Quay lại Dân trí
Dân Sinh

“Quy hoạch báo chí là để xây đắp”

(Dân sinh) - Ngày 4/6/2019, Bộ TT&TT đã ban hành kế hoạch triển khai việc sắp xếp các cơ quan báo chí theo Qui hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 362/QĐ-TTg ngày 3/4/2019. Phóng viên báo Dân sinh có cuộc phỏng vấn ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam xung quanh vấn đề trên.

Khắc phục tình trạng báo "lá cải", giật gân câu khách

* Đến thời điểm này, việc triển khai công tác quy hoạch báo chí diễn ra như thế nào, thưa ông?

 - Đến nay, có thể nói về cơ bản công tác quy hoạch đã thực hiện đúng lộ trình. Riêng về quy hoạch các cơ quan báo chí của các hội, ngày 4/3/2020, Bộ TT&TT đã trao giấy phép cho 18 tạp chí thuộc tổ chức hội thuộc diện quy hoạch, chuyển mô hình hoạt động theo hướng chuyên sâu, chú trọng thông tin cho các cơ quan chủ quản. Tin rằng, sau khi có quy hoạch, sắp xếp, tổ chức lại, các cơ quan báo chí sẽ nhanh chóng ổn định, hoạt động hiệu quả hơn và tình trạng báo "lá cải", giật gân câu khách sẽ được khắc phục. Như vậy, thực hiện qui hoạch, báo chí đang xốc lại đội ngũ, phát huy truyền thống tốt đẹp, giá trị chính thống của báo chí cách mạng trong dòng chảy thông tin, phục vụ lợi ích của cộng đồng, đất nước và nhân dân.

“Quy hoạch báo chí là để xây đắp” - Ảnh 1.

Ông Hồ Quang Lợi: Quy hoạch báo chí là để xây đắp chứ không phải mục đích là loại bỏ.

Việc quy hoạch là cần thiết để đảm bảo cho báo chí phát triển lành mạnh, đúng hướng, có ích hơn, mạnh mẽ hơn, nhân văn hơn, đạo đức hơn. Đây chính là cái quan trọng nhất, để tránh lãng phí cả con người, lẫn vật chất, hạn chế, ngăn chặn sai phạm, tiêu cực trong hoạt động báo chí! Quy hoạch là để xây đắp chứ không phải mục đích là loại bỏ.

* Trong triển khai công tác quy hoạch báo chí có những thuận lợi và khó khăn gì mà các cơ quan báo chí cần tháo gỡ, thưa ông?

- Cuộc sống luôn tồn tại hai mặt, đó là thuận lợi và khó khăn. Hội nhập quốc tế, kinh tế thị trường phát triển mạnh, các mặt của đời sống xã hội, trong đó có báo chí theo đó cũng bung ra. Nhiều cơ quan báo chí từ khi đi vào hoạt động đến nay đã dần khẳng định được vị trí, trở thành những thương hiệu mạnh, nhận được sự yêu mến, tin cậy của độc giả. Khi phải sáp nhập theo quy hoạch, tâm lý, đời sống của người lao động báo chí ít nhiều bị ảnh hưởng, thương hiệu của cơ quan báo chí cũng bị suy giảm. Thậm chí, khi chuyển đổi mô hình, do không tìm được giải pháp phù hợp nhất, có ấn phẩm báo chí vốn là nỗ lực, tâm huyết và thành quả của nhiều thế hệ làm báo cũng sẽ không còn có mặt trên thị trường báo chí. Đó là điều rất đáng tiếc.

Mặt khác, việc sáp nhập sẽ liên quan đến các vấn đề bộ máy tổ chức, nhân lực, đời sống, công ăn việc làm của hàng nghìn nhà báo. Vì vậy, khi sáp nhập cần tính toán kỹ lưỡng cách thức và bước đi cụ thể cho từng cơ quan báo chí. Để làm tốt được việc này cần có sự thống nhất ngay trong nhận thức của các cơ quan lãnh đạo quản lý, cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí và bản thân người làm báo. Khi nhận thức đúng về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc quy hoạch, có cách thức và bước đi phù hợp, quan tâm thiết thực đến quyền lợi chính đáng của người làm báo, chúng ta sẽ thành công.

Từ khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ đến giờ đã được một năm, về cơ bản các cơ quan báo chí và những cơ quan có trách nhiệm liên quan đến việc này đều đã thực hiện đúng tiến độ và yêu cầu. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi vẫn còn một số khó khăn trước mắt, thứ nhất là sắp xếp công ăn việc làm ổn định cho lực lượng các nhà báo chịu tác động của việc qui hoạch. Cụ thể là các cơ quan báo chí sáp nhập và các cơ quan báo chí chuyển đổi từ báo thành tạp chí; thậm chí có cơ quan báo chí do khó khăn nên không thể tiếp tục tồn tại được. Do vậy, sẽ dôi dư ra một lực lượng lớn những người làm báo, việc cần giải quyết công ăn việc làm, đời sống ổn định cho lực lượng đó là một vấn đề không hề dễ. Nhưng cũng phải thấy rằng, các cơ quan có trách nhiệm, các cấp hội, các cơ quan báo chí đều đặc biệt quan tâm đến vấn đề này nên về cơ bản cũng đang có những sắp xếp cần thiết để đảm bảo công ăn việc làm, đời sống cho những người làm báo.

Theo ghi nhận của Hội Nhà báo Việt Nam, cho đến thời điểm này chưa có trường hợp nào quá nóng bỏng, bức xúc mà Hội phải can thiệp. Tuy nhiên, tôi vẫn cảm thấy đây là một việc khó mà các cơ quan có trách nhiệm phải tiếp tục quan tâm để giải quyết một cách phù hợp, thỏa đáng nhất.

Việc qui hoạch lại diễn ra đồng thời với việc báo chí phải chịu sự tác động tiêu cực của dịch Covid-19, do đó doanh thu của các cơ quan báo chí bị giảm sút, ảnh hưởng đến thu nhập của các nhà báo. Trong khi đó, có những cơ quan báo chí sáp nhập hoặc tổ chức lại trong thời điểm này, cũng là những thách thức khó khăn đối với ban biên tập và những người làm báo tại các cơ quan đó. Nhưng với một tinh thần trách nhiệm, tất cả mọi người đều phải thực hiện nghiêm quyết định về qui hoạch phát triển và quản lý báo chí cho nên về cơ bản vẫn chấp hành tốt.

“Quy hoạch báo chí là để xây đắp” - Ảnh 2.

Phóng viên báo chí tác nghiệp trong mùa dịch Covid-19.

Bảo vệ lợi ích chính đáng của các Hội viên

* Với tư cách là tổ chức bảo vệ quyền lợi cho người làm báo, Hội Nhà báo Việt Nam có quan điểm cũng như định hướng gì để đảm bảo quyền lợi người làm báo trong quá trình quy hoạch, thưa ông?

- Trong quá trình tham gia các buổi thảo luận về vấn đề quy hoạch báo chí, lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam luôn nhấn mạnh việc đảm bảo quyền làm nghề và các lợi ích chính đáng cho các Hội viên. Trong các lợi ích chính đáng của Hội viên thì quyền được làm nghề là thiêng liêng nhất. Do vậy, dù sắp xếp theo phương thức nào đối với các cơ quan báo chí thì cũng cần chú trọng nhân tố con người, giải quyết thoả đáng. Hội Nhà báo luôn sát cánh, quan tâm bảo vệ quyền lợi chính đáng của các Hội viên.

Thực hiện quy hoạch, nhân lực báo chí sẽ phải rút gọn lại trong cơ cấu tổ chức của cơ quan mới. Điều đó sẽ dẫn đến sự cạnh tranh trong từng vị trí việc làm. Người có đủ năng lực, trình độ chuyên môn, kinh nghiệm làm việc, đáp ứng được yêu cầu công việc, người đó sẽ có chỗ đứng. Đó là quy luật của cuộc sống nói chung chứ không riêng ngành báo chí. Tôi nghĩ, bản thân các nhà báo, phóng viên, biên tập viên cũng cần nỗ lực học hỏi, nắm bắt công nghệ mới, vươn lên, khẳng định vị trí của mình trong bối cảnh mới.

* Triển khai quy hoạch báo chí, nhiều tờ báo sẽ trở thành tạp chí. Vậy Hội Nhà báo Việt Nam đã có kế hoạch mở các lớp đào tạo, tập huấn cho những phóng viên, biên tập viên, người làm báo thuộc các cơ quan báo thực hiện quy hoạch chuyển thành tạp chí không, thưa ông?

- Báo chí chúng ta đang trải qua một cuộc chuyển mình rất mạnh mẽ về phương thức và cách thức làm báo, ngay cả những cơ quan báo chí không thuộc diện qui hoạch cũng vẫn phải có bước đột phá để có thể vươn lên đáp ứng được yêu cầu phát triển báo chí trong thời kỳ mới. Đặc biệt, đối với các tờ báo chuyển từ báo thành tạp chí, đòi hỏi đó còn nóng bỏng hơn, trực tiếp hơn, bức xúc hơn. Hội nhà báo Việt Nam giao cho Trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí tiếp tục nghiên cứu nhu cầu của các cơ quan báo chí thuộc diện chuyển đổi để có những lớp bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, phục vụ trực tiếp cho lực lượng phóng viên ở các cơ quan chuyển đổi để khi làm tạp chí phải tăng cường chiều sâu cho các tin, bài đúng với tính chất của tạp chí.

* Khi quy hoạch trở thành tạp chí, các tờ báo sẽ phải hoạt động theo tôn chỉ mục đích. Vậy liệu có xảy ra khả năng dù có đầy đủ tư liệu về tham nhũng nhưng tạp chí không thể đăng bài không, thưa ông?

- Tôi cho rằng việc quan trọng nhất là cách thức sản xuất tin, bài; còn đề tài không bị ngăn cản vì tạp chí vẫn có thể tham gia vào việc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực… bằng những bài phân tích sâu về thông tin, lý lẽ, độ tin cậy, sức thuyết phục của tạp chí. Ví dụ, qua một vụ chống tham nhũng, tiêu cực có những bài học gì cần phải rút ra trong công tác quản lý cán bộ, huy động sức mạnh từ nhân dân, từ báo chí, trách nhiệm của các cơ quan bảo vệ pháp luật như thế nào, sự phối hợp giữa các cơ quan đó ra làm sao để có được những thông tin chính xác nhất, kịp thời nhất phục vụ cho việc điều tra, xét xử.

* Công tác qui hoạch báo chí cũng ảnh hưởng đến việc đào tạo sinh viên báo chí trong các trường đại học hiện nay, đó là sẽ khó xin được việc với đúng chuyên ngành đào tạo? Ông có nhận định gì về việc này và có lời khuyên gì cho sinh viên đã và đang học báo chí?

- Báo chí Việt Nam vẫn đang trong quá trình phát triển mạnh, nhưng hiện tại không phải phát triển theo số lượng mà lấy chất lượng làm chính, theo chiều sâu và tiếp cận với trình độ làm báo ngày càng hiện đại. Do vậy, việc đào tạo báo chí cũng theo hướng đó, các thế hệ những người làm báo hiện nay đang được đào tạo trong các trường đại học, trung tâm báo chí cũng đều phải theo xu hướng làm báo hiện đại. Tôi nghĩ, nếu được đào tạo theo xu hướng đó để cung cấp những kiến thức kịp thời, khi sinh viên ra trường sẽ có điều kiện tham gia vào hoạt động báo chí, nếu như họ nhanh chóng khẳng định được trình độ, năng lực của bản thân. Do vậy chúng ta không quá bi quan về vấn đề qui hoạch sẽ bị ảnh hưởng đến công tác đào tạo. Ở đây, điều quan trọng nhất chính là việc đào tạo phải có chất lượng, những người sau khi được đào tạo phải biết cách để sử dụng kiến thức vào hoạt động báo chí một cách nhanh nhất.

Về ý thức học tập, tôi luôn nhớ đến V.I.Lênin có một câu nói rất nổi tiếng mà cho đến bây giờ luôn đúng với tất cả mọi đối tượng trong xã hội, nhưng lại càng đúng với sinh viên, đó là "Học, học nữa, học mãi". Do vậy, ở trong trường, sinh viên phải học tập tốt, nhưng riêng học chưa đủ mà phải mở rộng biên độ tiếp xúc kiến thức ra ngoài phạm vi nhà trường và tiếp cận thực tiễn đời sống của báo chí, truyền thông ngày hôm nay. Qua đó để bổ sung cho mình những kiến thức mà trong nhà trường chưa thể đáp ứng được.

Một điều quan trọng nữa là trong quá trình học, sinh viên phải biết làm nghề, học nghề, tức là học nghề và làm nghề phải luôn gắn với nhau, song hành cùng nhau, phải rèn luyện ngay từ khi ở giảng đường bằng những hoạt động tác nghiệp. Như vậy, khi ra trường các sinh viên báo chí hoàn toàn có cơ hội làm việc tại các cơ quan truyền thông và theo đúng với chuyên ngành đã học.

* Xin trân trọng cảm ơn ông!