Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Quảng Trị cần đổi mới trong công tác xuất khẩu lao động

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Nguyễn Mạnh Tiến đề nghị Quảng Trị đẩy mạnh tuyên truyền về công tác xuất khẩu lao động, đồng thời thực hiện đổi mới trong công tác xuất khẩu lao động, nhất là chú trọng xuất khẩu lao động có tay nghề, trình độ.

Tư vấn chính sách cho người lao động có nguyện vọng đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng

Tư vấn chính sách cho người lao động có nguyện vọng đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng

Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Trị, từ năm 2015 đến tháng 9/2022, Quảng Trị có 11.138 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; tổng số tiền gửi về cho gia đình khoảng 5.000 tỉ đồng. Trong giai đoạn này, Quảng Trị có khoảng 5.000 lao động làm việc ở nước ngoài hết hạn hợp đồng về nước. Đây là nguồn lao động chất lượng cao phục vụ cho địa phương, có ý chí lập nghiệp, có kỷ luật, có kỷ thuật đáp ứng được yêu cầu công cuộc công nghiệp hóa hiện đại hóa phát triển kinh tế xã hội.

Thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về xuất khẩu lao động tại Quảng Trị được chú trọng. Tỉnh đã hướng dẫn kịp thời việc thực hiện các quy định của pháp luật về đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài cho các doanh nghiệp và các đơn vị tham gia xuất khẩu lao động trên địa bàn tỉnh. Các thị trường xuất khẩu lao động có tiềm năng từng bước được duy trì và mở rộng, phù hợp với thực lực của người lao động Việt Nam nói chung và Quảng Trị nói riêng. Quảng Trị xem đây là một chiến lược quan trọng, góp phần giải quyết việc làm, xây dựng đội ngũ lao động có kỷ luật, kỷ thuật, tay nghề cho tỉnh.

Tại buổi làm việc với Đoàn giám sát của Ủy ban Đối ngoại Quốc hội ngày 13/9, đại diện các ngành chức năng, doanh nghiệp, người lao động tại Quảng Trị đã kiến nghị một số vấn đề, như: cần bổ sung thêm đối tượng lao động là người đã hoàn thành nghĩa vụ trong lực lượng vũ trang khi về địa phương trong thời gian 1 năm nếu tham gia đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thì được hưởng chính sách hỗ trợ; Chính phủ cần quan tâm ký kết nhiều hơn các hợp đồng song phương về lao động để bảo vệ quyền lợi người lao động trong thời gian ở nước ngoài; cần có quy định cụ thể hơn để gắn kết trách nhiệm thực hiện đúng nghĩa vụ giữa doanh nghiệp và người lao động; sớm xây dựng cơ sở dữ liệu về lao động, quản lý lao động đi làm việc ở nước ngoài; Cần đơn giản thủ tục hành chính về thông báo tuyển dụng và thủ tục đi xuất khẩu lao động…

Ông Hoàng Đức Thắng - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị đề nghị Sở LĐ-TB&XH tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; giúp người lao động chủ động lựa chọn thị trường lao động, những đơn vị, doanh nghiệp uy tín, đủ tư cách pháp nhân và được phép tuyển dụng lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Chủ động làm việc với các ngân hàng nhằm tạo điều kiện thuận lợi, thủ tục nhanh gọn cho người lao động vay vốn tham gia xuất khẩu lao động; động viên, khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện công tác tuyển dụng lao động đi nước ngoài được thuận lợi; nắm bắt tình hình người lao động ở nước ngoài để có sự hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Nguyễn Mạnh Tiến đề nghị Quảng Trị hoàn thiện nội dung báo cáo về thực hiện chính sách, pháp luật đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong lĩnh vực lao động một cách khoa học, cụ thể, chính xác để đoàn giám sát kịp thời nắm bắt, báo cáo với Quốc hội.

Bên cạnh đó, địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về công tác xuất khẩu lao động; thực hiện đổi mới trong công tác xuất khẩu lao động, nhất là chú trọng xuất khẩu lao động có tay nghề, trình độ; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các tổ chức, cá nhân làm công tác đưa người lao động đi xuất khẩu ở nước ngoài. Có chính sách hỗ trợ thiết thực hơn nữa với những lao động nước ngoài trở về quê lập nghiệp, đầu tư sản xuất kinh doanh, xây dựng phát triển cuộc sống ngay trên quê hương...