Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước: Sẽ hỗ trợ người lao động trong các trường hợp rủi ro

(Dân sinh) - Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) nhằm điều chỉnh những vấn đề mới từ thực tế hoạt động người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong bối cảnh tác động của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 và quản lý vấn đề di cư, dịch chuyển lao động quốc tế, phát triển việc làm ngoài nước và bảo hộ quyền làm việc của công dân.

Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng sửa đổi gồm 8 chương và 76 Điều. Luật sửa đổi, bổ sung đối tượng ký kết hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Theo đó, ngoài đơn vị sự nghiệp thuộc các bộ, ngành như hiện nay, dự thảo bổ sung thêm đơn vị sự nghiệp thuộc Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cụ thể là trung tâm dịch vụ việc làm. Quy định này, không làm phát sinh thêm việc thành lập mới đơn vị sự nghiệp, không tạo ra sự cạnh tranh không bình đẳng với doanh nghiệp dịch vụ vì chỉ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để thực hiện điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế của địa phương ký với nước ngoài. Hoạt động của đơn vị sự nghiệp này là phí lợi nhuận.

Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước: Sẽ tập trung hỗ trợ cho người lao động trong các trường hợp rủi ro - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Cùng với đó, Luật quy định minh bạch và nâng cao điều kiện kinh doanh đối với ngành nghề hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Doanh nghiệp hoạt động dịch vụ trong lĩnh này phải đảm bảo nguồn lực cả về tài chính và con người, luật hóa các quy định hiện hành về các điều kiện vốn, ký quỹ, người lãnh đạo, nhân viên, cơ sở vật chất được quy định trong các văn bản dưới luật trước đây để làm rõ ràng và minh bạch các điều kiện trong Luật sửa đổi. 

Trong đó, bổ sung quy định doanh nghiệp phải duy trì các điều kiện hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong suốt quá trình hoạt động; vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp (không thấp hơn 05 tỷ đồng; có chủ sở hữu, tất cả các thành viên, cổ đông là nhà đầu tư trong nước theo quy định của Luật Đầu tư). Dự thảo cũng đã bỏ quy định về điều kiện doanh nghiệp phải có để án hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, bỏ quy định về việc doanh nghiệp phải đổi Giấy phép khi thay đổi đăng ký kinh doanh theo như luật hiện hành.

Về tuyển chọn, đào tạo lao động và chuẩn hóa nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài, trên cơ sở thực tế thi hành luật thời gian qua, các doanh nghiệp dịch vụ thường bị động khi đối tác nước ngoài đề nghị cung ứng lao động, đặc biệt là lao động có trình độ, chuyên môn nghề, kỹ năng. Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp có nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài đáp ứng cả yêu cầu về thời gian và trình độ nghề, kỹ năng, ngoại ngữ của người lao động cho bên nước ngoài, dự thảo bổ sung quy định về việc doanh nghiệp được chuẩn bị nguồn lao động.

Với chủ trương nâng cao chất lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài, trong đó đưa lao động có chất lượng cả về nghề, kỹ năng, ngoại ngữ và ý thức tổ chức kỷ luật là một trong yếu tố quan trọng trong việc cạnh tranh, củng cố vị thế của lao động Việt Nam ở nước ngoài, góp phần quan trọng vào việc mở rộng và phát triển thị trường lao động Việt Nam ở các nước, địa bàn có thu nhập cao, điều kiện làm việc tốt. Do đó, trên cơ sở luật hiện hành, dự thảo luật đã bổ sung chính sách của Nhà nước hỗ trợ nâng cao chất lượng đào tạo người lao động.

Với xu hướng nhằm giảm các khoản chi phí cho người lao động, dự thảo luật bỏ quy định người lao động phải hoàn trả cho doanh nghiệp dịch khoản tiền thù lao môi giới. Đồng thời cũng quy định khoản tiền dịch vụ không phải doanh nghiệp chỉ nhận từ người lao động, mà còn cả từ bên nước ngoài tiếp nhận người lao động. 

Trong xu hướng hiện nay, một số thị trường và một số lĩnh vực có nhu cầu đối với lao động Việt Nam, bên tiếp nhận nước ngoài sẵn sàng trả các chi phí cho việc tuyển chọn, đào tạo và tiền dịch vụ cho doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là đối với lao động có trình độ, kỹ năng nghề, ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu của bên tiếp nhận.

Dự thảo Luật cũng sửa đổi quy định Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước là quỹ tài chính ngoài ngân sách, nguồn thu từ đóng góp chính của doanh nghiệp và người lao động, bỏ nguồn hỗ trợ của ngân sách nhà nước; bổ sung quy định về các nội dung được chi từ Quỹ, theo hướng tập trung hỗ trợ cho người lao động trong các trường hợp rủi ro, doanh thúc đẩy phát triển thị trường lao động có chất lượng và thu nhập cao, phòng ngừa rủi ro và bảo vệ người lao động khi đi làm việc ở nước ngoài...

Đồng thời, bổ sung quy định về việc khai báo trực tuyến thông tin của người lao động giao kết hợp đồng sau khi xuất cảnh để được hưởng các chế độ, quyền lợi và sự bảo vệ theo quy định của pháp luật. Bổ sung nghĩa vụ của người lao động sau khi đi làm việc ở nước ngoài trở về phải thông báo với chính quyền địa phương nơi cư trú để cập nhật thông tin và được hỗ trợ tìm kiếm việc làm, khởi nghiệp theo quy định.