi, người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 104/KH-UBND ngày 27/5/2021 về việc đào tạo nghề, tạo việc làm cho người lầm lỗi, chấp hành xong án phạt tù, người sau cai nghiện, người bán dâm, nạn nhân bị mua, bán, người đi cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng trở về địa phương, giai đoạn 2021 - 2025... Riêng năm 2021, toàn tỉnh đã đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho 789 người nghiện, người lầm lỗi. 6 tháng đầu năm 2022, Công an tỉnh đã phối hợp với Sở LĐ-TB&XH tổ chức 6 buổi tập huấn đối với 568 cán bộ cấp xã, phường, thị trấn làm công tác phòng chống ma túy về trình tự, thủ tục, hồ sơ cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy theo Kế hoạch số 1175/KH-LĐTBXH ngày 22/4/2022 của Sở.

Ngoài ra, Công an tỉnh cũng ban hành Công văn số 2822/CAT-PC04 ngày 26/4/2022 chỉ đạo công an địa phương tiến hành rà soát, lập danh sách, lập hồ sơ quản lý người nghiện đối với số đối tượng đang tham gia cai nghiện methadone tại các địa phương và xác minh các trường hợp bỏ điều trị methadone để có biện pháp quản lý.

Các địa phương đã lồng nghép thực hiện tuyên truyền chính sách hỗ trợ về đào tạo nghề, vay vốn, giải quyết việc làm cho 1.429 người lầm lỗi tại địa phương; quản lý theo dõi 224 người đã chấp hành xong quyết định cai nghiện bắt buộc tại cơ sở cai nghiện ma túy trở về địa phương...

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, theo đánh giá của Sở LĐ-TB&XH, công tác quản lý người nghiện và sau cai nghiện tại cộng đồng tại Quảng Ninh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Công tác nắm, quản lý địa bàn, đối tượng, còn chưa chặt chẽ, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh vụ việc phức tạp; việc tham mưu triển khai công tác cai nghiện ma túy tại một số địa phương còn chậm, chưa đồng bộ; công tác cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng, còn mang tính hình thức, sự quan tâm chỉ đạo thực hiện việc cai nghiện tại gia đình, cộng đồng của chính quyền và một số địa phương còn hạn chế; lực lượng tham gia công tác phòng, chống và cai nghiện ma túy thường xuyên thay đổi. Thêm vào đó, các hoạt động tư vấn, sinh hoạt nhóm, hỗ trợ học nghề vẫn còn nhiều hạn chế; thiếu cơ sở tạo việc làm ổn định cho người nghiện hoàn thành chương trình cai nghiện...

Nhằm khắc phục những hạn chế nêu trên, tăng cường hơn nữa công tác quản lý người nghiện và người sau cai nghiện tại cộng đồng, trong thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh sẽ tập trung và đổi mới hoạt động tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức các cấp, ngành trong phòng chống tệ nạn xã hội. Tiếp tục thực hiện đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ, cộng tác viên làm công tác phòng chống tệ nạn xã hội các cấp. Đồng thời, tăng cường hoạt động tư vấn, hỗ trợ người đã cai nghiện ở các cơ sở trở về cộng đồng được quản lý tại nơi cư trú; đẩy mạnh hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm cho người sau cai nghiện ổn định cuộc sống, hạn chế thấp nhất tỷ lệ tái nghiện; định kỳ tổ chức kiểm tra, đánh giá công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy tại các cơ sở cai nghiện ma túy và các địa phương, qua đó kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ về cai nghiện phục hồi.