Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Quảng Trị: Hàng tồn kho, rớt giá, doanh nghiệp và người lao động cùng lao đao

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, người dân trên địa bàn tỉnh Quảng Trị gặp nhiều khó khăn. Nhiều mặt hàng bị, rớt giá, tồn kho, không xuất được khiến doanh nghiệp lao đao.

Theo báo cáo ngày 10/4 mới đây của UBND tỉnh Quảng Trị, tình hình hinh tế trong quý 1/2020 vẫn có nhưng chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, tăng trưởng của các ngành kinh tế đã bị chậm lại, tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ; nhiều doanh nghiệp đã rơi vào tình trạng khó khăn. Các hoạt động sản xuất, nhập khẩu, lưu thông vận chuyển hàng hoá, hành khách, các dịch vụ y tế, giáo dục, lưu trú,…bị ảnh hưởng rõ rệt.

Quảng Trị: Hàng tồn kho, rớt giá, doanh nghiệp và người lao động cùng lao - Ảnh 1.

Hơn 25.000 tấn tinh bột sắn của Công ty Thương mại Quảng Trị bị tồn kho. Ảnh minh hoạ

Sản phẩm nông nghiệp rớt giá, tồn kho

Sản xuất của ngành nông nghiệp tuy vẫn diễn ra bình thường, nhưng cũng chịu tác động không nhỏ. Đặc biệt, có hơn 25.000 tấn tinh bột sắn của Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hoá (thuộc Công ty Thương mại Quảng Trị) không bán được, tồn kho. Mặt hàng chuối quả không nhập sang được thị trường Trung Quốc, các doanh nghiệp và tư thương phải tìm thị trường ở Thái Lan, Lào để tiêu thụ. Tuy nhiên, giá chuối giảm từ 3 – 4.000 đồng/kg so với trước khi có dịch đã làm ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Chanh leo không thể xuất khẩu san thị trường Châu Âu. Vì vậy, giá mặt hàng nông sản này giảm xuống 1 nửa, chỉ còn 12.000 đồng/kg loại A, A1 (trước đây giá 25 – 30.000 đồng/kg).

Ông Hồ Xuân Hiếu - Tổng Giám đốc Công ty Thương mại Quảng Trị cho biết, các mặt hàng chính của đơn vị sản xuất gồm tinh bột sắn, mủ cao su, chế biến gỗ, viên nén năng lượng… các loại hình kinh doanh du lịch, dịch vụ tại khu Boutique Resort ở Cửa Việt đều bị ảnh hưởng bởi COVID-19. Hiện công ty chỉ bán được những mặt hàng nông sản, chủ yếu là quà tặng, đồ lưu niệm tại các cửa hàng 8S. Các sản phẩm như tinh bột sắn, mủ cao su, viên nén năng lượng xuất qua thị trường truyền thống Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản đều bị đình trệ do ảnh hưởng Covid-19, phía bạn không thông quan.

Theo ông Hiếu, hiện nay số lượng tinh bột sắn tồn kho đã hơn 25.000 tấn và đơn vị đã phải thuê 4 nhà kho tại Lạng Sơn để bảo quản do mặt hàng không thông quan, xuất qua Trung Quốc được. Ngược lại, để đảm bảo tiêu thụ sắn nguyên liệu (sắn củ) cho người dân, Công ty phải vay ngân hàng mới có nguồn thu mua. Mỗi ngày, Công ty xuất ra khoảng 1,5 tỷ đồng thể thu mua bình quân 800 tấn sắn/ngày cho người dân.

Ông Hiếu cho biết thêm, hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có 3 nhà máy chế biến tinh bột sắn, trong đó 2 đơn vị đã tạm thời dừng hoạt động do ảnh hưởng của dịch bệnh. Riêng Nhà máy tỉnh bột sắn Hướng Hoá vẫn thu mua sắn nguyên liệu để giúp người dân giải quyết khó khăn, đồng thời có việc làm cho người lao động. "Hiện trong dân còn khoảng 20.000 tấn sắn củ và chúng tôi cam kết sẽ thu mua và phấn đấu mua hết cho người dân trong tháng 4 này", ông Hiếu cho biết.

Được biết, hiện nay Công ty Thương mại Quảng Trị có khoảng 600 cán bộ, công nhân, người lao động. Thời gian vừa qua, công ty vẫn bảo đảm tiền lương hàng tháng, tiền bảo hiểm đầy đủ cho người lao động. Tuy nhiên "nếu tình hình tiếp tục kéo dài hơn 2 tháng nữa, công ty sẽ vô cùng khó khăn. Tuần tới, chúng tôi buộc phải cho Nhà máy gỗ, chế biến viên nén năng lượng tạm nghỉ, với 120 công nhân bị ảnh hưởng công việc. Bên cạnh đó hết tuần sau, Nhà máy cao su cũng phải xem xét nghỉ", ông Hiếu thông báo.

Quảng Trị: Hàng tồn kho, rớt giá, doanh nghiệp và người lao động cùng lao - Ảnh 2.

Hoạt động xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu biên giới Việt - Lào bị gián đoạn do Chính phủ Lào đóng cửa biên giới

Công nghiệp – dịch vụ nhìn đâu cũng khó

Cũng theo UBND tỉnh Quảng Trị, các hoạt động chế biển sản phẩm nông, lâm, thuỷ sản khác bị ảnh hưởng và biến động mạnh. Sản phẩm đã chế biến, gia công không có đầu ra do các hợp đồng không được thực hiện. Nguyên liệu từ nhập ngoại để lâu ngày bị biến chất, hư hỏng, thiệt hại nặng về kinh tế.

Hoạt động sản xuất công nghiệp, thu hút đầu tư cũng bị ảnh hưởng mạnh, tác động theo chiều hướng xấu. Một số doanh nghiệp tuyển dụng, sử dụng lao động gặp khó do lao động ngại làm việc ở những nơi tập trung đông người, một số nghỉ ở nhà giữ con do nhà trường nghỉ dạy học. Các đơn hàng nguyên phụ liệu bị chậm, thời gian thông quan, vận chuyển hàng hoá bị kéo dài,…

Từ sau Tết Nguyên đán 2020 đến nay, phần lớn các nhà đầu tư đã tạm dừng dự án, một số doanh nghiệp thi công cầm chừng, nhất là các dự án thuộc lĩnh vực du lịch, nghỉ dưỡng, nông nghiệp, dệt may, các dự án có vốn đầu tư nước ngoài.

Trong Quý I/2020, tỉnh Quảng Trị chỉ cấp chủ trương đầu tư cho 14 dự án, với tổng số vốn 342 tỷ đồng, giảm 13 dự án (32.098 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm 2019. Tính riêng trong tháng 3, tỉnh Quảng Trị chỉ cấp chủ trương cho 3 dự án, với tổng số vốn 217 tỷ đồng, giảm 8 dự án.

Ngoài ra, hiện nay, toàn tỉnh Quảng Trị có 213 doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh dịch vụ vận tải hàng hoá bằng xe container, xe đầu kéo, với 1.135 phương tiện, chủ yếu vận tải hàng hoá với nước bạn Lào. Do ảnh hưởng COVID-19, bắt đầu từ 3/4, Chính phủ Lào đã đóng cửa hoàn toàn tất cả các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính và cửa khẩu phụ dọc tuyến biên giới Việt Nam – Lào. Hàng hoá xuất nhập khẩu đi qua các cửa khẩu này bị ngưng trệ, kéo theo hoạt động của các doanh nghiệp liên quan cũng phải tạm dừng, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống người lao động, tác động không nhỏ đến kinh tế - xã hội địa phương.

Hoạt động kinh doanh du lịch – dịch vụ bị giảm sút mạnh. Các doanh nghiệp lữ hành dừng hoạt động, trong khi đội ngũ hướng dẫn viên du lịch đa số làm hợp đồng theo tour du lịch nên nghỉ không lương. Nhiều cơ sở lưu trú đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng, cho nhân viên nghỉ việc do không bùg đắp được chi phí để duy trì hoạt động. 45 viên chức, lao động của Trung tâm Quản lý Di tích và bảo tàng tỉnh Quảng Trị hưởng lương từ nguồn thu của đơn vị đến nay chưa được nhận tiền lương tháng 3 và tháng 4.

Tính đến cuối tháng 3/2020, theo báo cáo sơ bộ của 88 doanh nghiệp, số lao động phải ngừng việc là 1.317 người. Trong số lao động bị ngừng việc, 354 lao động được trả đủ lương, 182 lao động bị giảm lương, 781 lao động phải tạm hoãn hợp đồng lao động không được trả lương.

Đầu tháng 4/2020, 11 đơn vị đề nghị tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, với số lao động phải tạm dừng làm việc là 387 người. Số lao động này bị giảm lương, chỉ được người sử dụng lao động trả lương ngừng việc theo quy định là không thấp hơn lương tối thiểu vùng.

UBND tỉnh Quảng Trị dự báo, nếu tình hình dịch bệnh tại Việt Nam kéo dài đến hết tháng 4/2020, tăng trưởng GRDP 6 tháng đầu năm của tỉnh sẽ đạt khoảng 6 – 6,5%; nếu dịch bệnh kéo dài hết tháng 6/2020, thì tăng trưởng GRDP 6 tháng đầu năm của tỉnh đạt từ 5,6 – 6,2%.

Quảng Trị: Hàng tồn kho, rớt giá, doanh nghiệp và người lao động cùng lao - Ảnh 3.

Hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu và vận chuyển hàng hoá chịu tác động tiêu cực từ dịch COVID-19 tác động không nhỏ đến kinh tế - xã hội

Do đó, để hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động vượt qua thời điểm khó khăn, trở lại ổn định sản xuất sau khi dịch bệnh đi qua, tỉnh Quảng Trị cũng đã đề ra nhiều giải pháp, như: đẩy mạnh cải cách hành chính, tập trung thu hút đầu tư công, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, với phương châm "3 đồng hành, 5 hỗ trợ đối với doanh nghiệp….

Tỉnh cũng đã chỉ đạo các cơ quan liên quan, các địa phương nắm bắt tình hình thị trường lao động trên địa bàn, đặc biệt là ảnh hưởng của dịch COVID-19 đối với sản xuất kinh doanh, việc làm của người lao động. Tù đó đề xuất phương án hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng. Đồng thời, thu thập thông tin về nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp để kịp thời tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động, cung ứng lại lao động cho các doanh nghiệp bị thiếu hụt lao động.