Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Quỳnh Nhai: Biến khó khăn thành lợi thế để làm giàu

(Dân sinh) - Mấy năm nay, người dân huyện Quỳnh Nhai (Sơn La) phát triển nuôi cá lồng bè trên hồ thủy điện Sơn La cho thu nhập cao. Nhờ đó, nhiều hộ dân đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu.

Phát triển nuôi cá lồng bè trên hồ thủy điện

Năm 2005, trong cuộc đại di dân để xây dựng công trình Nhà máy thủy điện Sơn La - Nhà máy thủy điện lớn nhất Việt Nam và khu vực Đông Nam Á (tại thời điểm đó), huyện Quỳnh Nhai đã thực hiện di chuyển 8.435 hộ dân ra khỏi vùng ngập lòng hồ thủy điện Sơn La, thuộc 9 xã, 99 bản, xóm, 36.000 nhân khẩu. Để hoàn thành được đại công trình phục vụ nhu cầu cung cấp điện cho cả nước, người dân Quỳnh Nhai chấp nhận nhường nơi ở, nơi sản xuất bao đời gắn bó để đến một nơi mới, bắt đầu cuộc sống mới.

Quỳnh Nhai: Biến khó khăn thành lợi thế để làm giàu - Ảnh 1.

Người dân nuôi cá lồng bè trên lòng hồ thủy điện Sơn La.

Ông Lò Thanh Thủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Nhai cho biết: Công cuộc di dân, tái định cư đã nhận được sự ủng hộ tích cực của người dân. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là làm thế nào để ổn định đời sống và phát triển sản xuất cho người dân.

Bởi ngoài 8.435 hộ dân di chuyển ra khỏi vùng ngập, còn có trên 3.000 hộ dân sở tại bị ảnh hưởng. Cùng với đó, 414 hộ không di chuyển theo quy hoạch, đã phá vỡ quy hoạch tái đinh cư của huyện, ảnh hưởng đến định mức đất sản xuất phân cho các hộ dân. "Không ít người dân không tránh khỏi chạnh lòng khi nơi ở trước đây của gia đình giờ là biển nước mênh mông. Chuyển về nơi ở mới, người dân gặp không ít khó khăn. Bởi, có nơi thiếu đất sản xuất, có nơi người dân chưa quen với việc chuyển đổi từ trồng lúa nước sang trồng ngô, cây ăn quả trên nương", ông Thủy cho hay.

Sau khi phân tích điều kiện hiện có cũng như tìm hiểu các mô hình phát triển kinh tế, năm 2010, huyện Quỳnh Nhai quyết định thí điểm nuôi 20 lồng cá trên lòng hồ thủy điện Sơn La. Sau khi triển khai thí điểm đạt hiệu quả, mô hình nuôi cá lồng ngày càng được nhân rộng. Huyện ủy Quỳnh Nhai đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn chuyển giao kỹ thuật nuôi cá lồng cho các hộ dân. Đồng thời, triển khai hiệu quả Nghị quyết 57 và Nghị quyết 88 của HĐND tỉnh về hỗ trợ mở rộng mô hình nuôi cá lồng. Ông Thủy cho biết: "Sau khi được tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật, những hộ đăng ký triển khai mô hình nuôi cá lồng bè được hỗ trợ 5 triệu đồng/lồng để làm lồng. Đồng thời, người dân được vay vốn ưu đã từ Ngân hàng Chính sách xã hội để mua con giống, thức ăn chăn nuôi...".

Quỳnh Nhai: Biến khó khăn thành lợi thế để làm giàu - Ảnh 2.

Ông Chảu kiểm tra lồng cá.

Hiện, gần 10.000 hộ dân trên địa bàn các xã vùng hồ gắn bó với nghề nuôi trồng và đánh bắt thủy sản trên lòng hồ thủy điện Sơn La. Toàn huyện đã có 46 hợp tác xã nuôi trồng thủy sản, với tổng số 7.000 lồng cá, sản lượng nuôi trồng và đánh bắt đạt 2,3 nghìn tấn thủy sản/năm (chỉ tính thủy sản có chất lượng cao); 10 hợp tác xã và 1 doanh nghiệp trên địa bàn được trao quyền sử dụng Giấy chứng nhận thương hiệu "Cá sông Đà" do Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học - Công nghệ) cấp phép.

Sau khi huyện triển khai nuôi thí điểm thành công, ông Lương Văn Chảu, dân tộc Thái ở bản Bung Én, xã Chiềng Bằng là một trong những hộ dân tiên phong nuôi cá lồng bè trên lòng hồ thủy điện Sơn La. "Thấy mô hình nuôi cá lồng bè hiệu quả và có nhiều triển vọng, năm 2013, tôi cùng một số hộ dân đăng ký tham gia. Mỗi gia đình được huyện hỗ trợ 5 triệu đồng/lồng để làm lồng. Tổng chi phí làm 1 lồng hết 7 triệu đồng. Phần tiền còn thiếu, chúng tôi được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội", ông Chảu nhớ lại.

Quỳnh Nhai: Biến khó khăn thành lợi thế để làm giàu - Ảnh 3.

Ông Chảu kéo lồng cá lăng hơn 1 năm tuổi.

Tận dụng tối đa lợi thế từ diện tích mặt nước

Từ 17 lồng cá năm 2013, đến nay ông Chảu đã mở rộng thành 60 lồng với nhiều loại cá: Lăng, chép, trắm cỏ, rô phi…. Năm 2015, ông Chảu cùng một số hộ dân thành lập HTX thủy sản Bản Bung. Các thành viên HTX được tập huấn kỹ thuật chăm sóc cá, liên kết tìm đầu ra cho sản phẩm. Đã có 38 thành viên HTX với tổng số lồng lên đến 520.

 Ông Chảu nói: "Trước đây gia đình trồng ngô mỗi năm được 1 vụ, diện tích đất không được nhiều nên cuộc sống nhiều khó khăn. Không ít thành viên trong HTX thủy sản Bản Bung từng là hộ nghèo, cận nghèo. Từ khi nuôi cá lồng bè, cuộc sống của các hộ thay đổi rõ rệt. Cá có bán quanh năm nên có thu nhập đều. Trừ các chi phí, mỗi năm gia đình tôi thu lãi khoảng 250 - 300 triệu đồng. Đây là số tiền mà trước đây trồng ngô không bao giờ dám mơ tới".

Với đặc trưng mặt nước có nhiều sinh vật phù du làm thức ăn cho cá nên không tốn nhiều chi phí mua thức ăn chăn nuôi. Diện tích đất trước đây trồng ngô nay được các hộ dân trồng cỏ để cho cá ăn.

Cùng với đó, huyện Quỳnh Nhai phát triển dịch vụ, du lịch từ diện tích lòng hồ đang có. Để biến từ khó khăn thành tiềm năng, lợi thế của địa phương, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành Nghị quyết số 47-NQ/HU về phát triển du lịch huyện giai đoạn 2014 - 2020 tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, thực hiện đề án bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc Thái tại xã Mường Chiên, gắn với du lịch cộng đồng; phát triển các khu du lịch: Vùng lòng hồ thủy điện Sơn La; trung tâm xã Mường Giàng; khu du lịch tâm linh đền Linh Sơn - Thủy Từ... với mục tiêu Quỳnh Nhai là điểm đến hấp dẫn trong tour du lịch miền núi Tây Bắc. Qua đó tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân.

Quỳnh Nhai: Biến khó khăn thành lợi thế để làm giàu - Ảnh 5.

Nhờ nuôi cá lồng bè, nhiều gia đình ở đây làm giàu, thu nhập 200-300 triệu đồng/năm.

Ngoài khai thác hiệu quả diện tích mặt nước lòng hồ thủy điện Sơn La để phát triển nghề nuôi trồng và đánh bắt thủy sản, du lịch - dịch vụ, huyện Quỳnh Nhai sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình xây dựng nông thôn mới để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Trọng tâm là trồng cây ăn quả và cây dược liệu dưới tán rừng, gắn với bảo vệ rừng, các mô hình chăn nuôi phù hợp với điều kiện của từng bản, từng xã.