Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Quảng Ninh: Triển khai hiệu quả mô hình trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người bị rối nhiễu tâm trí

Theo báo cáo của Trung tâm công tác xã hội Quảng Ninh, trong giai đoạn 2015 - 2020, Trung tâm đã tư vấn trực tiếp tại Trung tâm cho 221 trường hợp, 117 trường hợp tư vấn trực tiếp tại cộng đồng và kết nối, trợ giúp chủ yếu tập trung về vấn đề rối nhiễu tâm trí của trẻ em và trầm cảm ở người lớn cho người chăm sóc đối tượng, hôn nhân gia đình, tâm lý, trẻ em cần sự tư vấn và can thiệp hỗ trợ khẩn cấp...

Triển khai mô hình tâm lý trị liệu tại Trung tâm cho trẻ em bị rối nhiễu tâm trí, tự kỷ, Trung tâm tiếp tục sử dụng thang đánh giá Denver II, Pep - R và các bộ công cụ chuyên biệt để sàng lọc, đánh giá rối nhiễu tâm trí và sự phát triển đối với 176 trẻ, thực hiện can thiệp, trị liệu tâm lý đối với 96 trẻ tại Trung tâm, cùng với hoạt động sàng lọc, đánh giá Trung tâm đã tư vấn cho gia đình, người chăm sóc trẻ nhận thức đúng vấn đề của trẻ và có biện pháp can thiệp trị liệu cho phù hợp tại gia đình.

Quảng Ninh: Thực hiện tốt trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người rối nhiễu tâm trí - Ảnh 1.

Trị liệu cho trẻ bị rối nhiễu tâm trí tại Trung tâm Công tác xã hội Quảng Ninh

Năm 2019, Trung tâm đã thực hiện khám sàng lọc mới đối với 47 trẻ, thực hiện trị liệu cho 29 trẻ, kết thúc trị liệu đối với 12 trẻ, duy trì trị liệu thường xuyên đối với tổng số từ 15 - 20 trẻ tại Trung tâm. Tổng kinh phí thu được từ tháng 3 đến hết tháng 12/2019 là 337.100.000 đồng.

Ngoài ra, Trung tâm còn phối hợp với phòng LĐ-TB&XH và UBND các xã, phường, thị trấn và gia đình đối tượng trên địa bàn thành phố Móng Cái, huyện Hải Hà, thị xã Quảng Yên, thành phố Uông Bí và thành phố Cẩm Phả tổ chức sàng lọc, đánh giá rối nhiễu tâm trí và sự phát triển đối với 160 trẻ có biểu hiện rối nhiễu tâm trí và tiến hành xây dựng kế hoạch và tổ chức trị liệu tâm lý thường xuyên tại gia đình cho 80 trẻ em tự kỷ và rối nhiễu tâm trí. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng tổ chức khám sàng lọc và phát hiện cho 180 đối tượng có biểu hiện trầm cảm. Cán bộ, nhân viên Trung tâm thực hiện trị liệu tâm lý thường xuyên tại gia đình cho 100 đối tượng người trầm cảm, rối nhiễu tâm trí.

Thời gian qua, Trung tâm cũng tiếp tục phối hợp với Viện Dân số Sức khỏe và Phát triển, Cục Bảo trợ xã hội triển khai dự án thí điểm Mô hình chăm sóc sức khỏe tâm thần dựa vào cộng đồng. Dự án được triển khai từ tháng 6/2016 trên địa bàn phường Hồng Hải, Hà Tu, thành phố Hạ Long, xã Đông Xá, Hạ Long, huyện Vân Đồn. Công tác can thiệp trị liệu được thực hiện thông qua hoạt động sàng lọc bằng phiếu SRQ 20 là 3.076 đối tượng; phát hiện được 80 đối tượng có điểm số sàng lọc rơi vào ngưỡng trầm cảm; 40 đối tượng trầm cảm được hướng dẫn quản lý trầm cảm. Tổ chức 2 lớp tập huấn về chăm sóc sức khỏe tâm thần dựa vào cộng đồng và Mô hình kiểm soát trầm cảm không dùng thuốc dựa vào cộng đồng cho 2 địa bàn can thiệp muộn là phường Hà Tu, thành phố Hạ Long và xã Hạ Long, huyện Vân Đồn.

Một trong những mô hình trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người bị rối nhiễu tâm trí được triển khai hiệu quả tại Trung tâm trong thời gian qua là Mô hình câu lạc bộ Gia đình trẻ tự kỷ với các hoạt động tập huấn trang bị kiến thức, kỹ năng về chăm sóc và can thiệp, trị liệu trẻ tự kỷ, rối nhiễu tâm trí đối với các thành viên của Câu lạc bộ và cán bộ, nhân viên trị liệu của Trung tâm. Bên cạnh đó, Câu lạc bộ còn tổ chức hoạt động trị liệu vận động tập thể cho trên 30 trẻ bị rối nhiễu tâm trí có sự tham gia của nhân viên công tác xã hội và người chăm sóc trẻ. Tổ chức định kỳ 3 buổi giao ban, 2 cuộc tập huấn, 1 cuộc tổ chức vận động cho trẻ/năm cho các thành viên CLB Gia đình trẻ tự kỷ với 40 lượt gia đình/năm tham gia, Trung tâm đã mời chuyên gia và bác sĩ tâm lý để trao đổi, hướng dẫn kỹ năng tương tác với trẻ, đồng thời tạo môi trường liên kết giữa các phụ huynh có trẻ mắc hội chứng tự kỷ rối nhiễu tâm trí để liên hệ, chia sẻ kinh nghiệm quản lý, giáo dục, chăm sóc trẻ.

Ông Nguyễn Phúc Phong, Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội Quảng Ninh cho biết, câu lạc bộ Gia đình trẻ ra đời là cần thiết để thực hiện có hiệu quả hơn trong phương pháp can thiệp và trị liệu đối với trẻ gặp phải hội chứng tự kỷ, rối nhiễu tâm trí của Trung tâm. Hoạt động của Câu lạc bộ đã đáp ứng được phần lớn nguyện vọng của phụ huynh. Nhiều phụ huynh sau khi được tham gia tập huấn đã ghi nhận và đánh giá cao và đề nghị tiếp tục duy trì các hoạt động để nhiều trường hợp khác nhìn nhận đúng vấn đề của con em mình và có phương pháp giáo dục phù hợp. Hoạt động của Câu lạc bộ cũng đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân về phòng chống hội chứng tự kỷ, rối nhiễu tâm trí ở trẻ em cũng như nâng cao kiến thức, kỹ năng cho các thành viên để họ có phương pháp đúng đắn, phù hợp hơn trong việc chăm sóc, giáo dục con em tại gia đình.